Tín dụng hợp tác xã trước đòi hỏi đổi mới sản phẩm dịch vụ
Ngân hàng Hợp tác: Điểm tựa phát triển mô hình tín dụng hợp tác xã Dùng kiểm toán để khơi dòng tín dụng hợp tác xã Tìm giải pháp cho tín dụng hợp tác xã |
Mong muốn mở rộng cho vay
Bà Nguyễn Thị Thúy Oanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị QTDND Tây Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, theo quy định hiện hành, QTDND phải duy trì tỷ lệ huy động tiền gửi từ thành viên tối thiểu 60%/tổng huy động do sự biến động thường xuyên giữa nguồn huy động từ thành viên và ngoài thành viên. Trong khi đa số người dân làm ăn và sinh sống tại những địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh chủ yếu là người lao động nhập cư có mức thu nhập thấp, hạn chế về nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư, nên Quỹ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc huy động tiền gửi.
Theo các QTDND, nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh của cá nhân và hộ gia đình là rất lớn. Nhưng theo Thông tư 29/2024/TT-NHNN, hoạt động cho vay của QTDND từ 01/7/2024: QTDND cho vay đối với thành viên là pháp nhân, khách hàng là pháp nhân, cá nhân không phải là thành viên có tiền gửi tại QTDND trên cơ sở bảo đảm bằng số dư tiền gửi tại chính QTDND đó và thời hạn cho vay không được vượt quá thời hạn còn lại của hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm tại chính QTDND đó.
Ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, 19 QTDND trên địa bàn hiện nay có vốn điều lệ 129,9 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 225,1 tỷ đồng, tổng tài sản 2.174,9 tỷ đồng. Các Quỹ phải đảm bảo đúng quy định về tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính, có trách nhiệm trong việc huy động vốn cho vay đối với các thành viên, để đảm bảo tuân thủ tôn chỉ mục đích của QTDND, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các thành viên góp vốn. Bên cạnh đó, Luật Các TCTD mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, các QTDND cần rà soát, cập nhật để thực hiện đúng các quy định mới. |
QTDND cho vay thành viên của hộ nghèo có đăng ký thường trú trên địa bàn hoạt động của QTDND trong trường hợp hộ nghèo không phải là thành viên của QTDND. Trường hợp nhiều thành viên của hộ nghèo cùng vay vốn thì các thành viên của hộ nghèo cùng ký hoặc ủy quyền cho một thành viên của hộ nghèo đại diện ký thỏa thuận cho vay với QTDND. Hộ nghèo phải được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt. Quy trình, thủ tục, hồ sơ cho vay các thành viên hộ nghèo thực hiện theo quy định về cho vay áp dụng đối với thành viên... Trong khi đó, ở các khu đô thị mới đa số là dân nhập cư chỉ đăng ký tạm trú mà không có hộ khẩu thường trú tại địa phương nên không thể đứng tên trên "sổ đỏ" để lấy làm tài sản thế chấp khi có nhu cầu vay vốn. Đây là điểm bất lợi vô cùng lớn đối với người dân có nhu cầu sử dụng vốn vay cũng như hoạt động kinh doanh và phát triển của QTDND.
QTDND Đông Sài Gòn mong muốn mở rộng cho vay thấu chi do cơ chế chính sách cho vay của các quỹ hiện nay đối với một khách hàng không quá 1% vốn tự có, nhưng do vốn của các quỹ thường nhỏ nên số vốn cho vay theo quy định hiện hành chỉ khoảng trên 100 triệu đồng. Trong khi các công ty tài chính tiêu dùng hiện nay đang được phép cấp tín dụng tối đa 200 triệu đồng/khách hàng. Đặc biệt, các QTDND còn chịu áp lực cạnh tranh với các NHTM khi ngân hàng cấp tín dụng thấu chi online cho khách hàng trả lương qua ngân hàng không cần tài sản đảm bảo, chỉ cần xét duyệt dựa trên chấm điểm khả tín công dân qua Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an.
Một số QTDND tại TP. Hồ Chí Minh kiến nghị, cho phép quỹ mở mới phòng giao dịch để phát triển khách hàng, mở rộng cho vay sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, góp phần giảm nghèo, hạn chế tín dụng đen, tạo công ăn việc làm cho thành viên. Từ đó đảm bảo an sinh xã hội và góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
QTDND - một kênh cho vay vốn tương trợ giữa các thành viên góp phần phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo, hạn chế tín dụng đen |
Số hóa sản phẩm dịch vụ
Theo số liệu thống kê của NHNN Việt Nam, tính đến quý II năm 2024, cả nước có 1.176 QTDND, trong đó tổng tài sản của các QTDND khoảng hơn 184 ngàn tỷ đồng, tiền gửi khách hàng trên 163 ngàn tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay khoảng 134 ngàn tỷ đồng. Theo đó, dư nợ cho vay của hệ thống QTDND trên cả nước tương đương với một NHTM quy mô nhỏ và vừa.
Nhìn chung tăng trưởng tín dụng của các QTDND chưa cao do sức hấp thụ vốn trên thị trường còn thấp trong bối cảnh kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, năng lực, chất lượng nhân sự của các Quỹ chưa cao và phải cạnh tranh ngày càng gay gắt của các NHTM, công ty tài chính trên địa bàn có ưu thế vượt trội hơn về chất lượng dịch vụ, thương hiệu. Ông Lương Xuân Vũ, Giám đốc Ngân hàng Hợp tác xã (Co.opBank) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian tới Co.opBank sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ chuyển tiền và thấu chi tài khoản thanh toán, nạp tiền tại quầy, chuyển tiền nhanh 24/7. Đồng thời, hướng dẫn các QTDND chuyển đổi số, miễn nhiều loại phí như: phí duy trì bảo dưỡng hệ thống, phí thường niên, phí quản lý tài khoản, phí cung cấp sao kê, phí thấu chi, phí giao dịch trên ứng dụng Mobile Banking; Miễn phí toàn bộ cho giao dịch thanh toán chuyển tiền của QTDND; hỗ trợ quảng cáo, tiếp thị, tư vấn, đào tạo, hỗ trợ về kỹ thuật cho các Quỹ tham gia hệ thống chuyển tiền điện tử. Đại diện Co.opBank cho biết đã đề nghị các QTDND triển khai các dịch vụ ngân hàng số trong hoạt động của quỹ để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý điều hành kinh doanh theo hướng hiện đại, từng bước đưa các sản phẩm dịch vụ mới, tiện ích đến với thành viên, nhất là khách hàng ở nông thôn, vùng sâu vùng xa.