Tín dụng vi mô chung tay ứng phó dịch bệnh
Chuyên nghiệp hóa tín dụng vi mô | |
Tín dụng vi mô: Cửa “thoát hiểm” cho kinh tế hộ | |
“Quỹ” - điểm sáng tín dụng vi mô |
Sáng kiến hỗ trợ nảy sinh từ thực tiễn
Ông Nguyễn Tấn Đạt - Phó tổng giám đốc Tổ chức Tài chính vi mô CEP (CEP, thuộc Liên đoàn Lao động TP.HCM) cho biết, để hỗ trợ thiết thực cho công nhân và người lao động, nhất là những người thu nhập bị ảnh hưởng nặng do các doanh nghiệp cắt giảm nhân sự và công việc do dịch Covid-19, đầu tháng 4/2021 vừa qua Quỹ CEP đã triển khai hoạt động cho vay đối với người lao động tại các nghiệp đoàn, tổ tự quản khu lưu trú công nhân.
Theo đó, để hiện thực hóa những mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trong Quyết định 149/2020 về chiến lược tài chính toàn diện quốc gia là tạo điều kiện cho mọi người dân, đặc biệt người nghèo, doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính với chi phí hợp lý; đồng thời triển khai các biện pháp hỗ trợ lãi suất, cơ cấu thời hạn trả nợ của khách hàng theo chỉ đạo của NHNN (tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN), Quỹ CEP đã tiến hành ký kết hợp tác 4 bên với Liên đoàn Lao động các quận, huyện, các chủ nhà trọ và chính quyền địa phương để cùng triển khai 4 sản phẩm tín dụng, bao gồm: cho vay hỗ trợ tăng thu nhập đoàn viên Công đoàn, cho vay tăng thu nhập hộ nghèo, cho vay học nghề và cho vay khẩn cấp.
Theo ông Đạt, tất cả các sản phẩm cho vay này đã bắt đầu triển khai từ tháng 5/2021 với hạn mức vay từ 15 đến 50 triệu đồng.
Ảnh minh họa |
Được biết, chương trình hỗ trợ vốn cho công nhân đã được CEP triển khai liên tục trong nhiều năm vừa qua bằng cách tiếp cận các tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp và cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, việc tiếp cận các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp FDI gặp khó khăn. Vì thế từ năm 2019, CEP chủ động tiếp quản cho vay công nhân, người lao động nhập cư ngay tại nơi ở là các khu nhà trọ lớn bằng cách triển khai cho vay thông qua các tổ tự quản khu nhà trọ. Tính đến cuối năm 2020 các chi nhánh của CEP đã cho vay được 440 triệu đồng từ chương trình này.
“Từ 2020 đến nay, trước diễn biến lây lan của dịch bệnh Covid-19 và nhu cầu vay vốn của người lao động nghèo tăng cao, CEP đã quyết định nhân rộng mô hình này lên trên 1.300 tổ công nhân tự quản tại tất cả các quận huyện ở TP.HCM và kỳ vọng trong 2 năm sẽ hỗ trợ vốn cho khoảng 10.000 người, giúp người lao động vượt qua khó khăn, tránh xa tín dụng đen trong giai đoạn dịch bệnh”, ông Đạt cho biết.
Đại diện tổ chức CEP cho biết, không chỉ gia tăng các sản phẩm, dịch vụ tín dụng trong năm nay để tiếp tục hỗ trợ khách hàng, CEP cũng sẽ triển khai chương trình giảm lãi suất vay vốn đối với công nhân và người lao động. Theo đó, hiện từ tháng 4/2021 mức lãi suất các sản phẩm vay vốn hỗ trợ tăng thu nhập sẽ chỉ còn 0,57-0,62%/tháng thay vì 0,6-0,65%/tháng; lãi suất cho vay hộ nghèo, cận nghèo là 0,4%/tháng. Với tín dụng học nghề và tín dụng khẩn cấp thì lãi suất áp dụng là 0,5%/tháng…
Nghìn tỷ đồng vốn rẻ đến tay lao động nghèo
Theo ông Nguyễn Tấn Đạt, với cách làm linh hoạt và chủ động của CEP, trong những năm vừa qua hiệu quả cho vay đối với công nhân, người lao động thu nhập thấp của đơn vị đã có sự tăng trưởng rất tích cực. Tính đến cuối tháng 4/2021 tổng dư nợ các chi nhánh của CEP đã cho vay đối với công nhân và người lao động đạt khoảng trên 4.860 tỷ đồng với khoảng 243.500 người còn dư nợ.
Không chỉ có CEP, các tổ chức tài chính vi mô khác như Tổ chức Tài chính vi mô Tình Thương (TYM), Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Tiền Giang (MOM), Quỹ Hỗ trợ hộ gia đình thu nhập thấp phát triển kinh tế (VietED Foundation)… hiện cũng đang khá tích cực trong việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ tín dụng phục vụ công nhân và người lao động nghèo.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Tổng giám đốc TYM cho biết, hiện tổng dư nợ của TYM đã đạt khoảng 2.000 tỷ đồng với khoảng 176.000 khách hàng. Từ nguồn vốn vay của TYM hiện nay đã có trên 120.000 phụ nữ thoát nghèo và hơn 7.000 phụ nữ trở thành doanh nhân quy mô nhỏ. Riêng trong năm 2020, để hỗ trợ chị em gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19, TYM đã thực hiện 7 lần giảm lãi suất các sản phẩm vốn vay, điều chỉnh nhiều chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ vay vốn. Đặc biệt, đơn vị đã thực hiện cơ cấu lại nợ cho thành viên vay vốn trong thời gian xảy ra dịch bệnh với tổng dư nợ được cơ cấu là trên 2.050 tỷ đồng.
Đối với quỹ MOM, đại diện tổ chức này cho biết, đến hiện nay quỹ này đã mở rộng hoạt động ra tất cả 173 xã phường, thị trấn thuộc TP. Mỹ Tho và các huyện thuộc tỉnh Tiền Giang. Đơn vị đang trong quá trình chuyển đổi để trở thành Tổ chức Tài chính vi mô TNHH MTV Mê Kông nhằm phát triển các sản phẩm vay phục vụ nhu cầu vốn đối với công nhân, người lao động nghèo ở các tỉnh thành khác thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Tính đến hiện nay, sản phẩm cho vay theo vòng căn cứ vào khả năng trả nợ của khách hàng mà quỹ MOM đang triển khai mang lại hiệu quả rất tích cực. Người lao động có thể vay vốn 5 vòng liên tiếp, mỗi vòng kéo dài từ 12-18 tháng, hạn mức cho vay tăng dần từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng với lãi suất rất thấp. Bằng cách cho vay theo vòng này, quỹ MOM đã hỗ trợ hơn 44.000 phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình.
Theo các chuyên gia, tài chính vi mô là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tài chính Việt Nam, góp phần tích cực trong việc triển khai chiến lược tài chính toàn diện, ngăn ngừa tín dụng đen, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của người dân.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)