Tín dụng hướng vào phục hồi kinh tế
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tín dụng chính sách vẫn được giải ngân kịp thời | |
Tín dụng ưu đãi giúp người dân chuyển đổi nghề hiệu quả | |
Tín dụng vi mô chung tay ứng phó dịch bệnh |
Ngân hàng chủ động đồng hành
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa được ban hành mới đây, Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải trực tiếp chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, rà soát tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đối với từng dự án, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng…
Trước đó tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ vào tháng 4/2021, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương trong bối cảnh phục hồi sản xuất kinh doanh trong thời kỳ dịch bệnh Covid có những chủng mới diễn biến phức tạp. Theo đó, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy tiêu thụ nông sản; hoàn thiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm như sân bay Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, các đoạn cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020…
Tín dụng ngân hàng đầu tư nhiều vào hạ tầng của nền kinh tế |
Trên thực tế đối với các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ đặt ra như kể trên, hệ thống ngân hàng đều đã chủ động trong việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính và tài trợ vốn vay.
Chẳng hạn, ở nhiệm vụ thúc đẩy giải ngân đầu tư công, mới đây MSB đã triển khai giải pháp tài trợ vốn cho các doanh nghiệp xây dựng đấu thầu trực tiếp gói thầu vốn ngân sách Nhà nước. Theo đó, các doanh nghiệp có thể được ngân hàng tài trợ 100% vốn vay không có tài sản bảo đảm với hạn mức 15 tỷ đồng và được phê duyệt giải ngân trong ngày. Ngoài ra, MSB cũng áp dụng ưu đãi giảm 50% phí bảo lãnh, tặng kèm thẻ tín dụng Visa Business hạn mức 500 triệu đồng với nhiều ưu đãi cho doanh nhân thanh toán không dùng tiền mặt.
Trước MSB, cuối năm ngoái VietinBank, TPBank cũng đã liên tiếp tung ra các gói sản phẩm vay ưu đãi với hạn mức lớn và lãi suất phù hợp dành cho các doanh nghiệp xây lắp công trình phục vụ thi công các dự án hạ tầng, đầu tư công và đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP).
Theo đó, VietinBank áp dụng 3 sản phẩm chính bao gồm cho vay lưu động, bảo lãnh và xác nhận cung cấp tín dụng. Các công ty xây lắp vay vốn theo gói tín dụng này sẽ được ngân hàng tài trợ đến 100% giá trị hợp đồng, hóa đơn với thời hạn 12 tháng. Đặc biệt, khi tiến hành cấp hạn mức tín dụng, ngân hàng này không yêu cầu doanh nghiệp phải có đủ tài sản đảm bảo mà có thể bổ sung thế chấp theo tiến độ thực hiện công trình.
Bên cạnh đó TPBank thiết kế những sản phẩm cho vay đối với công ty xây lắp cũng tương tự. Ngân hàng chấp nhận tỷ lệ ký quỹ 0% của khách hàng và đồng ý nhận quyền đòi nợ hình thành trong tương lai từ phương án, bất động sản làm tài sản đảm bảo. Đặc biệt, riêng với các nhà thầu tham gia dự án sân bay Long Thành là dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, ngân hàng này áp dụng mức lãi suất cho vay 5,2%/năm đồng thời tài trợ đầu tư máy móc thiết bị, xe ô tô tải... phục vụ thi công công trình với tỷ lệ tài trợ tối đa đến 80% giá trị tài sản.
Đa dạng vốn cho nông nghiệp nông thôn
Không chỉ đồng hành với hoạt động thúc đẩy giải ngân đầu tư công và tham gia tài trợ vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng cho các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, đối với các mục tiêu trọng điểm khác mà Chính phủ đặt ra, như: tái cấu trúc kinh tế nông nghiệp, đầu tư xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2 (2021-2025), thúc đẩy hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh… hiện nay cũng được hệ thống ngân hàng tập trung thực hiện.
Số liệu thống kê của NHNN cho thấy, kết thúc giai đoạn 2015-2020 lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là lĩnh vực được NHNN ưu đãi nhiều chính sách cho các tổ chức tín dụng quan tâm đầu tư phát triển. Hiện mỗi năm đã có khoảng 300-355 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 20,5% tổng dư nợ toàn hệ thống) được rót vào lĩnh vực nông nghiệp – nông dân – nông thôn và mức tăng trưởng tín dụng lĩnh vực này trong 4 năm gần đây khoảng 19%/năm.
Riêng đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tổng kết của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2010-2020 tổng số vốn tín dụng hệ thống ngân hàng đầu tư vào các xã, huyện nông thôn mới trên toàn quốc đã đạt con số gần 1 triệu tỷ đồng, chiếm 61,2% tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình này. Trong đó, riêng Agribank, trong 10 năm từ 2015-2020 dư nợ cho vay nông thôn mới đã đạt gần 571.000 tỷ đồng với gần 2,5 triệu khách hàng tại gần 9.000 xã, huyện.
Theo kế hoạch trong giai đoạn 2021-2030, mục tiêu của Chính phủ là có ít nhất 15 tỉnh được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân của dân cư tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020. Theo đó, để đạt mục tiêu này, Chính phủ dự kiến sẽ huy động khoảng 2,1 triệu tỷ đồng. Trong đó, 62,5% tương đương hơn 1,34 triệu tỷ đồng sẽ phải kêu gọi tài trợ từ các tổ chức tín dụng. Điều này cho thấy, vai trò của nguồn vốn tín dụng đối với sự thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới là rất lớn.
Không chỉ tập trung cho nông thôn mới, hiện nay nguồn tín dụng ngân hàng đang có xu hướng đầu tư nhiều vào các chuỗi sản xuất nông sản khép kín phục vụ các đề án tái cấu trúc nền kinh tế nông nghiệp tại các địa phương. Ghi nhận tại nhiều tỉnh thành khu vực phía Nam cho thấy hoạt động đầu tư vào các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các mô hình cánh đồng nguyên liệu lớn khá phát triển. Ở Đồng Nai, tính đến tháng 4/2021 đã có khoảng 3.000 tỷ đồng được các ngân hàng cho vay vào các chuỗi chăn nuôi khép kín. Đồng Tháp, các tổ chức tín dụng cũng đã tài trợ vốn cho khoảng 40 đơn vị triển khai thực hiện dự án xây dựng cánh đồng lớn với tổng diện tích gần 93.000 ha.
Trong khi đó, các ngân hàng Vietcombank, BIDV, VietinBank hiện cũng đang cho vay hàng nghìn tỷ đồng vào các dự án nông nghiệp lớn của các tập đoàn kinh tế tư nhân như Hòa Phát, Dabaco, Agritech, Trung Sơn, C.P… Trong khi khối ngân hàng ngoài nhà nước, như HDBank, LienVietPostBank, Kienlongbank cũng đã phát triển nhiều gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ và mở rộng kết hợp với đối tác để phát triển các sản phẩm cho vay cơ giới hóa, cho vay phục vụ số hóa các mô hình kinh tế nông nghiệp…
Những diễn biến này cho thấy khu vực kinh tế nông nghiệp nói riêng và những mục tiêu trọng điểm phát triển kinh tế đất nước giai đoạn 2021-2030 đều đang được hệ thống ngân hàng quan tâm và cách thức cũng ngày càng được đa dạng hóa để tăng tính hiệu quả.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)