TP.HCM tìm hướng để khu chế xuất, khu công nghiệp phát triển hiệu quả
Tính đến nay, TP.HCM có 17/20 khu chế xuất - khu công nghiệp đang hoạt động với hơn 1.600 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký hơn 12,5 tỷ USD và hơn 280.000 lao động; diện tích đất cho thuê đạt 1.832,41ha/2.539,06ha đất công nghiệp, đạt tỷ lệ lấp đầy 72%.
Báo cáo của Ban Quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, hầu hết các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP.HCM được hình thành và phát triển từ đầu những năm 1990 với mục tiêu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, tạo tiền đề để nền kinh tế Việt Nam hội nhập với thế giới. Đến nay, nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu, tạo bước đệm vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Cụ thể, Khu chế xuất Tân Thuận thành lập năm 1991, đến nay thu hút 235 dự án, vốn đầu tư đăng ký hơn 2 tỷ USD và hơn 60.000 lao động, trong đó FDI 170 dự án, vốn đầu tư đăng ký hơn 1,6 tỷ USD. Khu chế xuất này có quy mô khoảng 300 ha và hiện tỷ lệ lấp đầy 97% (diện tích còn lại chủ yếu đất văn phòng, thương mại).
Ảnh minh họa. |
Tương tự, Khu công nghiệp Hiệp Phước thành lập năm 1996 đã thu hút 201 dự án với vốn đầu tư đăng ký hơn 2,1 tỷ USD và hơn 20.000 lao động, trong đó FDI 45 dự án. Đến nay, giai đoạn 1 của khu (311,4 ha) đã lấp đầy 100%. Đây là khu công nghiệp duy nhất của thành phố có cảng biển (có thể đón tàu 30.000 DWT) hoạt động trong khu. Từ năm 2014, chủ đầu tư đã đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thực hiện sáng kiến phát triển khu công nghiệp sinh thái và tiếp tục với giai đoạn 2 từ năm 2020-2025, trong đó Khu công nghiệp Hiệp Phước của thành phố được lựa chọn thí điểm mô hình khu công nghiệp sinh thái.
Với lợi thế đi trước, các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP.HCM luôn dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng cũng như sức hấp dẫn, tập trung lượng lớn doanh nghiệp trong và ngoài nước thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Tuy nhiên, sau 30 năm xây dựng, hiện nay, các khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố bộc lộ nhiều hạn chế. Đó là chi phí sử dụng đất cao, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, diện tích đất dành cho công nghiệp hạn chế, nhiều ngành thâm dụng lao động, giá trị gia tăng thấp.
Theo đánh giá của Hepza, nhiều ưu thế trong thu hút đầu tư vào khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố đã giảm bớt so với các địa phương lân cận. Một trong những nguyên nhân quan trọng là cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Thật vậy, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã góp ý về giá thuê đất ở khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM quá cao, sự quá tải về giao thông, tình trạng ngập nước, thậm chí các vấn đề về an ninh trật tự phát sinh từ nhiều khu trọ xập xệ của công nhân... Điều này khiến doanh nghiệp cân nhắc khi muốn đưa dự án đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP.HCM.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, lãng phí nguồn lực, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường. Việc này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường chung của TP.HCM, của các khu chế xuất, khu công nghiệp mà còn là lực cản lớn trong thu hút đầu tư các dự án xanh, thân thiện với môi trường.
Bởi lẽ, trong nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp được đưa ra như là một trong những yêu cầu bắt buộc để được hưởng các ưu đãi của hiệp định. Do đó, những doanh nghiệp “xanh” với những dự án “xanh” sẽ rất ngại đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp “mang tiếng” gây ô nhiễm môi trường.
Hơn thế, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban quản lý Hepza, cho biết nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp đã hoạt động được hơn một nửa thời hạn của dự án.
“Chính vì vậy doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp đang do dự đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới máy móc thiết bị do thời gian còn lại ngắn, chỉ còn hơn 20 năm, một số khu chưa tới 20 năm. Thời gian còn lại của các khu chế xuất, khu công nghiệp quá ngắn cũng khiến Hepza gặp khó khăn trong thu hút đầu tư những dự án mới, vì khó thu hồi vốn cho dự án đầu tư sản xuất”, ông Hưng nói.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng TP.HCM cần tái cấu trúc các khu công nghiệp theo hướng sinh thái tuần hoàn, dựa trên nền tảng công nghệ 4.0 và công nghệ, vật liệu mới. Phải phát triển theo hướng trên thành phố mới giải quyết được tình trạng thâm dụng lao động. Đồng thời, thành phố sẽ thực hiện được vai trò là đầu mối xuất khẩu và là nơi chuyển giao công nghệ cho các khu công nghiệp ở các tỉnh lận cận. Điều quan trọng là TP.HCM cần chọn lọc từng phân khúc thu hút đầu tư theo hướng dẫn dắt chứ không phải sản xuất đại trà.
Theo TS. Nguyễn Tấn Khuyên, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, thành phố cần có lộ trình và chính sách khuyến khích cho các doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động có cơ hội chuyển đổi công nghệ, mô hình sản xuất phù hợp.
Lãnh đạo TP.HCM cũng khẳng định, TP.HCM đang xây dựng đề án để có lộ trình thích hợp, từng bước chuyển đổi các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện hữu hiệu quả hơn. Thành phố cũng sẽ có cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi, tái cơ cấu từng khu chế xuất, khu công nghiệp. TP.HCM nâng cấp nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn.
“TP.HCM không có chủ trương bỏ hay xóa sổ khu chế xuất, khu công nghiệp nào mà định hướng chuyển đổi cho phù hợp, đồng thời bổ sung định hướng cho các khu chế xuất, khu công nghiệp mới. TP.HCM dù phát triển dịch vụ đến đâu thì cũng phải giữ nền sản xuất công nghiệp. Chúng ta phát triển sản xuất công nghiệp không phải như tình trạng hiện nay mà sẽ phát triển theo yêu cầu mới, có chất lượng cao hơn. Chúng ta nâng cấp nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn”, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định.