Triển vọng thị trường lạc quan hơn bởi những yếu tố tích cực hỗ trợ
Các nhà phân tích nhận định, về dài hạn thị trường sẽ vẫn trong xu hướng tăng |
Nền tảng kinh tế nhiều điểm sáng
Bà Dương Kim Anh, Đồng Giám đốc đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) cho biết, thời gian qua, nền kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam đã phải trải qua rất nhiều những biến động khó lường. So với một năm trước, thị trường đều suy đoán kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong năm 2023, nhưng trên thực tế kinh tế Mỹ lại khá ổn định, tăng trưởng vẫn tương đối tích cực, mặc dù FED đã nâng mức lãi suất điều hành lên cao hơn rất nhiều so với dự kiến.
Ngược lại, khi mọi người đều kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ hồi phục mạnh sau khi chính sách Zero-Covid được dỡ bỏ thì thực tế nền kinh tế Trung Quốc lại phải đối mặt với nhiều khó khăn và hồi phục không mạnh mẽ như kỳ vọng. Các vấn đề của thị trường bất động sản đã lan dần sang thị trường tài chính, do đó có thể kinh tế Trung Quốc sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 cũng như những năm sắp tới.
Với thị trường Việt Nam sẽ tích cực hơn, bởi đối với những lo ngại về khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế hay đặc biệt đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp… thì thời gian qua, Chính phủ đã rất tích cực đưa ra các giải pháp để hỗ trợ thị trường, đặc biệt là cải thiện được niềm tin của nhà đầu tư.
“Chúng tôi cũng kỳ vọng rằng trong thời gian còn lại của năm 2023 cũng như sang 2024, những thông tin tích cực sẽ nhiều hơn”, bà Dương Kim Anh trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính.
Dưới góc nhìn của mình, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) cho biết, sau 6 tháng đầu năm với tình hình tương đối khó khăn thì hiện nay, nền kinh tế Việt Nam mặc dù chưa thực sự khởi sắc hoàn toàn nhưng đã có những chuyển biến khá tích cực.
Trong tháng 7 và tháng 8 chỉ số sản xuất công nghiệp lần lượt tăng 3,7% và 2,6% đã phản ánh mảng sản xuất và công nghiệp của chúng ta đã bắt đầu có những sự phục hồi khá tích cực. Và một số nhà sản xuất đã bắt đầu nhận được nhiều đơn hàng hơn so với 6 tháng đầu năm. Đặc biệt, trong tháng 8 chỉ số PMI lần đầu tiên vượt ngưỡng 50 điểm, chứng tỏ đâu đó nền sản xuất của chúng ta đã có những dấu hiệu phục hồi.
Những điểm sáng khác của nền kinh tế, chẳng hạn như đầu tư công hay FDI chúng ta vẫn nhìn thấy những con số tương đối tích cực, vốn đầu tư công liên tục tăng trên 20% trong 3 tháng gần đây và đặc biệt là tăng gần 30% trong tháng 8. Nhìn chung, trong 8 tháng đầu năm giải ngân đầu tư công tăng khoảng 17%, đạt gần 50% so với kế hoạch, nếu so với những năm gần đây thì đây là một con số thực sự ấn tượng.
Với dòng vốn đầu tư FDI, sau gần một năm khá ảm đạm, vốn đăng ký mới FDI đã tăng gần hơn 40% trong tháng 8. Đây là những con số có thể hỗ trợ cho tỷ giá ở trong nước vẫn được giữ mức như hiện tại. Vì vậy, những diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian vừa qua phần nào phản ánh được nền kinh tế đang có những chuyển biến tích cực hơn.
Tuy nhiên, không phải tất cả những thông tin tiêu cực đã qua đi mà chúng ta vẫn cần phải quan sát thêm những thông tin từ thị trường thế giới như việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có tiếp tục nâng lãi suất nữa hay không, hay liệu Trung Quốc có những động thái giải cứu được thị trường bất động sản của họ hay không. Ở trong nước, chúng ta cũng cần quan tâm đến hai vấn đề, lạm phát và tỷ giá đang là những thách thức trong 4 tháng cuối năm.
Thị trường có nhiều yếu tố tích cực
Về diễn biến thị trường, bà Dương Kim Anh cho biết, nếu như nhìn từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán của Việt Nam so với các nước trong khu vực đã hứng khởi và phát triển tích cực. Chỉ số VN-Index đã tăng trưởng khoảng hơn 20% so với đầu năm, các nước khác trong khu vực nhìn chung tăng trưởng thấp hơn nhiều, khoảng 12%, thậm chí có những thị trường giảm đến 5%-6%.
Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rằng, năm 2022, thị trường Việt Nam đã giảm sâu đến hơn 34%, trong khi đó các thị trường trong khu vực lại không như vậy, các thị trường khác đều giảm thấp hơn, chỉ khoảng 5%-6%, thậm chí có những thị trường đi ngang. Do vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa hồi về mức cũ.
Tuy nhiên nếu nhìn về tương lai, nền kinh tế Việt Nam có rất nhiều những điểm tích cực, trong đó có yếu tố là trong khi tất cả các nước vẫn còn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, thì Việt Nam từ cuối quý I/2023 đã chuyển từ chính sách tiền tệ thắt chặt sang tính chính sách tiền tệ mở rộng, lãi suất điều hành cũng đã giảm đến 4 lần.
Gần đây nhất, bốn ngân hàng quốc doanh đã giảm mức lãi suất huy động 12 tháng xuống đến 5,8%, tức là chỉ cao hơn 0,2% so với mức duy trì trong thời gian dịch. Đặc biệt, tỷ giá cũng có ảnh hưởng nhưng vẫn trong mức kiểm soát được là một thành tựu đáng ghi nhận cho Việt Nam. Và điều này đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước cũng như nhà đầu tư nước ngoài để thu hút dòng vốn vào thị trường chứng khoán.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, cho rằng, ngược lại với thị trường chứng khoán thế giới, những yếu tố tích cực của thị trường Việt Nam vẫn đang còn đó và hỗ trợ cho thị trường. Chỉ tính riêng thị trường chứng khoán cũng đang có những thông tin tích cực hơn, chẳng hạn như hệ thống KRX có thể sẽ được đưa vào vận hành trong năm 2023 và lãi suất của thị trường Việt Nam đang có xu hướng giảm rất rõ nét.
Nhận định triển vọng thị trường, bà Hiền cho rằng, 4 tháng cuối năm 2023 sẽ khá lạc quan bởi những yếu tố tích cực hỗ trợ cho thị trường sẽ nhiều hơn. Bên cạnh đó, vẫn còn những quan ngại, như vấn đề lạm phát và tỷ giá cần phải thận trọng và quan sát. Có vẻ như chỉ số đồng USD đang tăng lên khá mạnh mẽ và gây áp lực lên chính tỷ giá Việt Nam đồng hay việc đồng Nhân dân tệ có mức giảm giá khá mạnh đến gần 67% trong thời gian vừa qua cũng ảnh hưởng đến tỷ giá của chúng ta. Tuy nhiên, dựa trên quan điểm khá lạc quan về thị trường dự báo VN-Index những tháng cuối năm có thể vươn lên vùng mục tiêu khoảng 1.320 điểm.
Bà Dương Kim Anh thì cho biết, các nhà đầu tư đều đang kỳ vọng nhiều nền kinh tế sẽ tích cực hơn, lãi suất sẽ ngày càng giảm, kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm của các doanh nghiệp được kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn nhiều so với 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, thị trường sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến thực tế.
Để có phương án đầu tư hiệu quả, bà Kim Anh cho rằng, nhà đầu tư không nên cố gắng lúc nào cũng mua đúng đáy và bán đúng đỉnh. Bởi vì có thể một vài lần đạt được điều đó là do yếu tố may mắn. Chính vì vậy, nhà đầu tư nên phân bổ tài sản và đầu tư định kỳ, bởi khi có một kế hoạch và lộ trình đầu tư rõ ràng và theo một định kỳ nhất định sẽ không phải rơi vào tình trạng bị rủi ro.
Đối với các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ nếu như không có thời gian, cũng không có thông tin để tự tìm kiếm những khoản đầu tư phù hợp thì nên đầu tư qua các quỹ, bây giờ có rất nhiều quỹ mở được quản lý chuyên nghiệp ở các công ty quản lý quỹ, như vậy nhà đầu tư sẽ tận dụng được các kiến thức cũng như kinh nghiệm của những nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Bà Trần Thị Khánh Hiền cho rằng, dù trong diễn biến tích cực của thị trường thì không phải tất cả được hưởng lợi như nhau mà mỗi ngành nghề, mỗi doanh nghiệp đều phải có câu chuyện riêng. Đơn cử như là câu chuyện đầu tư công, đây vẫn là một câu chuyện đầu tư trọng điểm trong 2 - 3 năm tới. Ngành hàng không, ngành du lịch cũng là ngành được hưởng lợi khi những chính sách nới lỏng về visa sẽ thúc đẩy được lượng du khách quốc tế đến với Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, một số ngành như bất động sản hay vật liệu xây dựng có lẽ đã qua được thời điểm khó khăn nhất và mặc dù chưa hẳn là tích cực nhưng mức độ suy giảm ở những tháng cuối năm 2023 sẽ thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Và đặc biệt ở thời điểm nào, nhà đầu tư cần phải đề cao việc quản trị rủi ro cho danh mục và hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính, luôn luôn theo dõi những thông tin chính thống, tránh đầu tư theo tin đồn.