Tín dụng ưu đãi trên quê hương núi Ấn, sông Trà
Tín dụng chính sách xã hội trên mảnh đất nắng gió Ninh Thuận | |
Tín dụng ưu đãi ở Đông Hòa | |
Hiệu quả tín dụng ưu đãi ở Bến Cát |
“Đổi đời” từ vốn chính sách
Về Quảng Ngãi vào những ngày cuối năm, xúc động khi chứng kiến sự đổi thay trên quê hương núi Ấn, sông Trà. Vùng đất còn nhiều khó khăn nhưng đang vươn lên từng ngày. Càng vui hơn, trong sự đổi thay đáng mừng đó có góp sức của từng đồng vốn chính sách, và những đóng góp âm thầm của các cán bộ tín dụng từ đảo Lý Sơn lên đến núi cao Trà Bồng, đã và đang chuyển tải nhanh đồng vốn ưu đãi đến với người dân.
Để tìm hiểu hiệu quả nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội ở Quảng Ngãi chúng tôi ngược đường lên với Trà Bồng. Huyện miền núi này được biết đến như một địa danh cách mạng nổi tiếng, gắn với lịch sử cuộc khởi nghĩa Trà Bồng. Đây là huyện miền núi cao nằm về phía tây Quảng Ngãi...
Ông Huỳnh Huy - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trà Bồng cho biết, ở địa phương có đến hơn 46% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, đa phần là người Cor còn nghèo khó. Sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng triển khai tích cực các chương trình tín dụng ưu đãi đã giúp thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của người dân nơi này. Cụ thể, nhiều gia đình đồng bào Cor đã thực hiện các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả với sự hỗ trợ của các chương trình tín dụng ưu đãi. Trên thực tế, tại Trà Bồng bên cạnh các chính sách như Chương trình 135, các chương trình hỗ trợ huyện nghèo theo Nghị quyết 30a... thì các nguồn vốn vay hỗ trợ sản xuất theo chính sách tín dụng ưu đãi mà Ngân hàng Chính sách xã hội đang thực hiện đóng vai trò quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Hồ Văn Bê, ở xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng một điển hình vượt khó, đổi đời nhờ vốn chính sách ở địa phương. Ông Bê chia sẻ, cuộc sống của gia đình khá lên là nhờ hai vợ chồng nỗ lực, chịu khó tính toán trong cách làm ăn và được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trà Bồng hỗ trợ vốn vay ưu đãi. Nguồn vốn được gia đình ông sử dụng xoay vòng hiệu quả và luôn trả đúng hạn. Ngoài 7 ha trồng cây keo, ông còn tăng thêm thu nhập nhờ nuôi bò và heo. Mới đây, ông đã hoàn thành ngôi nhà mới rất khang trang trị giá khoảng 600 triệu đồng, chủ yếu là nhờ tích góp lâu nay từ việc bán keo, bò, heo...
Tương tự, là mô hình làm vườn ươm keo lá tràm của vợ chồng anh Trần Ngọc Xuân ở xã Trà Phú. Anh Xuân cho biết, thời điểm mới lập gia đình kinh tế rất khó khăn. Sau đó, anh được vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm. Với nguồn vốn này, anh đầu tư hết cho mô hình vườn ươm keo lá tràm. Đến nay, cuộc sống gia đình đã khá giả hơn, khi đã có của ăn của để. Bên cạnh đó, anh còn giải quyết việc làm cho 6 lao động tại địa phương, với thu nhập ổn định...
Được biết, dù ngân sách còn hạn chế, song mỗi năm huyện Trà Bồng luôn dành ít nhất 2 tỷ đồng để ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Đồng hành cùng hộ nghèo, các hội đoàn thể ở địa phương thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cách sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Đặc biệt, Trà Bồng là một trong những địa phương trên địa bàn Quảng Ngãi không có tình trạng nợ quá hạn.
Bà Nguyễn Thị Lài - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trà Phú, Trà Bồng cho biết, nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần rất lớn trong việc giải quyết việc làm đối với những lao động thiếu việc làm hoặc có việc làm không ổn định. Từ đó, tạo điều kiện cho các lao động này có thu nhập, vươn lên thoát nghèo và vươn lên trong cuộc sống.
Nâng cao chất lượng tín dụng ưu đãi
Đặc biệt, trước khó khăn, thử thách như thời điểm giữa đại dịch Covid-19, dòng vốn chính sách vẫn được khơi dậy, tăng trưởng, chảy đều khắp miền quê núi Ấn, sông Trà, trở thành động lực, là “điểm tựa” vững chắc cho đồng bào các dân tộc ở Quảng Ngãi vươn lên phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.
Vườn ươm keo lá tràm từ vốn chính sách của anh Trần Ngọc Xuân ở Trà Phú, Trà Bồng |
Đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó ngành giáo dục là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt là đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Thực hiện Quyết định số 11 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Ngãi đã nỗ lực hỗ trợ cho các cơ sở mầm non ngoài công lập trên địa bàn vượt khó. Tại Cơ sở mầm non Thần Đồng ở thôn Thọ Lộc Tây, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, chứng kiến sự khang trang ngăn nắp của cơ sở mới thấy được sự tiếp sức kịp thời từ vốn chính sách sau cơn “bão dịch”. Bà Nguyễn Thị Hồng Thọ - chủ sở sở mầm non này cho biết, sau đại dịch Covid-19 cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. Song, được vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm và 80 triệu đồng từ chương trình tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở mới có thêm điều kiện nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị... Từ đó, khôi phục hoạt động, thích ứng với tình hình dịch Covid-19, góp phần bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở địa phương...
Ðể đồng vốn ưu đãi đến đúng đối tượng, nhanh nhất và sử dụng hiệu quả nhất, Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Ngãi đã xây dựng mạng lưới, phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể thực hiện phương thức ủy thác cho vay. Hiện, tại các điểm giao dịch của ngân hàng đặt tại trung tâm xã, thị trấn thực hiện các giao dịch giải ngân, thu nợ, thu lãi công khai hóa các chủ trương, chính sách, đối tượng thụ hưởng, các chỉ tiêu kế hoạch ngay tại trụ sở UBND xã, thị trấn. Với phương thức cho vay trên đã phát huy được vai trò của các tổ chức hội đoàn thể ở địa phương... Ông Trần Duy Cường - Giám đốc Ngân hàng Chính sách Quảng Ngãi cho biết, Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2022 của Chính phủ được triển khai tại tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống và đạt được hiệu quả tích cực, tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Theo báo cáo Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Ngãi, qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận đồng vốn tín dụng ưu đãi một cách thuận lợi, kịp thời.
Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao năm 2002, với dư nợ 148 tỷ đồng, đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Ngãi đã và đang triển khai thực hiện cho vay 23 chương trình tín dụng, với doanh số cho vay trên 12,4 nghìn tỷ đồng, giúp trên 680 nghìn lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi... Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho hơn 185 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từng giai đoạn đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, cụ thể: giai đoạn 2002-2005, tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 3,28%; giai đoạn 2006 - 2010, giảm 3,3%/năm; giai đoạn 2011-2015, giảm 3,09% và giai đoạn 2016 - 2020, giảm 1,82%/năm, năm 2021 giảm 4,18%...
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trong giai đoạn mới, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân đã đề nghị cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội... Tất cả cùng nỗ lực để dòng vốn tín dụng chính sách luôn chảy đều đặn thấm sâu trong lòng đất, nảy mầm trong cuộc sống trên khắp quê hương núi Ấn, sông Trà; hỗ trợ đắc lực kế hoạch phát triển kinh tế và chương trình an sinh xã hội của địa phương.