Trở thành một phần xứng đáng trong sự phát triển của đất nước
Với lịch sử 61 năm hình thành và phát triển, Vietcombank luôn thể hiện là một NHTM Nhà nước gạo cội, giữ vị thế tiên phong và có những đóng góp quan trọng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, cho nền kinh tế quốc dân và xã hội. Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập ngành Ngân hàng, ông có thể chia sẻ thêm về những thành tựu đáng ghi nhận đó?
Ông Lê Hoàng Tùng Phó tổng giám đốc Vietcombank |
Có thể nói, trong hành trình hơn 60 năm phát triển cùng đất nước nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng, Vietcombank đã luôn đạt được nhiều thành tựu vượt bậc, có tính đột phá và mang dấu ấn lịch sử, khẳng định vị thế ngân hàng số 1 về chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Có thể kể ra một số điểm nhấn nổi bật như: Năm 2017, Vietcombank đã giành lại vị trí quán quân về quy mô lợi nhuận (sau thời gian bị gián đoạn từ 2011 đến 2016) và liên tục giữ vị trí đó cho đến nay... Với kết quả kinh doanh vượt trội, Vietcombank luôn là ngân hàng/doanh nghiệp niêm yết có đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước (hơn 10 ngàn tỷ đồng mỗi năm), tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội vì cộng đồng. Vietcombank liên tục nhiều năm được bình chọn là ngân hàng có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam. Hiện tại, Vietcombank là doanh nghiệp niêm yết lớn nhất Việt Nam và nằm trong nhóm 100 ngân hàng niêm yết lớn nhất toàn cầu theo quy mô vốn hoá.
Các kết quả ấn tượng của Vietcombank trong thời gian qua là kết tinh những nỗ lực lao động sáng tạo, trí tuệ, quyết tâm và khát vọng vươn lên của tập thể Ban lãnh đạo và hơn 2 vạn cán bộ, nhân viên, người lao động trong toàn hệ thống.
Trong giai đoạn tới đây, Vietcombank sẽ tiếp tục hành trình “vươn ra biển lớn”, đón đầu xu thế mới trong công nghệ ngân hàng, từng bước hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược đến năm 2030 trở thành tập đoàn tài chính lớn nhất Việt Nam, một trong 200 tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới, một trong 700 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu và đóng góp lớn vào sự phát triển bền vững của Việt Nam; trở thành một phần xứng đáng trong dòng chảy phát triển của đất nước và dân tộc.
Là một trong bốn NHTM Nhà nước có quy mô lớn nhất trong hệ thống ngân hàng, ông có thể chia sẻ về định hướng tăng trưởng tín dụng của Vietcombank trong năm 2024?
Hiện tại, mặt bằng lãi suất cho vay mà Vietcombank đang duy trì và áp dụng cho các khách hàng ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua, thấp hơn cả trước thời kỳ dịch COVID-19, tuy nhiên khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, hộ gia đình không cao do nhiều nguyên nhân khác nhau. Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới, Vietcombank đã đề ra định hướng, đồng thời đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, cụ thể:
• Đẩy mạnh tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, chuyển đổi số, tín dụng xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo... của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; kiểm soát chất lượng tín dụng an toàn, hiệu quả.
• Tiếp tục ưu tiên nguồn lực để tập trung giải ngân các dự án trọng điểm tại các địa phương đóng góp tăng trưởng cho địa phương và toàn quốc với quy mô giải ngân dự kiến gần 30.000 tỷ đồng, một số dự án lớn, tiêu biểu như Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1, Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Dự án thép Hòa Phát Dung Quất 2, Dự án khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng (giai đoạn 2), Nhà máy điện Nhơn Trạch… Tiếp tục triển khai đồng thời nhiều chương trình cho vay lãi suất thấp: cho vay ngắn hạn VND, USD ưu đãi và đặc biệt ưu đãi; Chương trình cho vay doanh nghiệp FDI; Chương trình cho vay trung dài hạn lãi suất cố định 1-5 năm; Chương trình lãi suất ưu đãi sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh; Chương trình an tâm lãi suất đối với khách hàng cá nhân.
• Đẩy mạnh các chính sách, chương trình cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN. Tăng cường công tác thông tin truyền thông, hướng dẫn khách hàng, đối tượng đáp ứng chính sách.
• Đẩy mạnh truyền thông trong hệ thống và bên ngoài để tăng khả năng tiếp cận vốn của các khách hàng. Tiếp tục triển khai các chương trình cho vay liên kết, chuỗi cung ứng để tiếp cận và cho vay với đối tượng cung cấp đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho các chuỗi.
• Tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục cho vay; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; tăng tốc độ xử lý hồ sơ, rút ngắn thời gian phê duyệt cho vay; nghiên cứu triển khai đa dạng sản phẩm tín dụng...
Tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Vietcombank đánh giá thế nào về triển vọng nhu cầu vốn phục vụ tăng trưởng xanh của kinh tế Việt Nam thời gian tới, thưa ông?
Triển vọng nhu cầu vốn phục vụ tăng trưởng xanh của kinh tế Việt Nam thời gian tới là rất lớn bởi những động lực sau: Thứ nhất, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu phát triển bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường thông qua Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đây là động lực thúc đẩy nhu cầu lớn về vốn để đầu tư vào các dự án và chính sách xanh. Đồng thời, Chính phủ cũng đưa ra nhiều chính sách khuyến khích và ưu đãi nhằm thúc đẩy phát triển các dự án và hoạt động xanh, bao gồm các chính sách thuế, hỗ trợ tài chính và khuyến mãi. Thứ hai, việc phát triển và nâng cấp hạ tầng xanh như năng lượng tái tạo, giao thông công cộng, xử lý nước thải và quản lý rác thải… đều đòi hỏi một lượng lớn vốn đầu tư. Đây là các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng cao, bền vững và thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư/quỹ đầu tư, các doanh nghiệp xanh, các tổ chức quốc tế/các tổ chức phi chính phủ và ngân hàng. Thứ ba, hiện nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp và tổ chức ở Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển bền vững. Điều này tạo ra nhu cầu ngày càng tăng về vốn để đầu tư vào các dự án xanh và các hoạt động xanh.
Nhiều TCTD cho biết, hiện nay khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh còn rất “thiếu”. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này? Và trong quá trình triển khai nguồn vốn tín dụng xanh, phía Vietcombank có gặp khó khăn, vướng mắc gì không?
Trong quá trình triển khai kế hoạch hành động thực hiện Đề án phát triển ngân hàng xanh, Vietcombank gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như:
Về hành lang pháp lý: Các quy định về pháp luật rất rộng, phức tạp nhưng vẫn chưa đầy đủ; đồng thời chưa có hướng dẫn cụ thể về định nghĩa, tiêu chuẩn xác định danh mục các ngành/lĩnh vực xanh để thống nhất việc định danh.
Về giới hạn cấp tín dụng của ngân hàng đối với khách hàng/nhóm khách hàng liên quan: Việc tài trợ thêm các dự án năng lượng tái tạo của các khách hàng này có thể dẫn đến số dư cấp tín dụng đối với 1 khách hàng và 1 nhóm khách hàng vượt các tỷ lệ 15% và 25% vốn tự có của các ngân hàng. Đồng thời, theo quy định tại Luật Các TCTD mới, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 giới hạn này sẽ tiếp tục giảm theo lộ trình nên sẽ là thách thức đối với các TCTD khi xem xét cấp tín dụng đối với các dự án mới.
Bên cạnh đó, các rủi ro liên quan đến môi trường, xã hội liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau: Kiến thức, kinh nghiệm của các cán bộ ngân hàng thực hiện công tác thẩm định và phê duyệt cấp tín dụng liên quan đến các vấn đề về môi trường, xã hội còn hạn chế.
Việc thiết lập bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường tại các TCTD không phải phương án hiệu quả, trong khi sự hỗ trợ tư vấn từ các đơn vị chuyên môn sâu về môi trường lại chưa được hình thành nên rất rủi ro cho các TCTD khi đánh giá, thẩm định cấp tín dụng đối với các dự án có rủi ro môi trường cao.
Việc thiếu các nguồn vốn dài hạn và lãi suất ưu đãi cũng là một vấn đề còn vướng mắc. Hiện nay, các chính sách ưu đãi về nguồn vốn dài hạn với mức lãi suất ưu đãi của các tổ chức quốc tế cũng như từ NHNN và các cơ quan bộ ngành còn chưa được ban hành/tiếp cận rộng rãi.
Trong khi các dự án đáp ứng đủ tiêu chuẩn để giảm thiểu rủi ro liên quan đến môi trường xã hội thường làm phát sinh chi phí đầu tư, giảm hiệu quả kinh tế.
Trân trọng cảm ơn ông!