TP. Hồ Chí Minh cấp thiết chuyển đổi công nghiệp để phát triển kinh tế bền vững
Theo ông Phạm Bình An, TP. Hồ Chí Minh là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước; kết nối và ảnh hưởng sâu rộng đến vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, trong thời gian qua vị thế và vai trò trung tâm của TP. Hồ Chí Minh so với cả nước chưa tương xứng và có xu hướng giảm sút: tỷ trọng kinh tế thành phố so với cả nước giảm; số lượng doanh nghiệp đông (gần 300.000) nhưng chưa mạnh (97% nhỏ và vừa, sức cạnh tranh còn yếu); tỷ trọng xuất khẩu giảm nhanh, chỉ còn 12% cả nước (năm 2023); tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp trong nền kinh tế giảm dần (năm 2022 chỉ còn chiếm 19% GRDP, so với trung bình cả nước là 32%).
Thông qua FD 2024 và HEF 2024, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh muốn học hỏi kinh nghiệm từ chuyên gia quốc tế để chuyển đổi công nghiệp hướng phát triển kinh tế bền vững |
Đáng lo ngại hơn trong những năm qua kinh tế thành phố phát triển cơ bản theo chiều rộng, nên động lực tăng trưởng cạn dần. Hạ tầng công nghiệp hạn chế và không đáp ứng phát triển theo chiều rộng; diện tích đất khu công nghiệ trên địa bàn đạt 5.921 ha, chỉ chiếm 2,81% so cả nước, với giá đất ngày càng đắt đỏ. Do đó, TP. Hồ Chí Minh cần tái cơ cấu nền kinh tế hay chuyển đổi công nghiệp với nội hàm chuyển đổi kép và nâng cấp chuỗi giá trị, phát triển các ngành công nghiệp cốt lõi, từ đó tìm kiếm động lực tăng trưởng mới. Ông An cho rằng để thực hiện chuyển đổi công nghiệp, thành phố cần huy động sự tham gia của nhiều bên liên qua từ chính quyền trung ương, địa phương trong vùng, các doanh nghiệp đầu đàn các tổ chức quốc tế…
Thông qua FD, các địa phương quốc tế sẽ truyền đạt kinh nghiệm xây dựng chính sách thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp ở địa phương; những đổi mới về công nghệ; huy động nguồn lực (PPP, tài chính, nhân lực…). Các đại biểu cũng sẽ đánh giá những khó khăn, thách thức của TP. Hồ Chí Minh trong quá trình chuyển đổi công nghiệp và đề xuất các nhóm lĩnh vực có thể hợp tác với Thành phố.
“Các đối tác quốc tế: các tổ chức quốc tế có nhiều kinh nghiệm phát triển và/hoặc nguồn lực quan trọng cho chuyển đổi (nhân lực, tài lực); các địa phương là đối tác của Thành phố; các Tập đoàn, các công ty xuyên quốc gia; các Viện trường và các chuyên gia hàng đầu trong khu vực và trên thế giới”, ông An khẳng định.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Huba thông báo về tiến trình chuẩn bị cho HEF với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP. Hồ Chí Minh" |
Đối với Diễn đàn Kinh tế TP Hồ Chí Minh lần thứ 5 năm 2024 (HEF 2024), ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Huba) cho biết chủ đề của HEF 2024 là “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP. Hồ Chí Minh” nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế số và bền vững, trong đó đề cao vai trò của quá trình chuyển đổi công nghiệp và các tác động tích cực đối với các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung, TP. Hồ Chí Minh nói riêng.
Qua thời gian chuẩn bị và kết nối, HEF 2024 sẽ chính thức chào đón sự tham dự của hơn 40 địa phương, Bộ ngành quốc tế tại các nước bao gồm Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Úc, Ấn Độ…; trong đó có 16 cấp Thống đốc, Tỉnh trưởng, Phó Tỉnh trưởng, Thứ trưởng; đồng thời hoan nghênh sự có mặt của hơn 27 chuyên gia trong nước và quốc tế đã thành công trong lĩnh vực chuyển đổi công nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, cùng các tổ chức quốc tế như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), World Bank, FAO, UNDP, UNIDO, IFC, C4IR tại Malaysia xác nhận tham dự.
Ông Lê Trường Duy, đại diện Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh thông tin các phiên hợp tác quốc tế chuyển đổi công nghiệp phục vụ mục tiêu phát triển thành phố bền vững tại FD 2024 |
“Tại HEF 2024, Phiên Đối thoại chính sách giữa Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ ngành Trung ương, Lãnh đạo UBND thành phố và khách mời VIP, các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế. Đây là lần đầu tiên Phiên Đối thoại chính sách được tổ chức trong khuôn khổ HEF 2024, hứa hẹn sẽ là cơ hội để doanh nghiệp, chuyên gia được trao đổi một cách sâu rộng, thực chất với Thủ tướng Chính phủ, Bộ ngành và địa phương về các khó khăn cũng như vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi công nghiệp. Thông qua phiên đối thoại chính sách, Chính phủ và các bộ, ngành có thể đưa ra các gợi ý về định hướng, chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi của Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, đồng thời đề xuất giải pháp tháo gỡ các nút thắt, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi công nghiệp”, ông Hòa cho biết.
Nói thêm về FD, ông Lê Trường Duy, Tập sự Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại và Hội nghị Quốc tế cho biết FD sẽ có “Hội nghị Thị trưởng” đây là cơ hội để lãnh đạo thành phố và lãnh đạo các địa phương khách mời thảo luận về thế mạnh, lĩnh vực ưu tiên và tiềm năng hợp tác quốc tế; đề xuất các sáng kiến hợp tác cấp địa phương trong việc đẩy mạnh chuyển đổi công nghiệp phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
“Đối thoại Hữu nghị TP. Hồ Chí Minh lần thứ 2 năm 2024” sẽ tiếp tục là cầu nối giữa TP. Hồ Chí Minh với các địa phương quốc tế kết nghĩa nhằm mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp chuyển đổi công nghiệp hướng tới việc phát triển bền vững”, ông Duy nói