Trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh huy động vốn rất tiềm năng
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khi trao đổi với báo chí về định hướng phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới.
Bộ Trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. |
Thưa Bộ trưởng, xin Bộ trưởng đánh giá về thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay?
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam mặc dù đã hình thành khá lâu nhưng mới thực sự được thị trường quan tâm và phát triển trong vòng 5 năm trở lại đây, nhất là 2 - 3 năm gần đây. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp, góp phần cân đối cơ cấu thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc vốn trung, dài hạn quá lớn vào kênh tín dụng ngân hàng.
So với tiềm năng và tương quan khu vực thì quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn, chưa đạt mục tiêu đề ra. Hiện nay, dư nợ toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ khoảng 15% GDP. Trong khi đó, theo Chiến lược phát triển tài chính đến năm 2030, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2025, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp tối thiểu đạt 20% GDP và đến năm 2030 tối thiểu đạt 25% GDP. Như vậy, chúng ta vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu mà Chính phủ đề ra.
Riêng trong khu vực, Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều một số nước như: Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thái Lan (25% GDP),…
Về chất lượng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có sự phát triển khá tích cực trong những năm gần đây. Chúng ta cơ bản đã xây dựng được một khung khổ pháp lý khuyến khích thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn cho sản xuất kinh doanh, giúp nhiều nhà đầu tư có thêm kênh đầu tư hiệu quả.
Mặc dù vậy, vì sự tăng trưởng nhanh, lại trong bối cảnh COVID-19 xảy ra nên tốc độ phát triển về quy mô chưa tương xứng với chất lượng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Thị trường này đã và đang bộc lộ một số rủi ro cần được nhìn nhận chính xác, hợp lý, đúng mức độ để có giải pháp phù hợp, giúp thị trường phát triển đúng hướng, an toàn, bền vững.
Những rủi ro, gây mất an toàn cho thị trường đó là gì, thưa Bộ trưởng?
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Trong quá trình đó, khởi nguồn từ “lượng” và chuyển dần sang tăng về “chất”. Những sai phạm của một số cá nhân, tổ chức trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vừa qua là bài học nhưng không đại diện cho toàn thị trường. Vì vậy, cần có giải pháp, hướng thị trường phát triển lành mạnh hơn.
Tôi cho rằng, ở bất kỳ một thị trường nào, bên cạnh sự quản lý của Nhà nước thông qua giám sát, kiểm tra, xử lý sai phạm nghiêm minh thì quan trọng hơn hết vẫn là nhận thức, trách nhiệm và tính tuân thủ của các đối tượng tham gia thị trường. Để khuyến khích kênh trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, các quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là hướng tới thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn theo nguyên tắc tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm.
Theo đó, trách nhiệm đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là chủ thể phát hành. Do đó, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chủ yếu là niềm tin với doanh nghiệp. Doanh nghiệp phát hành về nguyên tắc phải là chủ thể chịu trách nhiệm toàn bộ về các đợt phát hành.
Khi các chủ thể phát hành tuân thủ pháp lý cao, đề cao tính minh bạch, công bố thông tin đầy đủ và giữ chữ tín với nhà đầu tư, thanh toán đầy đủ, đúng hạn trái phiếu doanh nghiệp đến hạn; nhà đầu tư hiểu biết pháp luật, xem xét đánh giá khi mua trái phiếu doanh nghiệp… thì chắc chắn chất lượng phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ được nâng lên.
Về nhà đầu tư, chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được tham gia đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Chính vì vậy, nhà đầu tư sẽ chính là đối tượng cần được nâng cao nhận thức, trách nhiệm cũng như trang bị kiến thức,… để tham gia thị trường an toàn, hiệu quả.
Ngoài ra, trách nhiệm còn thuộc về các đơn vị trung gian cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp. Thực tế cũng đã chỉ ra một số hạn chế trong việc cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán cũng như chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính của các công ty kiểm toán.
Thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước đã tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý sai phạm.
Theo Bộ trưởng, cơ quan quản lý có nên xây dựng, phát triển một thị trường trái phiếu doanh nghiệp tập trung để tránh các rủi ro khó kiểm soát?
Chúng ta không cấm doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, miễn là doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia tuân thủ đúng quy định pháp lý và theo đúng tinh thần là tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, thời gian qua đã bộc lộ hạn chế như: gian dối, trái phiếu quá hạn không được thanh toán đầy đủ.
Thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rà soát pháp lý, tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng. Có thể sẽ không có mục tiêu cụ thể là mở rộng hay thu hẹp thị trường nào, nhưng rõ ràng việc ưu tiên phát triển các thị trường tập trung có sự quản lý hiệu quả của cơ quan nhà nước sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển minh bạch, an toàn và bền vững hơn.
Thực tế, niềm tin là một yếu tố nền tảng quan trọng của thị trường tài chính nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, thời gian qua, với sự những vụ việc đáng tiếc đã xảy ra, có vẻ như yếu tố đó đang dần hao mòn?
Đúng vậy, niềm tin đóng vai trò rất quan trọng trên thị trường tài chính, đặc biệt và trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Thị trường phát triển ổn định, hiệu quả, an toàn thì nhà đầu tư sẵn sàng tham gia và khi đó thị trường mới có sự phát triển bền vững, bởi “cung vững - cầu chắc”.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp rất tiềm năng và cần tạo điều kiện để phát triển an toàn, minh bạch, bền vững. Dù không đại diện cho toàn thị trường nhưng những sai phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thời gian qua đúng là “con sâu làm rầu nồi canh”, làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào kênh trái phiếu doanh nghiệp. Do vậy, việc lấy lại niềm tin cho thị trường cũng là trách nhiệm của nhiều cơ quan quản lý và các chủ thể tham gia thị trường.
Vậy theo Bộ trưởng, đâu là giải pháp hữu hiệu để vừa củng cố chất lượng phát triển của thị trường, vừa củng cố niềm tin của nhà đầu tư?
Vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế với nhiều điểm mới, theo hướng chặt chẽ hơn, nâng cao trách nhiệm của các bên tham gia. Chính sách mới sẽ cần thời gian để thị trường làm quen, nhưng đây là cơ hội để thị trường sàng lọc, “gạn đục, khơi trong” tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư chân chính.
Cùng với đó, Nghị định 65 cũng đã để khai mở vận hành thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp niêm yết và nhà đầu tư có thể giao dịch được trái phiếu doanh nghiệp khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, cũng đã có quy định để phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, tạo điều kiện cho nhà đầu tư có tham chiếu khách quan và tin cậy hơn trước khi mua trái phiếu doanh nghiệp thay vì tập trung cho “tài sản đảm bảo”.
Về kỷ cương, kỷ luật thị trường, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp phát hành, các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian, điển hình là các công ty chứng khoán và các doanh nghiệp kiểm toán. Đồng thời, Bộ cũng đôn đốc các công ty phát hành, công ty chứng khoán thanh toán trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thông tin tuyên truyền cần tiếp tục được đẩy mạnh để các tổ chức phát hành, đặc biệt là nhà đầu tư, người dân hiểu rõ hơn về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để tham gia một cách an toàn, hiệu quả và chịu trách nhiệm trước hành động của mình.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!