Tiểu thương chợ truyền thống học… livestream
Xu hướng mua sắm thay đổi
Trong thời kỳ bùng nổ của công nghệ thông tin như hiện nay, thói quen mua sắm của người tiêu dùng cũng dần thay đổi. Theo đó, thay vì đến các chợ truyền thống để mua hàng, nhiều người chỉ cần nằm ở nhà cũng có thể mua sắm cho mình những mặt hàng ưng ý.
Trên thực tế, từ sau đại dịch Covid-19, người tiêu dùng trên địa bàn Đà Nẵng cũng như ở nhiều địa phương khác trong cả nước đã quen dần với việc thanh toán không dùng tiền mặt khi đi chợ hoặc mua hàng trực tuyến (online). Đến nay, việc mua sắm online, săn hàng khuyến mãi là thói quen của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Người tiêu dùng đã xây dựng thói quen mua sắm online để tiết kiệm thời gian và nhận được nhiều ưu đãi đặc biệt.
Phục vụ nhu cầu mua sắm của các “thượng đế”, hình thức mua bán hàng hóa thông qua kênh livestream (phát trực tiếp) cũng đã phát triển nhanh chóng, trở thành công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp, người bán quảng bá, giới thiệu và bán hàng hóa mà không phải tốn nhiều chi phí, nhân lực cho việc duy trì, vận hành các điểm bán hàng trực tiếp.
Tại những phiên bán hàng trực tuyến, người bán có thể chủ động “chốt đơn”, trả giá hay có những ưu đãi để chiều lòng khách hàng. Bên cạnh đó, một số siêu thị như Winmart cũng có dịch vụ đi chợ trực tuyến. Điều này càng khiến cho nhiều người ngày càng bỏ qua chợ truyền thống để hướng đến những lựa chọn tiện lợi, tiết kiệm thời gian hơn.
Bán hàng theo cách truyền thống rơi vào cảnh ế ẩm |
Với sự bùng bổ của của các kênh bán hàng trực tuyến, đã khiến cho hoạt động của các chợ truyền thống trên địa bàn Đà Nẵng gặp không ít khó khăn. Có thời điểm nhiều chợ truyền thống tại Đà Nẵng như chợ Đống Đa, chợ Cồn (quận Hải Châu), chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), An Hải Đông (quận Sơn Trà)… đều trong tình trạng buôn bán ế ẩm. Nhiều buổi chợ tiểu thương ngồi lướt điện thoại, tám chuyện...là chính. Vì vắng bóng “thượng đế” trong thời gian dài, nhiều tiểu thương đành treo bảng sang nhượng, nghỉ bán…
Nguyên nhân chính khiến các chợ truyền thống rơi vào tình cảnh trên do tình hình kinh tế khó khăn, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu và do việc nở rộ các kênh mua sắm trực tuyến khiến hoạt động của các chợ truyền thống rơi vào cảnh ế ẩm. Một tiểu thương chợ Cồn cho biết, từ sau dịch Covid-19, thói quen của nhiều gia đình đã thay đổi, các chi tiêu, mua sắm đều rất tiết kiệm, đặc biệt nhiều người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến dẫn đến tình trạng chợ dân sinh vắng hơn trước rất nhiều.
Thích nghi để tồn tại
Nhằm hỗ trợ cho bà con tiểu thương, mới đây các cơ quan chức năng ở Đà Nẵng đã tổ chức tập huấn kinh doanh trên môi trường số và kiến thức bán hàng trên mạng cho các tiều thương chợ truyền thống trên địa bàn.
Chương trình nhằm tạo cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về các quy định, cơ chế và chính sách bán hàng, các kỹ năng liên quan đến thương mại điện tử. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển bền vững và gia tăng hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của tiểu thương, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất trên các chợ truyền thống tại Đà Nẵng.
Sau khi tập huấn, các tiểu thương sẽ tiếp tục được đào tạo và thực hành livestream bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tiểu thương được hỗ trợ mở tài khoản bán hàng, đào tạo chuyên sâu kỹ năng livestream, thực hành tạo tài khoản và livestream thử... Nhiều tiểu thương đã hào hứng khi được hỗ trợ, tập huấn về livestream bán hàng.
Bà Phan Thị Thu, một tiểu thương ở chợ Hàn cho biết, thời gian qua, sức mua ở chợ truyền thống không khả quan, các tiểu thương như bà cũng xoay xở để bán hàng trên môi trường số thông qua zalo, facebook.Khi được tấp huấn kỹ năng livestream giúp cho bà và các tiểu thương khác tự tin hơn khi kinh doanh trên mạng.
Tiểu thương phải bắt kịp với xu thế công nghệ mới có thể cải thiện tình hình kinh doanh. |
Theo ông Nguyễn Văn Trừ, Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Đà Nẵng, thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân. Trong đó, hình thức mua bán hàng hóa thông qua kênh livestream đã phát triển nhanh chóng, trở thành công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu và bán hàng hóa mà không phải tốn nhiều chi phí, nhân lực cho việc duy trì, vận hành... và được nhiều người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn để mua sắm trực tuyến thông qua các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
Sở Công thương thành phố mong muốn chương trình sẽ giúp các tiểu thương tham dự cập nhật kiến thức, kỹ năng về các giải pháp bán hàng trực tuyến thông qua kênh thương mại điện tử; đồng thời hỗ trợ tiểu thương tại chợ truyền thống tiếp cận các giải pháp bán hàng hiện đại, từng bước chuyển đổi thành mô hình chợ thông minh. Dự kiến, trong thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục đào tạo và thực hành sau livestream với tiểu thương; tổ chức phát động và trình diễn livestream, quy trình đóng gói và vận chuyển hàng hóa tại các chợ.
Trước đó, để giúp người dân tiếp cận các phương thức thanh toán hiện đại, Đà Nẵng cũng đã đẩy mạnh triển khai mô hình “Chợ 4.0” tại chợ Cồn, chợ Hàn và chợ Đống Đa. Với mô hình này, tiểu thương và khách hàng có thể mua, bán hàng hóa tại chợ bằng cách quét mã VietQR hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng Viettel Money, từ đó thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng tại các chợ.