Tín dụng tiếp tục tăng trưởng tích cực
Gỡ thế kẹt cho thi hành án tín dụng ngân hàng Hiệu quả tín dụng chính sách ở Thuận Bắc Bình Định: Sơ kết quy chế phối hợp xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng |
Số liệu thống kê mới nhất từ NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 16/8 tăng 6,25% so với cuối năm 2023. Trước đó, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đến hết quý II/2024 đạt 6,1%, nhưng đến cuối tháng 7 chỉ còn tăng 5,66% so với cuối năm 2023. Như vậy, tín dụng đã phục hồi trở lại vào nửa đầu tháng 8.
Tăng trưởng tín dụng có nhiều tín hiệu tích cực |
Thực tế trong thời gian qua, các nhà băng cũng nỗ lực tung ra nhiều gói vay ưu đãi để thu hút doanh nghiệp, người dân. Đại diện BAOVIET Bank cho biết đã tích cực triển khai rất nhiều giải pháp, quán triệt quyết tâm tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Mới đây nhất, ngân hàng dành gói tín dụng hạn mức 300 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,5%/năm. Theo đó, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vay vốn tại BAOVIET Bank với mục đích bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh sẽ được giảm lãi suất tối đa 0,7%/năm cho 6 tháng đầu.
“Quyết liệt tiết giảm chi phí, đầu tư mạnh vào chuyển đổi số giúp chúng tôi có thêm dư địa để tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Với nguồn lực sẵn có, ngân hàng đã, đang và sẽ tiếp tục hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế. Song song đó, chúng tôi vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả”, lãnh đạo BAOVIET Bank khẳng định.
Còn tại Eximbank, ngân hàng này có gói cho vay sản xuất, kinh doanh ngắn hạn với lãi suất chỉ từ 4,75%/ năm. Ưu điểm của gói vay giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và chủ động trong kế hoạch kinh doanh, sản xuất với thủ tục nhanh gọn, duyệt hồ sơ chỉ trong vòng 8 giờ. Ngoài ra, Eximbank còn linh hoạt về chứng từ kinh doanh lên đến 7,5 tỷ đồng và cho phép khách hàng lựa chọn kỳ hạn thanh toán phù hợp với tình hình kinh doanh thực tế.
Bắt kịp xu thế chuyển đổi xanh, TPBank cho biết tiếp tục đẩy mạnh các gói vay dành cho doanh nghiệp có phương án, dự án xanh với mức lãi suất ưu đãi, chỉ 0%/năm trong 3 tháng đầu. Các dự án, phương án xanh được nhà băng tím ưu đãi lãi suất 0%/năm là các dự án, phương án thuộc các lĩnh vực ưu tiên, phát triển bền vững như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; giao thông vận tải bền vững; nông nghiệp bền vững; xây dựng và bất động sản xanh; quản lý nước và chất thải bền vững với chính sách hỗ trợ lãi suất ưu đãi…
Bên cạnh nỗ lực giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng cũng tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, tối ưu hóa áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, giúp cho khách hàng có thể tiếp cận nguồn vốn một cách dễ dàng, nhanh chóng.
Trong báo cáo mới nhất, công ty chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt được khi kỳ vọng vào mùa tiêu dùng, sản xuất kinh doanh vào nửa cuối năm, thêm việc FED hạ lãi suất, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ “đi ngược thế giới của Việt Nam. Bên cạnh đó, những thay đổi trong một số luật như Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở mới cũng sẽ hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Ngoài ra, động lực tăng trưởng tín dụng còn đến từ sự khởi sắc trong hoạt động thu hút FDI, xuất nhập khẩu, bất động sản khu công nghiệp.
Các chuyên gia cho rằng, dù mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% có thể đạt hoặc không đạt được trong năm 2024, cũng không cần thiết phải bằng mọi giá để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam cũng đánh giá, nếu tín dụng tăng nóng, gấp nhiều lần tốc độ tăng trưởng GDP sẽ tiềm ẩn nguy cơ giảm chất lượng tín dụng, gia tăng nợ xấu… từ đó tiềm ẩn các rủi ro và tác động tiêu cực đối với hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế. Gia tăng tín dụng quá nhanh cũng không khuyến khích sự phát triển của các thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Vì vậy, tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải còn có ý nghĩa kích thích nền kinh tế phải tìm kiếm nguồn vốn từ thị trường vốn, thị trường trái phiếu và từ đó kích thích phát triển các thị trường này.
Hiện tại, theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đánh giá, hiện đang có sự mất cân đối trong cơ cấu các nguồn vốn cho nền kinh tế. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV về tính tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2019 - 2024 dựa trên phân loại theo nguồn vốn đầu tư, tín dụng vẫn là kênh cấp vốn chính cho nền kinh tế, với tỷ lệ lên tới 53,54% trong 6 tháng đầu năm 2024, trong khi đó kênh cổ phiếu chỉ chiếm 0,75%; kênh trái phiếu doanh nghiệp 8%...
“Vốn tín dụng ngân hàng đang chiếm một nửa trong tổng lượng vốn cung cho nền kinh tế, trong khi huy động vốn qua kênh cổ phiếu cực kỳ nhỏ, mỗi năm chỉ được khoảng 120.000 tỷ đồng, bằng một ngân hàng trung bình huy động vốn… Như vậy, cần thúc đẩy hơn nữa vai trò huy động vốn của thị trường chứng khoán”, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nói.
Đồng quan điểm, các chuyên gia WB cũng khuyến nghị Việt Nam cần phát triển thị trường vốn mạnh mẽ tạo ra nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế thay vì đang phụ thuộc nhiều từ nguồn vốn ngân hàng, từ đó giúp Việt Nam đạt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Để Việt Nam khai mở ra tiềm năng của thị trường vốn, chuyên gia WB cho rằng cần phải vượt qua một số rào cản cụ thể nhằm đảm bảo tăng trưởng lành mạnh và bền vững. Trong đó, cần tận dụng được quỹ bảo hiểm xã hội, xem đây là một nguồn lực chủ đạo tiềm năng trong việc thúc đẩy phát triển thị trường vốn.