Ngân hàng đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất
BIDV và Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ dự án đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III tại Bình Dương (VSIP III - Bình Dương) với giá trị 4.600 tỷ đồng, tương đương với khoảng 200 triệu USD.
Theo đó, BIDV với vị thế của một định chế tài chính hàng đầu sẽ cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại hỗ trợ hai đơn vị cùng phát triển. Đặc biệt, BIDV đã có kinh nghiệm trong việc phục vụ hơn 15 triệu khách hàng cá nhân và hơn 340 nghìn khách hàng doanh nghiệp, trong đó có hơn 6.400 doanh nghiệp FDI trên cả nước và hơn 1.000 doanh nghiệp FDI tại địa bàn Bình Dương.
Còn VSIP - với vị thế là một trong những đơn vị phát triển khu công nghiệp hàng đầu Việt Nam sẽ sử dụng nguồn vốn BIDV tài trợ một cách hiệu quả để triển khai đầu tư xây dựng và phát triển thành công dự án, mang lại hiệu quả kinh tế cho các bên cũng như góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư của tỉnh Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung.
Ngân hàng mở rộng tín dụng tiêu dùng cá nhân vào khu công nghiệp, khu chế xuất. |
VSIP là liên doanh giữa Tập đoàn Sembcorp (Singapore) và Tổng Công ty Becamex IDC, Khu công nghiệp VSIP III - Bình Dương được xây dựng trên quỹ đất 1.000 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 13.300 tỷ đồng. Tới thời điểm hiện tại, đã có nhiều dự án nổi bật đăng ký đầu tư tại dự án có thể kể đến như: dự án quy mô tới 1 tỷ USD của Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) trên diện tích 44ha, dự kiến xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên, được cung cấp năng lượng từ nguồn năng lượng tái tạo tại khu công nghiệp; dự án của Tập đoàn Pandora với quy mô đầu tư 100 triệu USD để xây dựng cơ sở chế tác nữ trang đầu tiên tại Việt Nam, đáp ứng 60 triệu sản phẩm trang sức mỗi năm và tạo ra việc làm cho hơn 6.000 lao động. Bên cạnh đó hơn 40 tập đoàn, công ty trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu khả năng phát triển sản xuất tại VSIP III - Bình Dương.
Không chỉ BIDV, từ đầu năm đến nay nhiều ngân hàng đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vào doanh nghiệp các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm khai thác lợi thế xuất nhập khẩu của các công ty trong khu vực này và mở rộng dịch vụ tài chính tiêu dùng cho công nhân.
Tại Hội nghị Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp ở TP.HCM vừa qua, bốn ngân hàng đã ký kết hợp đồng tín dụng và cho vay mới trên 4.663 tỷ đồng đối với 20 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, 13 ngân hàng trên địa bàn đăng ký tham gia Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh, giúp các doanh nghiệp có điều kiện tăng tốc xuất khẩu, tạo công ăn việc làm…
Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp trong khu vực này cũng có tốc độ phát triển phục hồi nhanh. Tại TP.HCM, các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố (chưa kể dầu thô); thu ngân sách của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất hàng năm đạt trên 50 ngàn tỷ đồng…
Trên thực tế, thời gian trước các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất chủ yếu là nhà đầu tư nước ngoài, mức độ sử dụng tín dụng không cao và thường vay vốn của các ngân hàng ngoại. Tuy nhiên thời gian gần đây, các ngân hàng nội đang đẩy mạnh hoạt động tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo đó, không chỉ cung ứng vốn, các ngân hàng còn cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
Đặc biệt gần đây, các ngân hàng còn bắt tay với các công ty công nghệ tài chính đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ tài chính cá nhân như dịch vụ cho vay ứng lương công nhân… phục vụ người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Một khảo sát của Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện vào đầu năm nay cho hay, 11,2% người lao động cho biết thường xuyên phải đi vay để chi tiêu đảm bảo cuộc sống, 35,6% người lao động đi vay một lần trong thời gian từ 3-4 tháng, 35,6% người lao động đi vay từ 1-2 lần mỗi năm và 17,7% người lao động chưa phải vay vốn chi tiêu đảm bảo cuộc sống. Trong khi đó, các công ty tài chính tập trung phân khúc cho vay 3 - 12 tháng, ngân hàng ưu tiên khoản vay trên 12 tháng.
Do đó, theo các chuyên gia tài chính, dư địa tín dụng tiêu dùng vẫn còn rất lớn để các TCTD có thể khai thác. Tuy nhiên theo liên đoàn lao động địa phương, các doanh nghiệp cũng cần hợp tác, hỗ trợ các ngân hàng cũng như các công ty tài chính trong hoạt động thu hồi nợ cho vay đối với người lao động để tiết giảm chi phí tài chính cho vay những khoản vay nhỏ lẻ. Trên cơ sở đó, các TCTD mới có thể thiết kế ra các sản phẩm tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất phù hợp để hỗ trợ người lao động, qua đó chung tay cùng đẩy lùi vấn nạn “tín dụng đen”.