TP. Hồ Chí Minh: Tín dụng tiêu dùng giảm
Thông tin tại Hội thảo “Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào” vừa tổ chức sáng ngày 30/11, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, tính đến cuối tháng 10/2023 dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt khoảng 955.000 tỷ đồng, chiếm 28,4% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và tăng 1,4% so với cuối năm 2022.
“Nếu so với những năm gần đây thì tốc độ tăng này khá thấp. 10 tháng đầu năm 2022, tín dụng tiêu dùng tăng đến 18,8%”, ông Lệnh lưu ý thêm.
Theo thống kê của NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng 10 tháng năm 2023 thì mục đích vay mua nhà để ở, thuê, thuê mua nhà ở và xây dựng, sửa chữa nhà ở chiếm tỷ trọng cao nhất.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 10/2023, dư nợ cho vay tiêu dùng theo mục đích này đạt 612.000 tỷ đồng, chiếm 64% trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng.
Tín dụng trung dài hạn chiếm 85% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng cá nhân, hộ gia đình cũng đạt khoảng 343.000 tỷ đồng, chiếm 36%. Trong đó, tín dụng cho vay mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình đạt 99.000 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cuối năm 2022.
Theo ghi nhận của ngành Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, phương thức và sản phẩm tín dụng tiêu dụng hiện nay ngày càng đa dạng. Cho vay theo phương thức điện tử đang mở rộng, cho vay thấu chi trên tài khoản thanh toán của cá nhân và cho vay qua thẻ tín dụng ngày càng phổ biến hơn. Tăng trưởng tín dụng qua thẻ tín dụng đối với hoạt động tín dụng tiêu dùng 10 tháng đầu năm 2023 tăng 25%.
Các tổ chức tín dụng đen quảng cáo hoạt động cho vay tiền nhanh nhan nhãn trên các cột điện, hành lang đường phố |
Bên cạnh mặt đóng góp tích cực, góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế, hiện nay, theo ghi nhận của cơ quan chức năng và các tổ chức tín dụng tại TP. Hồ Chí Minh, thị trường tín dụng tiêu dùng đang bị “nhiễu loạn” và ảnh hưởng tiêu cực từ các hình thức tín dụng đen, cho vay nặng lãi và đòi nợ bất hợp pháp.
Từ đầu năm đến nay, dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính sụt giảm mạnh khoảng 40% so với cuối năm ngoái, nợ xấu chũng tăng nhanh do người vay “bùng nợ” và khủng bố nhân viên đòi nợ.
Thượng tá Lê Vinh Tùng, Phó Phòng Trọng án - Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, hiện nay tình hình tội phạm liên quan đến tín dụng đen diễn biến phức tạp. Trong các tháng vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 538 vụ án/944 bị can, xử phạt hành chính 305 vụ/396 đối tượng; trong đó khởi tố 485 vụ/772 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, khởi tố 27 vụ/35 bị can về tội cố ý gây thương tích, 17 vụ/108 bị can về tội cưỡng đoạt tài sản…
Thời gian qua, Cục Cảnh sát hình sự đã phối hợp với nhiều địa phương để đấu tranh, xử lý các hành vi phạm tội với phương thức thủ đoạn mới, hoạt động núp bóng doanh nghiệp, đan xen nhiều lĩnh vực, nhiều địa bàn.
Qua đấu tranh tội phạm tín dụng đen, cơ quan công an cũng phát hiện các đối tượng người nước ngoài (Trung Quốc, Nam Phi, Nga, Latvia) đến Việt Nam thành lập, thu mua, thuê người đứng tên doanh nghiệp có chức năng cầm đồ, tư vấn, kinh doanh tài chính, tuyển dụng nhân viên để sử dụng các ứng dụng, website cho vay lãi nặng với lãi suất trên 1000%/năm. Đặc biệt, gần đây cơ quan công an đã phát hiện thủ đoạn các đối tượng thành lập doanh nghiệp gồm công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật rồi mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi sau đó gọi điện, nhắn tin đe dọa nhằm cưỡng đoạt tài sản.
“Lợi dụng việc cơ quan công an trấn áp, xử lý quyết liệt các hành vi gọi điện, nhắn tin đe dọa đòi nợ để cưỡng đoạt tài sản như trên, xuất hiện tình trạng một số đối tượng vay vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính chính thống… cố tình “chây ỳ” trả nợ. Thậm chí, trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm kín, đăng tải các bài viết, video hướng dẫn, lôi kéo cách “bùng nợ” khi vay qua ứng dụng của các ngân hàng, công ty tài chính gây ảnh hưởng hoạt động tín dụng chính thống”, Thượng tá Tùng thông tin.