NHNN đang tích cực đề xuất các giải pháp tăng vốn cho ngân hàng thương mại nhà nước
Lãnh đạo VPCP và một số bộ, ngành chủ trì buổi họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đã báo cáo, đề xuất hướng tăng vốn cho ngân hàng thương mại
Cũng tại buổi họp báo tổ chức chiều ngày 2/12 này, trả lời phương án tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết trong hoạt động ngân hàng, một yêu cầu quan trọng đối với các tổ chức tín dụng là phải đảm bảo tỷ lệ an toàn trong hoạt động, trong đó tỷ lệ an toàn vốn là tỷ lệ rất quan trọng.
Hiện nay, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước thì các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước trên 50% như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đang có tỷ lệ an toàn vốn rất sát ngưỡng so với quy định của Thông tư số 41/2016/TT-NHNN, cũng như ngưỡng tỷ lệ an toàn theo tiêu chuẩn Basel 2.
Phó Thống đốc nhấn mạnh, trong trường hợp không được tăng vốn thì bản thân các ngân hàng thương mại này sẽ phải hạn chế cấp tín dụng, thậm chí có thể sẽ phải dừng cấp tín dụng. Từ đó sẽ rất ảnh hưởng tới nhu cầu vốn đầu tư phát triển, nhất là bối cảnh Việt Nam hiện nay nhu cầu vốn đầu tư phụ thuộc rất lớn vào tín dụng ngân hàng.
Chính vì tính cấp thiết như vậy, vừa qua, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Quốc hội, đồng thời Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước cũng đã thừa uỷ quyền Ban cán sự Đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị để đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý đối với quá trình tăng vốn này.
“Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đang tích cực thực hiện theo thông báo kết luận của Bộ Chính trị”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin thêm.
Kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm lại, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng tiếp tục chuyển biến tích cực, thuận lợi hơn, các ngành, lĩnh vực chủ yếu tiếp tục đà phát triển, khẳng định những kết quả toàn diện trên các mặt.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục được kiểm soát. CPI tháng 11/2019 tăng 0,96% so với tháng trước do giá thịt lợn và các thực phẩm chế biến từ thịt tăng cao. Tuy nhiên, CPI bình quân 11 tháng năm 2019 tăng 2,57% so với bình quân cùng kỳ, là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Một số kết quả nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội được người phát ngôn của Chính phủ thông tin thêm. Theo đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục có bước phát triển khá. Năng suất lúa mùa tăng nhẹ; chăn nuôi gia cầm phát triển mạnh (đàn gia cầm tăng 12%), dịch tả lợn châu Phi tại nhiều địa phương dần được kiểm soát; lâm nghiệp phát triển ổn định (sản lượng gỗ khai thác tăng 4,5%); ngành thủy sản tiếp tục giữ đà tăng trưởng khá.
Khu vực công nghiệp giữ mức tăng trưởng khá (IIP tăng 9,3%); ngành chế biến, chế tạo tăng 10,6%. Một số sản phẩm công nghiệp tăng cao (sắt, thép tăng 37,5%; xăng, dầu tăng 23,9%; tivi tăng 14,6%; điện thoại thông minh tăng 14,2%; vải dệt tăng 11,7%).
Thị trường thương mại sôi động, phát triển ổn định, nguồn cung hàng hóa phong phú, đa dạng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng 11,8%. Thu hút khách quốc tế tiếp tục tăng mạnh, đạt gần 16,3 triệu lượt người, tăng 15,4% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng khá, xuất siêu ở mức cao. Xuất khẩu đạt trên 241 tỷ USD, tăng 7,8%. Khu vực trong nước tăng 18,1%, cao hơn nhiều so với khu vực FDI là 3,8%; tỷ trọng xuất khẩu của khu vực trong nước chiếm 31% kim ngạch xuất khẩu. Xuất siêu 9,1 tỷ USD. Có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài giữ đà phát triển khá; vốn FDI thực hiện đạt 17,6 tỷ USD, tăng 6,8%; góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 11,2 tỷ USD, tăng 47,1. Cả nước có 126.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và có 36.900 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 15,7% so với cùng kỳ.