Tín dụng chính sách tại Nam Định: Trụ cột hỗ trợ giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới
Nghị định 78 được ban hành cùng với sự ra đời của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Nam Định đã trở thành địa chỉ tin cậy của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, khẳng định vị trí là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới nơi vùng quê vùng Đồng bằng Sông Hồng.
Cán bộ NHCSXH huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định giao dịch tại xã |
Là một trong những hộ được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 78, bà Trần Thị Lan, ở xóm 3, xã Giao Long, huyện Giao Thủy chia sẻ, năm 2019 gia đình bà thuộc diện hộ cận nghèo của xã Giao Long nên đã làm đơn đơn đề nghị và được tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) xóm 3 bình xét đề nghị NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ cận nghèo. Vốn vay của NHCSXH cộng thêm chút số tiền ít ỏi đã dành dụm được, anh chị em trong nhà mỗi người giúp một ít, bà Lan đầu tư cải tạo đầm nuôi tôm thẻ chân trắng, cá trắm, cá chép. Việc đầu tư mang lại hiệu quả rõ rệt, trung bình một vụ 6 tháng gia đình bà Lan thu hoạch được 6 tạ tôm, 25 tấn cá các loại, sau khi trừ chi phí thu nhập của gia đình được 12 triệu đồng/tháng. “Ngoài trả lãi, hàng tháng gia đình tôi còn dành dụm để gửi tiết kiệm thông qua tổ TK&VV để tạo nguồn vốn trả nợ cho ngân hàng khi đến hạn theo thỏa thuận cũng như tạo thói quen tiết kiệm. Và chỉ sau 3 năm gia đình tôi đã trả hết nợ và tiết kiệm được gần 100 triệu đồng”, bà Lan phấn khởi nói.
Sau khi thoát nghèo vào đầu năm 2022, NHCSXH lại tiếp tục cho gia đình bà Lan vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo. Có được vốn, gia đình bà Lan thuê thêm 01 ha đầm và đầu tư mua thêm con giống tôm, cá. Sau một vụ 6 tháng gia đình bà thu hoạch được hơn 1 tấn tôm và 47 tấn cá, trừ chi phí thu nhập của gia đình được 21 triệu đồng/tháng. Ngoài nuôi tôm cá, gia đình tôi nuôi thêm gà, vịt. Các loại nông sản của gia đình luôn được các thương lái đến thu mua ngay tại gia trại, tổng lợi nhuận hàng tháng thu được của gia đình đã trừ chi phí còn từ 250 – 300 triệu đồng /năm.
Từ những lợi nhuận thu được hàng năm đã tạo điều kiện cho gia đình bà Lan có vốn để tái sản xuất, có điều kiện nuôi 3 con ăn học và đã xây được ngôi nhà 55 m² khang trang tại xóm 3 xã Giao Long. “Có được công việc làm ổn định, cuộc sống gia đình ngày càng ấm no hạnh phúc như ngày hôm nay tôi rất biết ơn Đảng, chính quyền, NHCSXH, đoàn thể các cấp đã có chủ trương chính sách tín dụng phù hợp, nhân văn để những hộ nông dân chúng tôi có điều kiện phát huy trí tuệ, sức lao động trong sản xuất kinh doanh đem lại lợi ích cho gia đình và xã hội, thoát khỏi nghèo khó, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”, bà Lan tâm sự.
UBND tỉnh Nam Định đánh giá cao những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện Nghị định 78 trên địa bàn tỉnh 20 năm qua. Mục đích, ý nghĩa của tín dụng chính sách rất thiết thực đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, giúp người dân giảm nghèo. Để phát huy tốt hơn nữa hiệu quả tín dụng chính sách, UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh cần tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị định 78 và các Quy định, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các chính sách tín dụng ưu đãi. Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp; chi nhánh NHCSXH tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách tín dụng ưu đãi để các tầng lớp nhân dân hiểu rõ, từ đó tích cực ủng hộ, hưởng ứng và giám sát thực hiện. (Phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định 78) |
Thống kê của NHCSXH Nam Định cho thấy, đến 31/8/2022, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn đạt 3.741,7 tỷ đồng, gấp hơn 18 lần so với năm 2003, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 17,5%/năm với 97.407 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Thông qua vốn tín dụng chính sách đã có 770.016 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay đạt 12.987,4 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 9.448,5 tỷ đồng; góp phần giúp 87.491 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 59.710 lao động, 114.030 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, 915 em được vay vốn để mua trang thiết bị học trực tuyến; xây dựng 489.021 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây mới, sửa chữa 4.088 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, 290 căn nhà cho người thu nhập thấp; 2.376 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài...
Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2005-2010 từ 13,44% xuống 9,95%; giai đoạn 2011-2015 từ 8,3% xuống 3,77%, giai đoạn 2016-2020 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều từ 5,7% xuống 0,86% và đến cuối năm 2021 theo chuẩn nghèo mới là 1,74%.
Tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ tích cực trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Nam Định |
Có thể nói, các chương trình chính sách tín dụng của NHCSXH tỉnh Nam Định triển khai trong 20 năm qua luôn đảm bảo phục vụ tối đa nhu cầu thiết yếu của các đối tượng chính sách, như từng nấc thang chắc chắn mang đến cho người nghèo sự tự tin tạo lập sinh kế trên hành trình thoát nghèo, tạo thu nhập ổn định, vươn lên làm chủ cuộc sống, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự an toàn xã hội của địa phương. 12 chương trình tín dụng của NHCSXH tỉnh đã phủ đều các nhóm đối tượng yếu thế của xã hội trong hành trình đồng hành “Thấu hiểu lòng dân - Tận tâm phục vụ” cùng hộ nghèo và các đối tượng chính sách chiến thắng nghịch cảnh, vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19.
Cùng với đó, các chính sách, cơ chế nâng mức vay theo từng thời kỳ suốt thời gian qua để phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo tiến trình phát triển với nguyên tắc ưu tiên hộ nghèo rồi đến hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về vốn phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đã tạo thành một hệ thống chính sách đồng bộ, bao phủ các nhóm đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ đa chiều cho người dân. Nhờ đó, không chỉ giúp giảm mà còn góp phần giúp người dân thoát nghèo bền vững. Từ những hộ dân loay hoay trong vòng xoay của nghèo khó, vốn chính sách được trao tay đã giúp họ tìm được hướng đi vững chắc cho hành trình thoát nghèo.
Theo ông Trần Duy Hưng, Giám đốc NHCSXH Nam Định, trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh Nam Định xác định tín dụng chính sách tiếp tục sẽ là trụ cột quan trọng trong giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, NHCSXH tỉnh tiếp tục là nòng cốt chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến các hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh. NHCSXH tỉnh tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và tiếp tục quan tâm bổ sung nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ vốn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tập trung cho vay các chương trình theo chỉ tiêu kế hoạch Trung ương giao. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp, các đơn vị, tích cực tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách; đồng thời tổ chức đào tạo nghiệp vụ cho các cán bộ tham gia hoạt động tín dụng chính sách đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, qua đó nâng cao chất lượng tín dụng chính sách ngày càng hiệu quả hơn.
Tại Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78 trên địa bàn tỉnh Nam Định mới đây, ghi nhận những kết quả đạt được đối với công tác tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Đức Hải đề nghị NHCSXH Nam Định tiếp nhận đầy đủ, kịp thời các nguồn vốn của Trung ương và địa phương; đồng thời tham mưu cho cấp ủy, UBND các cấp quan tâm bố trí hàng năm nguồn vốn ủy thác từ chính quyền địa phương sang NHCSXH để bổ sung cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm quản lý chặt chẽ các nguồn vốn vay và coi trọng thu hồi vốn đầy đủ, kịp thời để quay vòng vốn. Tăng cường sự phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác; tiếp tục củng cố, hoàn thiện các tổ TK&VV. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; đồng thời phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động các Điểm giao dịch xã để người dân được tiếp cận vốn vay ưu đãi an toàn, thuận tiện, dễ dàng.