Ngân hàng mở rộng kết nối tiểu thương
Tiểu thương bật mí cách thanh toán an toàn trong thời đại bùng nổ quét mã QR Code “Vén khéo” với cách quản lý tài chính thông minh của tiểu thương |
Tại TP. Hồ Chí Minh, ngân hàng đang rầm rộ triển khai chương trình “tuần lễ sinh lời tự động” tại các chợ truyền thống. Chương trình thu hút hàng nghìn tiểu thương tham gia bằng cách tải App (ứng dụng) ngân hàng điện tử, sử dụng tính năng sinh lời tự động để hưởng lãi suất tiết kiệm hấp dẫn đối với tiền gửi không kỳ hạn.
Tận dụng nguồn khách hàng trên, Techcombank mở thêm hai chương trình tín dụng mới là cho vay tiểu thương và cho vay siêu tốc. Theo đó, khách vay có thể nhận được khoản tài trợ vốn đến 3 tỷ đồng, thời hạn vay tối đa 84 tháng với lãi suất từ 10%/năm khi sử dụng kèm các dịch vụ của ngân hàng.
Không chỉ Techcombank, hiện nay hàng loạt các ngân hàng khác như BIDV, ACB, NCB, BVBank, VPBank, Eximbank… đều đã phát triển mạnh các chương trình cho vay đối với tiểu thương thông qua kết nối với các tổ chức chính trị xã hội (Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên) và các “Câu lạc bộ Tiểu thương thông minh”, “Tiểu thương 4.0” mới được các địa phương thành lập và đi vào hoạt động.
Tại Bến Tre, BIDV phối hợp với Liên hiệp hội Phụ nữ huyện Châu Thành triển khai “phủ xanh” mã QR cho phụ nữ tiểu thương ở các xã trên địa bàn. Song song đó, ngân hàng kết nối với các tiểu thương triển khai gói cho vay thấu chi hạn mức 100 triệu đồng không cần tài sản đảm bảo với lãi suất ưu đãi từ 4%/năm, tặng kèm 3 tháng sử dụng miễn phí phiên bản Sổ Bán Hàng BIDV Pro để người vay quản lý cửa hàng và doanh thu.
Trong khi đó, tại Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang hiện nay đã có khoảng hơn 40 chợ truyền thống áp dụng mô hình “chợ thông minh 4.0” và hàng chục câu lạc bộ “phụ nữ tiểu thương thông minh” được thành lập, có sự tham gia của các NHTM, công ty tài chính trong việc hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt và vay vốn trực tuyến.
Các chi nhánh của VPBank đã thu hút hàng nghìn tiểu thương khu vực phía Nam tham gia sử dụng ứng dụng thanh toán TAP2PHONE VPBank CommCredit và đăng ký vay vốn gói tín dụng tiểu thương với lãi suất từ 4,19%/năm trong thời gian ưu đãi. Các ngân hàng khác như ACB, NCB, Eximbank, BVBank cũng đều ghi nhận các gói vay dành cho tiểu thương sản xuất kinh doanh và vay tiêu dùng đang có tốc độ tăng trưởng nhanh với sự tham gia hào hứng của cộng đồng tiểu thương chợ truyền thống và các “chợ thông minh 4.0”.
Theo quan sát của Thời báo Ngân hàng, nhìn chung các gói vay dành cho tiểu thương có mức lãi suất trong thời gian ưu đãi khá thấp, khoảng 4-5%/năm. Hạn mức vay vốn linh hoạt từ 100 triệu đồng đến 3 tỷ đồng, thời hạn vay từ 6 tháng đến 20 năm, kèm theo nhiều ưu đãi về mở thẻ tín dụng, miễn giảm các loại phí giao dịch và tặng kèm các ứng dụng tiện ích phục vụ thống kê, quản lý nguồn cửa hàng, doanh thu.
Việc kết nối sản phẩm, dịch vụ ngân hàng với các mô hình kinh doanh tiểu thương được các tổ chức tín dụng thực hiện bài bản và chủ động. Ngoài việc kết nối trực tiếp với Ban quản lý các chợ truyền thống và các sạp chợ, nhiều NHTM phối hợp với Phòng Kinh tế cấp quận, huyện và các hội đoàn thể tại các địa phương để cạnh tranh triển khai các sản phẩm, dịch vụ tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh.
So với giai đoạn trước, hiện nay hoạt động cho vay tiểu thương thông qua các hình thức trực tuyến, ứng dụng tài chính nhúng và các App tích hợp vừa vay vốn vừa quản lý cửa hàng, có sự phối hợp giữa ngân hàng với các fintech - công nghệ ngày càng phổ biến giúp tiểu thương có nhiều lựa chọn.
Việc mở rộng hợp tác triển khai các sản phẩm dịch vụ tài chính khép kín dành cho tiểu thương, theo đánh giá của đại diện một số NHTM đang là giải pháp giúp các ngân hàng tăng trưởng tín dụng tiêu dùng an toàn và có thể cạnh tranh được với các mô hình cho vay tiêu dùng khác do yếu tố nhanh chóng và tiện dụng. Điều này cũng giúp mở rộng cơ hội vay vốn cho người dân có nhu cầu sản xuất kinh doanh và hạn chế bùng phát các hình thức tín dụng đen.
Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường ngày càng phát triển các hình thức cho vay trực tuyến đến từ các mô hình kinh tế chia sẻ và các nền tảng tài chính số quốc tế, không loại trừ các trường hợp “núp bóng” cho vay tiêu dùng để cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm dụng vốn… Vì thế, bà con tiểu thương và người dân cần cân nhắc kỹ lưỡng, lựa chọn những tổ chức tín dụng chính thống, có đơn vị kết nối, bảo lãnh uy tín để tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, tín dụng, nhất là trong các tháng cuối năm khi vào mùa cao điểm cần vốn kinh doanh.