Tín dụng xanh: Hướng tới tài trợ vốn bền vững
Việt Nam có thêm 50 triệu EUR vốn tín dụng xanh Danh mục dự án xanh |
Quyết định vừa ban hành có những nội dung bổ sung, chỉnh sửa liên quan đến phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh và nhiệm vụ cụ thể của các tổ chức, đơn vị có liên quan. Trong đó, những chỉnh sửa bổ sung liên quan đến tổ chức tín dụng (TCTD) và định hướng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn xanh để phát triển dự án xanh là những chỉnh sửa bổ sung cần thiết và ý nghĩa.
Chia sẻ cụ thể hơn về Quyết định số 1663/QĐ-NHNN, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Quyết định sửa đổi ở điểm c khoản 2 mục I điều 1 mặc dù chỉ sửa từ “các ngân hàng” thành “các tổ chức tín dụng”, tuy nhiên, sửa đổi này khiến nội hàm Quyết định 1663/QĐ-NHNN mang tính toàn diện về mặt chính sách và định hướng chính sách.
Theo đó, yêu cầu phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh không chỉ là nhiệm vụ của các NHTM mà là nhiệm vụ của tất cả các TCTD, bao gồm cả các TCTD phi ngân hàng (như công ty tài chính; công ty cho thuê tài chính và các Quỹ tín dụng nhân dân…).
“Việc này giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động của toàn hệ thống TCTD trong việc phát triển tín dụng xanh, đồng thời hỗ trợ làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, nhất là thông tin tuyên truyền trong nội bộ của hệ thống từng TCTD giúp cán bộ nhân viên tại đơn vị và toàn ngành nhận thức đầy đủ vai trò, ý nghĩa của Đề án, của hoạt động tín dụng xanh, từ đó thực hiện tốt các hoạt động nghiệp vụ và nâng cao ý thức trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ “xanh hóa ngân hàng” tại TCTD”, ông Lệnh nhấn mạnh.
Thực tế, hiện nay ngày càng nhiều TCTD thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng và dần tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động này. Vì thế, việc NHNN sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể và toàn diện đối với Đề án phát triển ngân hàng xanh là bước đi cần thiết để cả hệ thống cùng vào cuộc thúc đẩy các hoạt động tài trợ vốn bền vững.
Bà Trần Tường Vân, Giám đốc tư vấn CTCP Tư vấn EY Việt Nam cho rằng, các ngân hàng hiện nay đang sẵn sàng cho vay xanh và rất muốn tìm kiếm khách hàng phù hợp. Nhưng để mở rộng cho vay thì các TCTD cũng đang rất trăn trở về tiêu chí phân loại xanh và nguồn vốn để cho vay xanh. Vì thế, việc Quyết định số 1663/QĐ-NHNN bổ sung quy định “NHNN định kỳ cập nhật danh mục dự án xanh” đồng thời đặt ra các trách nhiệm cụ thể đối với cơ quan quản lý như: ban hành hướng dẫn về tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường, ban hành hướng dẫn xây dựng báo cáo về tín dụng xanh sau khi các báo cáo có liên quan của Chính phủ, các bộ, ngành được ban hành, xây dựng các tài liệu tham khảo cho các TCTD về tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội… sẽ tạo ra cơ sở pháp lý thống nhất để các TCTD triển khai trên thực tế.
Ngoài ra, hiện nay các quy định về tín dụng xanh, trái phiếu xanh đã được bổ sung, cụ thể hóa tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Do đó, các chuyên gia cho rằng, việc NHNN quy định về cơ chế hỗ trợ cho các TCTD để khuyến khích phát triển ngân hàng xanh như: xem xét ưu tiên nguồn vốn cho phát triển tín dụng xanh thông qua chính sách tái cấp vốn, tái chiết khấu; hỗ trợ các NHTM có tỷ trọng cho vay tín dụng xanh cao trong việc tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển... cũng sẽ giúp các TCTD mạnh dạn triển khai các sản phẩm mới như các gói tín dụng xanh quy mô lớn và các hoạt động phát hành trái phiếu xanh.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, để có nguồn vốn đầu tư cho các lĩnh vực phát triển xanh, từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần huy động khoảng 368-380 tỷ USD, tương đương 20 tỷ USD/năm. Vì thế, pháp lý hoàn thiện sẽ mở ra cơ hội để hệ thống TCTD khai thác hết tiềm năng trong lĩnh vực xanh. Trong đó, tạo ra sự chủ động trong việc đa dạng hóa nguồn vốn huy động cho lĩnh vực xanh, đồng thời đầu tư sâu hơn cho việc thiết kế các sản phẩm tín dụng xanh, trái phiếu xanh đặc thù thay vì chỉ căn cứ vào mục đích sử dụng vốn và ngành nghề theo hướng dẫn của NHNN để phân loại.