Tháo gỡ ‘điểm nghẽn’ đầu tư vào khu công nghiệp
Một nghị định mang tính đột phá
Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý Khu công nghiệp và khu kinh tế được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 28/5/2022. Nghị định 35 đã khắc phục những hạn chế của Nghị định 82/2018/NĐ-CP và là chính sách quan trọng trong việc định hướng phát triển hạ tầng KCN của Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.
Đặc biệt là Nghị định 35 đưa ra các chính sách liên quan đến việc hỗ trợ phát triển các mô hình KCN chuyên dụng như Khu công nghiệp hỗ trợ, Khu công nghiệp chuyên ngành, Khu công nghiệp sinh thái, Khu công nghiệp công nghệ cao.
Nghị định 35 được ban hành có nhiều đổi mới, trong đó KCN được cải thiện chủ trương đầu tư, diện tích đầu tư và được mở rộng hoạt động đa lĩnh vực thương mại dịch vụ…
“Thậm chí trong một số trường hợp, một số KCN được chuyển sang thành khu đô thị thương mại dịch vụ”, ông Trần Đình Hạnh, Phó Cục trưởng Cục knh tế và phát triển Quỹ đất, Tổng cục quản lý Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.
Nghi định 35/2022/NĐ-CP sớm đi vào thực tiễn sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo ra bước đột phá và cải thiện nền kinh tế đất nước. |
Nghị định cũng có một số quy định mở hơn về cơ chế, hướng dẫn, trách nhiệm của BQL các khu kinh tế địa phương cũng như quyền của các chủ đầu tư khai thác hạ tầng các KCN cũng đã mở hơn.
Đồng thời tạo ra những cơ hội cho một ngành kinh tế mới là ngành kinh tế xanh và nó cũng là cơ hội cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào các KCN xanh.
“Dù được đánh giá là mang tính đột phá, thiết thực, lược bỏ tương đối các thủ tục hành chính rườm rà, tuy nhiên hiện nay, việc thực hiện, triển khai Nghị định số 35 vẫn có những điểm nghẽn cần được tháo gỡ”, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết.
Từ góc độ nhà đầu tư, ông Trần Anh Vương - Tổng Giám đốc Western Pacific cho biết Nghị định 35 còn rất nhiều tồn tại.
Vướng thứ nhất là quy định về vấn đề phân kỳ đầu tư, đây là một trong những vấn đề vướng mắc cho các nhà đầu tư.
“Làm một KCN 250ha, khi đi xin chủ trương đầu tư chúng ta sẽ phải tách đôi, làm 2 lần chủ trương đầu tư, 2 lần lựa chọn nhà đầu tư, 2 lần giải phóng mặt bằng… Nếu phân kỳ lần 1, tỷ lệ lấp đầy chưa đạt 60% thì phân kỳ lần 2 sẽ là chủ đầu tư khác. Với những thủ tục này không khéo sẽ làm cho tính tích cực trở thành tiêu cực. Bởi nếu phân kỳ như vậy, tính khớp nối sẽ rất khó với ngay cả 1 chủ đầu tư”, ông Vương nói.
Ông Vương mong chờ “Thông tư hướng dẫn sẽ đưa ra những quy định cụ thể, rõ ràng nếu như hiện nay chúng tôi rất bối rối”.
Thứ hai, theo Nghị định 35 cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư KCN là Thủ tướng Chính phủ, cơ quan tiếp nhận đề xuất chủ trương đầu tư là Bộ KHĐT. “Đây là một quy định đúng nhưng còn một chút bất cập” ông Vương nói.
Hiện đã có luật quy hoạch nên quy hoạch đã có, kế hoạch sử dụng đất cũng đã cụ thể, bao nhiêu đất được sử dụng cho công nghiệp, sử dụng cho đất lúa đã được tỉnh quy hoạch. Khi đầu tư, doanh nghiệp trình hồ sơ lên Bộ KHĐT thì chắc chắn sau đó Bộ phải làm công văn hỏi các bộ và có hỏi về tỉnh. Khi hỏi về tỉnh, lúc đó mới biết được quy hoạch của tỉnh như thế nào, trong đó đất lúa có bị vi phạm không, có bị phân kỳ hay không.
Quá trình luân chuyển này sẽ làm chậm quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư. Quy định mới ở Nghị định 35 khúc mắc hơn trước đây.
Xung đột khi triển khai do hiểu, vận dụng không thống nhất
Các doanh nghiệp mong Nghị định 35 sớm có hướng dẫn thực hiện, nếu không sẽ xảy ra xung đột trong quá trình triển khai do cách hiểu, cách vận dụng không thống nhất và đồng bộ.
Theo ông Nguyễn Đình Nam – CEO AP Việt Nam lại nêu vấn đề: tại sao Nghị định 35 không bao hàm câu chuyện quy định liên quan đến xúc tiến đầu tư vào KCN như thế nào để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, để có định hướng ban đầu, hình thành KCN của mình theo đúng tiêu chí để thu hút tốt hơn.
Trong Nghị định có nói đến dữ liệu các KCN, KKT (có hẳn 1 chương riêng, chương V) nhưng “câu chuyện của chúng ta là hệ thống dữ liệu đó đang nằm ở đâu, hệ thống quản lý nhà nước cũng chưa có”, ông Nam nói.
Bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI và Luật sư Lưu Hải Vũ lại mang lo ngại lo ngại về quy định xây dựng mô hình KCN – đô thị, dịch vụ tại Nghị định 35.
Để “gói” mô hình 3 trong 1 này, cần xây dựng cơ chế riêng, độc lập với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản để xây dựng nội dung điều chỉnh trực tiếp vấn đề quy hoạch, thủ tục hành chính.
Và khi triển khai hạng mục “đô thị” thì chủ đầu tư lại phải tuân thủ các luật chuyên ngành khác trong đó có cơ chế đấu giá, đấu thầu và một số cơ chế liên quan khác thì mới đủ điều kiện pháp lý của người sử dụng đất nhằm tiếp tục thực hiện dự án. Điều này không hợp lý và cần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.
Bà Nguyễn Thị Thu - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Sản xuất Thực phẩm Anh Kim thì lo rằng giá thuê đất sẽ tăng sau khi Nghị định 35 có hiệu lực. Với các KCN mà doanh nghiệp đang phải trả tiền thuê đất theo từng năm thì việc áp dụng Nghị định 35, giá sẽ tăng theo hệ số K quy định của Nhà nước.
Thực tế đã cho thấy, có hiệu lực từ 17/7/2022, Nghị định 35 nhưng các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý địa phương vẫn lúng túng trong việc áp dụng Nghị định này.
Nguyện vọng chung là các cơ quan quản lý sớm ban hành những hướng dẫn phù hợp, kịp thời bổ sung, điều chỉnh, giúp Nghị định 35 sớm đi vào thực tiễn và được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt mới trong việc phát triển, quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế.