TP. Hồ Chí Minh tích cực triển khai tín dụng nhà ở xã hội
Tín dụng nhà ở xã hội: Thiếu nguồn vốn, chính sách chưa thực sự lan tỏa Rốt ráo hơn trong tín dụng nhà ở xã hội Chờ gói tín dụng nhà ở xã hội mới |
Ông có thể cho biết tình hình triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng trên địa bàn thành phố?
Trong số 6 dự án nhà ở xã hội do UBND TP. Hồ Chí Minh công bố, hiện nay đã và đang có 3 dự án vay vốn tín dụng ngân hàng. Riêng dự án nhà ở cho công nhân thuê tại TP. Thủ Đức do Công ty cổ phần Thủ Thiêm thực hiện đã và đang vay vốn từ gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng, với tổng hạn mức 680 tỷ đồng và dư nợ hiện nay 170 tỷ đồng do NHTMCP Tiên phong (TPBank) cho vay. Các yếu tố ưu đãi về lãi suất, thời hạn nợ của chương trình tín dụng này đã hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp trong thực hiện dự án.
Ý nghĩa của chương trình tín dụng này nhằm hỗ trợ chủ đầu tư dự án và người dân thuộc diện mua nhà ở xã hội. Vì vậy nếu các dự án đủ điều kiện vay vốn, đúng đối tượng sẽ tiếp cận thuận lợi chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng. Ở góc độ quản lý, ngành Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tổ chức tốt công tác triển khai thực hiện, thông tin tuyên truyền và tư vấn cho doanh nghiệp, người mua nhà ở xã hội có thể thụ hưởng chính sách một cách nhanh chóng, đúng quy định.
Chương trình tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng, từ chỗ có 4 NHTM có vốn nhà nước triển khai, đến nay đã có thêm nhiều NHTMCP tham gia, theo ông sẽ tác động thế nào?
Việc tăng quy mô gói và có thêm các tổ chức tín dụng tham gia thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của ngành Ngân hàng trong thực hiện chủ trương về phát triển nhà ở xã hội, cũng như mục tiêu phấn đấu đạt 1 triệu căn hộ vào năm 2030 của Chính phủ. Trong quá trình này, để giải ngân gói tín dụng, cần có sự phối hợp của các sở, ban, ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức nhằm cung cấp thông tin về dự án. Theo đó, các cơ quan liên quan cùng trao đổi, nắm bắt thông tin và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; để hỗ trợ thủ tục và thông tin truyền thông. Bởi đối tượng thụ hưởng chính sách của chương trình này được quy định khá rõ và đã được mở rộng hơn so với trước đây theo Nghị định 100/2024/NĐ-CP. Do đó phải đảm bảo đúng đối tượng, để không chỉ các bên liên quan thực hiện đúng quy định, hiệu quả mà còn đảm bảo phát huy hiệu quả của chính sách. Trên cơ sở các dự án nhà ở xã hội do UBND TP. Hồ Chí Minh công bố, NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh sẽ thông tin, cung cấp cho các tổ chức tín dụng có tham gia chương trình tiếp cận dự án, thông tin giới thiệu và tư vấn cho doanh nghiệp về chương trình tín dụng và thủ tục vay vốn. Tinh thần là dự án và người vay vốn đủ điều kiện, đúng đối tượng và đáp ứng yêu cầu về tín dụng sẽ tiếp cận gói tín dụng này thuận lợi, các tổ chức tín dụng sẽ cho vay và giải ngân theo quy định.
Ông đánh giá thế nào về việc các NHTM sẽ mở rộng hoạt động cho vay đối với chủ đầu tư?
Mở rộng cho vay và đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển nhà ở xã hội có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chủ trương lớn của Chính phủ, của UBND TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, tại đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu về nhà ở nói chung và nhu cầu nhà ở xã hội nói riêng là rất lớn. Việc đáp ứng được nhu cầu này sẽ tạo điều kiện cho người dân thuộc đối tượng chính sách, người thu nhập thấp có nhà để ở (mua, thuê mua và thuê). Từ đó cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển “thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.
Bên cạnh đó, về mặt chính sách, những quy định mới từ Luật Nhà ở, Luật Đất đai và Luật Kinh doanh Bất động sản… đã tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc về điều kiện, thủ tục và quy định liên quan đến đối tượng mua nhà ở xã hội, cũng sẽ là điều kiện thuận lợi để mở rộng và tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực này, tạo điều kiện cho việc giải ngân và mở rộng chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!