Triển vọng thị trường tài chính, đầu tư toàn cầu tích cực hơn
Triển vọng thị trường tài chính Việt Nam |
Kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất, thu nhập doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng vững chắc tại châu Á... sẽ cải thiện triển vọng đầu tư |
Khẩu vị rủi ro toàn cầu hồi phục
Bà Fan Cheuk Wan, Giám đốc Đầu tư khu vực châu Á, Khối Dịch vụ Ngân hàng tư nhân toàn cầu HSBC (HSBC GPB) đã chỉ ra 5 xu hướng hàng đầu đang định hình lại trật tự thế giới mới. Hiểu rõ hơn về các động lực cấu trúc dài hạn này sẽ giúp các nhà đầu tư có thể tránh bị ảnh hưởng bởi những biến động thị trường ngắn hạn. Năm xu hướng hàng đầu được bà Fan nhấn mạnh, bao gồm:
Châu Á trong trật tự thế giới mới: Nắm bắt các cơ hội tăng trưởng hấp dẫn từ việc tái định hướng chuỗi cung ứng, tầng lớp tiêu dùng trung lưu và khối lượng tài sản gia tăng, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Công nghệ đột phá: Tập trung vào những quốc gia tăng trưởng cấu trúc được hưởng lợi từ đổi mới công nghệ mang tính đột phá, bao gồm trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative AI) và robot, nhiên liệu thay thế và lĩnh vực hàng không vũ trụ.
Hành động vì môi trường: Hội nghị COP28 đã tạo động lực cho sự cải tiến công nghệ xanh mới, cơ sở hạ tầng xanh và đầu tư toàn cầu vào năng lượng bền vững.
Xã hội phát triển: Tập trung vào tăng trưởng cấu trúc, được thúc đẩy bởi đô thị hóa, chăm sóc sức khỏe và trao quyền xã hội.
Cơ hội đầu tư trước đợt hạ lãi suất đầu tiên của Fed: Cơ hội được tìm thấy ngay trong nền kinh tế Mỹ, việc quay lại đầu tư sản xuất tại Mỹ, thị trường tín dụng chất lượng và trái phiếu ngân hàng cấp cao của Mỹ.
Ngay trong năm 2024, bà Fan Cheuk Wan cho rằng, có 2 động lực tích cực hỗ trợ các thị trường tài chính toàn cầu: Phần lớn các NHTW phương Tây đã hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát tiếp tục giảm; và kinh tế Mỹ nhiều khả năng hạ cánh mềm. “Hai chiều hướng tích cực này sẽ giúp khẩu vị rủi ro toàn cầu hồi phục trong năm 2024. Chuẩn bị sẵn sàng cho sự tăng trưởng toàn cầu chậm nhưng tích cực hơn và việc Fed bắt đầu giảm lãi suất từ tháng 6/2024, đầu tư vào trái phiếu chất lượng, cổ phiếu Mỹ và châu Á cũng như các sản phẩm thay thế sẽ mang lại nguồn lợi nhuận và thu nhập đa dạng để tối ưu hóa hiệu suất danh mục đầu tư và giảm thiểu biến động thị trường”, theo bà Fan Cheuk Wan.
Châu Á ở vị thế thuận lợi để nắm bắt các cơ hội
Trong trật tự thế giới mới đang định hình lại bởi các xu hướng hàng đầu này, ông James Cheo, Trưởng bộ phận đầu tư Khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, HSBC GPB cho rằng, châu Á đang ở vị thế thuận lợi để nắm bắt các cơ hội tăng trưởng. Một trong số đó là việc tái định hình lại chuỗi cung ứng châu Á. “Các động lực gây ra căng thẳng địa chính trị, sự phân mảnh thương mại và các hạn chế về công nghệ đang đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu trong khu vực”, ông James Cheo nhấn mạnh. Để giảm thiểu rủi ro địa chính trị và giảm bớt tác động của thuế quan thương mại, các tập đoàn đa quốc gia thực hiện “chiến lược Trung Quốc+1” bằng cách xây dựng các cơ sở sản xuất mới ở Ấn Độ và ASEAN để bổ sung cho chuỗi cung ứng của họ. “Chúng tôi cũng xác định Ấn Độ và ASEAN được hưởng lợi từ dòng vốn FDI mạnh mẽ do việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng đem lại”, chuyên gia này nhận định.
Sự trỗi dậy của Ấn Độ và ASEAN trong thời gian qua dự kiến sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong những năm tới. “Chúng tôi nhận thấy những cơ hội tăng trưởng lâu dài đầy hứa hẹn ở Ấn Độ và ASEAN, nhờ vào những lợi thế mang tính cấu trúc từ đầu tư tư nhân trong và ngoài nước mạnh mẽ, dân số trẻ, sự bùng nổ công nghệ và chuyển đổi xanh”, ông Cheo cho biết. Đơn cử, Ấn Độ đã liên tục đạt được mức tăng trưởng cao hơn kỳ vọng trong các hoạt động sản xuất và dịch vụ trong suốt năm 2023, với dòng vốn FDI mạnh mẽ và xuất khẩu dịch vụ bùng nổ giúp tạo thêm công ăn việc làm, thúc đẩy tiêu dùng tư nhân và tăng năng suất. Theo ước tính, khoảng 40% các trung tâm năng lực toàn cầu (Global Capability Centres) của thế giới hiện được đặt tại Ấn Độ, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng xuất khẩu dịch vụ và thị trường việc làm của cả nước.
Về tiêu dùng trong khu vực, nhờ được thúc đẩy bởi sự gia tăng người tiêu dùng trung lưu và tài sản, dự kiến lĩnh vực tiêu dùng hàng không thiết yếu ở châu Á sẽ trở thành điểm sáng, bao gồm các doanh nghiệp thương mại điện tử chọn lọc của Trung Quốc, các công ty kinh doanh hàng tiêu dùng không thiết yếu của châu Á, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính châu Á và tiêu dùng số, tiêu dùng dựa trên AI. Lĩnh vực hàng tiêu dùng không thiết yếu của châu Á được dự đoán sẽ mang lại mức tăng trưởng thu nhập 16,4% trong năm 2024.
Chuyên gia James Cheo cũng nhận định, lạm phát giảm đang diễn ra ở hầu hết các nền kinh tế châu Á, và tỷ lệ lạm phát hiện được dự đoán sẽ quay trở lại mức mục tiêu của NHTW vào năm 2024 ở hầu hết các quốc gia, đi trước so với các khu vực khác. “Do đó chúng tôi tin rằng, lợi suất châu Á đang đạt đỉnh và kỳ vọng việc cắt giảm lãi suất điều hành ở Úc, Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Singapore… vào năm 2024 sẽ mang lại những thuận lợi về mặt chính sách cho thị trường trái phiếu châu Á trong năm tới”, chuyên gia này nhận định. Ngay trong năm 2024, chuyên gia này dự báo lợi suất gộp của chỉ số trái phiếu cấp đầu tư ở châu Á sẽ ở mức khoảng 5,4%, cao hơn mức trung bình 3 năm là 4,5%.
Nhận định riêng về kinh tế Việt Nam, ông James Cheo nhấn mạnh: “Sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ đến từ sự kết hợp giữa chi tiêu tiêu dùng và đầu tư. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ có thể vẫn sẽ tiếp tục chảy vào, hỗ trợ ngành sản xuất của Việt Nam. Chu kỳ thương mại toàn cầu mới phục hồi sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam có thể sẽ chứng kiến sự tăng trưởng tiếp tục của du lịch quốc tế. Nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng GDP sẽ cao hơn năm 2023, ở mức 6% vào năm 2024”.
Tuy nhiên chuyên gia này cũng lưu ý, lạm phát dù khá ổn định nhưng có thể có rủi ro tăng do giá năng lượng hoặc lương thực cao hơn dự kiến. “Chúng tôi cho rằng, cơ quan quản lý tiền tệ Việt Nam sẽ thận trọng và giữ nguyên lãi suất điều hành trong năm nay. Chúng tôi dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tiến tới mức 24.400 vào cuối năm 2024”, ông James Cheo cho biết.