TP.HCM: Xây siêu cảng trung chuyển container
Báo cáo Thủ tướng, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển TP.HCM tăng trưởng bình quân trong giai đoạn năm 2015 - 2020 là 7,34%; giai đoạn năm 2021 - 2025 dự kiến là 5%. Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong thời gian tới các khu bến cảng trên sông Sài Gòn của cảng biển TP.HCM sẽ thực hiện di dời, chuyển đổi công năng. Như vậy, việc sớm triển khai xây dựng các cảng container của cảng biển trong giai đoạn 2021 - 2030 là cần thiết để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa hiện tại và trong tương lai từ nay đến 2030 của TP.HCM nói riêng cũng như các tỉnh khu vực kinh tế trọng điểm phía nam nói chung.
Ảnh minh họa |
Với mục tiêu dịch chuyển một phần hoạt động trung chuyển container quốc tế về Việt Nam, Tập đoàn MSC/TIL (tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới) cùng đối tác là Tổng công ty hàng hải Việt Nam (VIMC) và Cảng Sài Gòn nghiên cứu, đề xuất dự án cảng cửa ngõ trung chuyển quốc tế Sài Gòn tại khu vực quy hoạch khu bến Cần Giờ. Dự án có quy mô khoảng 7,2 km cầu cảng, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay (24.000 teus), công suất thông qua 10 - 15 triệu teus, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỷ USD. Dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn đầu tư, bắt đầu triển khai thi công xây dựng giai đoạn 1 vào năm 2024 và đưa vào khai thác năm 2027. Lãnh đạo UBND TP. HCM cho biết, biển Cần Giờ ở cửa sông Cái Mép với mực nước sâu, nằm trên các tuyến hàng hải quốc tế, có thể đáp ứng tàu tải trọng lớn. Đây là điều kiện thuận lợi để hình thành cảng container quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực cũng như đột phá phát triển kinh tế biển thành phố và cả nước.
Theo các chuyên gia, hiện tại, với công suất 6,4 triệu teus mỗi năm, cảng Cát Lái ở TP.HCM đang là cảng lớn nhất nước. Sản lượng hàng hoá qua cảng này chiếm khoảng 85% tổng số lượng hàng hóa qua các cảng phía Nam và 50% so với các cảng cả nước. Thế nhưng, thời gian qua, cảng này đang quá tải, gây ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.HCM
Lãnh đạo TP.HCM cho rằng cơ sở pháp lý để đề xuất xây dựng cảng Cần Giờ là Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã xác định: “trọng tâm là khai thác có hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển. Quy hoạch, xây dựng, tổ chức khai thác đồng bộ, có hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng trung chuyển quốc tế, cảng chuyên dùng gắn với các dịch vụ hỗ trợ; xây dựng hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế…”, “Chủ động thu hút các nhà đầu tư lớn, có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến từ các nước phát triển”… Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng cho rằng, theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, khu bến Cần Giờ ở cửa sông Cái Mép được quy hoạch là khu bến cảng tiềm năng, có chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM, vùng phụ cận; có bến tổng hợp, container, hàng rời, bến khách quốc tế được phát triển đồng bộ với hạ tầng giao thông kết nối cảng; cờ tàu trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.
Trước đó, phía cơ quan chuyên môn, VIMC cũng đánh giá việc hình thành một trung tâm dịch vụ logistics quy mô lớn dự kiến mang lại những tác động tích cực, tạo điều kiện phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ, sản xuất, tài chính, các loại dịch vụ hàng hải… tại địa phương. Đây cũng là giải pháp nhằm thực hiện thành công mục tiêu phát triển logistics trở thành lĩnh vực mũi nhọn của TP.HCM, tiếp tục giữ vững vai trò là một trung tâm logistics của khu vực và châu Á, mở ra một hướng đi mới góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của khối dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của TP.HCM và Việt Nam.
Để có cơ sở hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đề xuất, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông - Vận tải phối hợp với UBND TP.HCM và các cơ quan có liên quan đánh giá lợi thế, cơ hội và khả năng đáp ứng các điều kiện hình thành cảng trung chuyển quốc tế; đồng thời, xem xét, đề xuất điều chỉnh quy hoạch các cảng biển khu bến Cần Giờ nằm trong nhóm cảng biển số 4 thuộc TP.HCM tại Quyết định số 1579 ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ (theo hướng điều chỉnh, bổ sung chức năng cảng container trung chuyển quốc tế và triển khai đầu tư ngay trong thời kỳ 2021 -2030) theo quy định.