Tín dụng phục vụ tam nông: Thông thoáng cơ chế bảo đảm tiền vay
Cần vốn mồi cho tín dụng tam nông | |
Ngân hàng luôn ưu tiên tín dụng cho tam nông |
Ảnh minh họa |
Cụ thể: Trường hợp đất thế chấp không có đường đi trên bản đồ địa chính mà trên thực tế có đường đi, nhưng vẫn không được ngân hàng xem xét cho vay, đây là một bất lợi rất lớn đối với khách hàng vay tiền là nông dân. Vì trên thực tế, có nhiều thửa đất nông nghiệp nằm trong khu vực giáp ranh với nhiều thửa đất xung quanh nên không có đường đi trên bản đồ địa chính, cho nên chủ sử dụng đất không được thế chấp vay tiền bằng thửa đất đó.
Từ đó, cử tri kiến nghị NHNN Việt Nam cần xem xét và có chính sách thông thoáng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc vay tiền thế chấp bằng quyền sử dụng đất mà thửa đất không có đường đi trên bản đồ địa chính.
Trả lời kiến nghị của cử tri, NHNN Việt Nam cho biết, Điều 7 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:
“1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Không tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền từ chối yêu cầu cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ khác nếu thấy không đủ điều kiện, không có hiệu quả, không phù hợp với quy định của pháp luật”.
Căn cứ quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoàn toàn tự chủ trong hoạt động kinh doanh, có quyền từ chối yêu cầu cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ khác nếu thấy không đủ điều kiện, không có hiệu quả, không phù hợp với quy định của pháp luật. Do đó, Ngân hàng Nhà nước không có thẩm quyền can thiệp vào quyền cấp tín dụng của tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 25/7/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 25/10/2018), trong đó quy định: Tổ chức tín dụng được xem xét cho khách hàng vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật, được xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã từ tối đa 100 triệu đồng đến 3 tỷ đồng; cho vay không có tài sản bảo đảm 70-80% giá trị phương án dự án sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất nông nghiệp liên kết, ứng dụng công nghệ cao.
Các đối tượng khách hàng được vay không có tài sản bảo đảm quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 55/2015/NĐ-CP phải nộp cho tổ chức tín dụng cho vay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với các đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp do Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận. Khách hàng chỉ được sử dụng giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp để vay vốn tại một tổ chức tín dụng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng giấy xác nhận trên để vay không có tài sản bảo đảm theo quy định tại Nghị định này.
“Như vậy, riêng đối với chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ đã có quy định thông thoáng hơn về cơ chế bảo đảm tiền vay. Người dân có thể được vay không có tài sản bảo đảm và chỉ cần nộp cho tổ chức tín dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (không phụ thuộc vào việc thửa đất đó có đường đi trên bản đồ địa chính hay không) hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận và đất không có tranh chấp do Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận”, NHNN Việt Nam khẳng định.