Tổ chức tín dụng phi ngân hàng quản lý rủi ro theo Basel
Chủ động tiến tới Basel III | |
Phát triển bền vững gắn liền quản trị rủi ro chuẩn quốc tế | |
Basel III - Mục tiêu hướng tới của ngân hàng Việt |
Thực tế cho thấy, mặc dù hoạt động của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng đơn giản hơn so với các NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như chỉ nhận tiền gửi của tổ chức và không được cung ứng các phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán, song các hoạt động này vẫn tiềm ẩn rủi ro. Do vậy, việc thiết lập hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn Basel có thể xem là giải pháp nhằm hạn chế tối đa các rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra trong quá trình hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Điều này cũng đồng nhất với xu hướng quản trị điều hành doanh nghiệp nói chung hiện nay.
Ảnh minh họa |
Tiếp thu ý kiến của các đơn vị, Ban soạn thảo đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung của dự thảo lần 1 Thông tư quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng và tiếp tục lấy ý kiến đối với dự thảo lần hai. Tại dự thảo lần này, Điều 3 (giải thích từ ngữ), dự thảo không chỉ nêu khái niệm về rủi ro hoạt động mà còn bổ sung thêm rủi ro hoạt động không bao gồm: a) Rủi ro danh tiếng là rủi ro do khách hàng, đối tác, cổ đông, nhà đầu tư hoặc công chúng có phản ứng tiêu cực về uy tín của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; b) Rủi ro chiến lược là rủi ro do tổ chức tín dụng phi ngân hàng có hoặc không có chiến lược, chính sách ứng phó kịp thời trước các thay đổi môi trường kinh doanh làm giảm khả năng đạt được chiến lược kinh doanh, mục tiêu lợi nhuận của tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Đây là điểm mới, phù hợp thực tế, tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng Thông tư khi được chính thức ban hành.
Điều 3 cũng được bổ sung nội dung về giám sát của quản lý cấp cao nhằm hướng đến tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu. Cụ thể, Dự thảo quy định: Giám sát của quản lý cấp cao là việc giám sát của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) đối với kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro và giám sát của Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Tiếp thu ý kiến đóng góp đối với nội dung Điều 4, tại dự thảo lần này Ban soạn thảo đã bổ sung quy định: Hệ thống kiểm soát nội bộ phải có ba tuyến bảo vệ độc lập như sau: Tuyến bảo vệ thứ nhất có chức năng nhận dạng, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro do các bộ phận sau thực hiện: (i) Các bộ phận kinh doanh (bao gồm cả bộ phận phát triển sản phẩm), các bộ phận có chức năng tạo ra doanh thu khác; các bộ phận có chức năng thực hiện các quyết định có rủi ro; (ii) Các bộ phận có chức năng phân bổ hạn mức rủi ro, kiểm soát rủi ro, giảm thiểu rủi ro (thuộc bộ phận kinh doanh hoặc bộ phận độc lập) đối với từng loại hình giao dịch, hoạt động kinh doanh; (iii) Bộ phận nhân sự, bộ phận kế toán.
Tuyến bảo vệ thứ hai có chức năng xây dựng chính sách quản lý rủi ro, quy định nội bộ về quản trị rủi ro, đo lường, theo dõi rủi ro và tuân thủ quy định pháp luật do các bộ phận sau đây thực hiện: (i) Bộ phận tuân thủ quy định tại Điều 10 Thông tư này; (ii) Bộ phận quản lý rủi ro quy định tại Điều 11 Thông tư này. Tuyến bảo vệ thứ ba có chức năng kiểm toán nội bộ do bộ phận kiểm toán nội bộ thực hiện theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và Thông tư này.
Theo Ban soạn thảo, mô hình ba tuyến bảo vệ độc lập được thiết kế nhằm mục tiêu tăng cường sự liên kết và tương tác giữa các bộ phận tham gia vào hoạt động và quản trị điều hành của tổ chức tín dụng phi ngân hàng trong quản trị rủi ro, qua đó góp phần giúp các tổ chức tín dụng phi ngân hàng phát triển bền vững. Trong mô hình này, vai trò của các cấp lãnh đạo khác nhau trong một tổ chức được xác định rõ ràng, bao gồm cả sự giám sát của Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên đối với Tổng giám đốc, Tổng giám đốc với các bộ phận với các hoạt động bao gồm rủi ro và tuân thủ (vai trò tuyến đầu và tuyến thứ hai); và đảm bảo giám sát độc lập thông qua kiểm toán nội bộ (vai trò tuyến thứ ba). Những quy định này phù hợp với quy định của Basel.
Theo đó, quản lý rủi ro tại TCTD được tổ chức theo mô hình “ba tuyến bảo vệ” với các đặc điểm như sau: Lớp bảo vệ thứ nhất là bộ phận các đơn vị kinh doanh có trách nhiệm quản lý rủi ro trong phạm vi đơn vị. Lớp bảo vệ thứ hai là bộ phận quản lý rủi ro tập trung và độc lập có trách nhiệm phát triển, duy trì và giám sát quản lý rủi ro của TCTD. Và lớp bảo vệ thứ ba là Bộ phận kiểm toán, kiểm tra, kiểm soát nội bộ hoạt động độc lập, giám sát đảm bảo tính tuân thủ với chiến lược, chính sách và các quy định quản trị rủi ro đã đặt ra.
Đồng tình với quy định tại dự thảo, lãnh đạo của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng cho rằng, việc thiết lập và triển khai mô hình 3 tuyến bảo vệ là tất yếu, cần được quan tâm đặc biệt và phải được coi là một trong các công việc trọng điểm của TCTD.
Hiện, nhiều tổ chức tín dụng phi ngân hàng đã thiết lập và triển khai mô hình 3 tuyến bảo vệ, nhưng vẫn còn một số đơn vị chưa thực hiện, hoặc thực hiện chưa đầy đủ mô hình này, như: Công ty tài chính Lotte, Công ty tài chính Toyota, Công ty tài chính MB Shinsei. Do vậy, việc ban hành quy định chung về mô hình 3 tuyến bảo vệ là cần thiết để các tổ chức tín dụng phi ngân hàng có cơ sở thực hiện thống nhất.
Hệ thống tài chính - ngân hàng có vai trò đặc biệt trong nền kinh tế. Rủi ro của bất cứ tổ chức, đơn vị nào cũng có tác động đến toàn hệ thống. Do đó việc tăng cường, nâng cao quản trị rủi ro, kể cả đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng theo chuẩn mực quốc tế là yêu cầu tất yếu trong nền kinh tế hội nhập.