TP. Hồ Chí Minh phấn đấu để ngành logistics đóng góp vào GRDP trên 8,5%
Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết thành phố có kế hoạch phát triển ngành dịch vụ logistics trở thành một ngành có vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế thành phố trên cơ sở tận dụng tối đa các cơ hội đón đầu các chuỗi cung ứng toàn cầu; thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng xanh, hiện đại và từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển mạng lưới kết nối.
TP. Hồ Chí Minh thực hiện các giải pháp trong đó có việc phát triển cảng hàng hóa để ngành dịch vụ logistics đóng góp trên 8,5% vào GRDP của thành phố |
Theo đó, việc phát triển ngành dịch vụ logistics sẽ góp phần kéo giảm chi phí logistics, tăng cường kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông, thúc đẩy dịch vụ logistics trở thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hóa và sự phát triển của nền kinh tế thành phố.
UBND TP. Hồ Chí Minh đưa ra mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp thành phố từ 15%-20%/năm; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt trên 60%; góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia khoảng 12% - 15%, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ hạng 45 trở lên.
TP. Hồ Chí Minh cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2045, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP trên 12%; tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh từ 10-12%/năm; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics trên 70%; góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia khoảng 10-12%, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ hạng 30 trở lên.
Để đạt được mục tiệu trên, UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nâng công suất bốc dỡ, kho chứa cảng biển; đón đầu các chuỗi cung ứng, hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ…
UBND TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết thành phố sẽ tập trung chuyển đổi, áp dụng logistics xanh trong chuỗi cung ứng giúp vận chuyển hàng hóa hiệu quả mà vẫn giảm thiểu khí thải, ô nhiễm, thân thiện môi trường, xem đây là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển, hội nhập, giúp các doanh nghiệp gia tăng khả năng cạnh tranh và tăng trưởng bền vững. Đồng thời, ưu tiên triển khai các dự án ứng dụng công nghệ 4.0, công nghệ kỹ thuật cao, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, sử dụng năng lượng tái tạo và áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường…
“Kế hoạch phát triển logistics nhằm góp phần khẳng định vị trí, vai trò của thành phố là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, có sức lan toả, thúc đẩy phát triển Vùng Đông Nam Bộ; sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và Châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu”, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết.