Tin vui đầu năm: Tăng vốn cho ngân hàng
NHNN đang tích cực đề xuất các giải pháp tăng vốn cho ngân hàng thương mại nhà nước | |
Lại nói chuyện nới room ngoại ngân hàng |
Ảnh minh họa |
Nhìn lại, những năm gần đây thị trường thế giới luôn có những diễn biến khó lường, do đó việc đẩy mạnh tái cơ cấu TCTD, xử lý nợ xấu, nâng cao năng lực cạnh tranh là đòi hỏi tất yếu. Về cơ bản, đến nay tất cả các TCTD đã được NHNN phê duyệt đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đúng tinh thần của Đề án 1058 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 42 của Quốc hội.
Chất lượng hoạt động, công tác quản trị điều hành của TCTD được củng cố và hoàn thiện từng bước. Năng lực tài chính của các TCTD tiếp tục được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm: Năm 2011 ở mức 354,1 nghìn tỷ đồng; năm 2012: 394 nghìn tỷ đồng; năm 2013: 421,8 nghìn tỷ đồng; năm 2014: 435,6 nghìn tỷ đồng; năm 2015: 460,3 nghìn tỷ đồng; năm 2016: 488,4 nghìn tỷ đồng; năm 2017: 512,4 nghìn tỷ đồng; năm 2018: 576,3 nghìn tỷ đồng.
Theo số liệu công bố mới nhất của NHNN: Đến cuối tháng 11/2019, tổng tài sản của hệ thống TCTD đạt trên 12,07 triệu tỷ đồng, tăng 9,12% so với cuối năm 2018; vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 608,61 nghìn tỷ đồng, tăng 5,6%; vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 913,27 nghìn tỷ đồng, tăng 13,29%. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) cả hệ thống cuối tháng 11/2019 là 12,21%.
Riêng về các NHTM Nhà nước (Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV, CBBank, GPBank và Oceanbank), tổng tài sản của 7 ngân hàng này là gần 5,2 triệu tỷ đồng, tăng 6,13% so với đầu năm và chiếm 42,75% tổng tài sản toàn hệ thống; vốn điều lệ đạt trên 155,15 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,5% vốn điều lệ của toàn hệ thống; tỷ lệ CAR của nhóm này tăng từ mức 9,52% hồi đầu năm lên 10,55%.
Hệ thống TCTD của chúng ta có đặc thù là các NHTM do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đóng vai trò chủ đạo. Do đó NHNN luôn giám sát chặt chẽ việc triển khai giải pháp cơ cấu lại của các NHTM Nhà nước, kịp thời yêu cầu rà soát, điều chỉnh phương án phù hợp với thực tiễn hoạt động để khắc phục các tồn tại, yếu kém.
Trong hoạt động ngân hàng, yêu cầu quan trọng là phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn. Tại thời điểm cuối năm 2019, theo đánh giá của NHNN, các NHTM Nhà nước đang có tỷ lệ an toàn vốn sát ngưỡng quy định Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Nếu các ngân hàng này không được tăng vốn sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu về vốn đầu tư trong phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, năm 2019 NHNN thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị kiến nghị giải pháp và cơ sở pháp lý để giải quyết việc này.
Việc tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước đã trở thành vấn đề cấp bách từ lâu. Thực tế, những năm gần đây bản thân các NHTM đều rất nỗ lực tìm cách tăng vốn, song với đặc thù của một NHTM Nhà nước, diễn biến không thuận lợi của thị trường và nhiều yếu tố khác (cả khách quan và chủ quan), họ buộc phải trông chờ vào ngân sách Nhà nước.
Riêng trường hợp BIDV, vượt qua nhiều khó khăn, tháng 11/2019 BIDV đã phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank hơn 603,3 triệu cổ phần với tổng giá trị giao dịch gần 20.300 tỷ đồng. Sau khi phát hành cổ phần cho KEB Hana Bank, vốn điều lệ BIDV tăng từ 34.187 tỷ đồng lên 40.220 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Mối quan hệ hợp tác chiến lược này đã giúp BIDV tạo nền tảng để nâng cao hơn nữa năng lực tài chính, quản trị điều hành, quản trị rủi ro, phát triển sản phẩm dịch vụ hiện đại...
Có bột mới gột nên hồ. Với vai trò là trụ cột, đi đầu trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của NHNN, nếu không có cơ sở, nền tảng tài chính vững chắc các NHTM Nhà nước sẽ khó hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong bối cảnh thị trường diễn biến phức tạp như hiện nay vai trò của họ càng trở nên quan trọng.