Trung tâm tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh: Nỗ lực hiện thực hóa tiềm năng
TP. Hồ Chí Minh tạo sự khác biệt trong du lịch đường thủy TP. Hồ Chí Minh tổ chức Không gian Triển lãm sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh |
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Ban Kinh tế trung ương cho biết, TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, là cực tăng trưởng kinh tế quan trọng, đóng góp ngân sách quốc gia lớn, có năng suất lao động cao nhất; ngoài ra, còn là trung tâm dịch vụ và công nghiệp lớn và là địa phương có số lượng doanh nghiệp hoạt động lớn nhất cả nước. Chính vì vậy, thành phố cần tiếp tục triển khai xây dựng đề án trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế. Ban Kinh tế trung ương đề nghị các bộ, ngành và TP. Hồ Chí Minh đẩy nhanh xây dựng đề án này, có cơ chế vượt trội để phát triển. Đồng thời, đi đầu trong phát triển, thử nghiệm các sản phẩm mới, sản phẩm xanh; và là trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo của khu vực.
Theo các chuyên gia, Nghị quyết số 98/2023/QH15 có hiệu lực từ ngày 1/8/2023 đã mở ra một số cơ hội cho TP.Hồ Chí Minh bao gồm quy chế mới trong quản lý ngân sách nhà nước và thí điểm thị trường carbon. Với vị trí chính trị và những ưu đãi trong 5 năm tới, thành phố cần xây dựng các ưu đãi chính sách làm giảm rào cản gia nhập cho tín dụng xanh, thông qua các trợ cấp theo hướng đền bù rủi ro và bảo đảm tài trợ, cũng như hỗ trợ chi phí giao dịch liên quan đến phát hành trái phiếu xanh cho các tổ chức phát hành. Bên cạnh đó, TP.Hồ Chí Minh cần tận dụng các ưu đãi từ Nghị quyết 98 để dẫn dắt dòng vốn quốc tế vào Việt Nam, thông qua việc thúc đẩy giải pháp cải thiện cấu trúc của thị trường và kết nối thị trường trái phiếu xanh và thị trường carbon tự nguyện trong nước với khu vực. Thành phố nên coi đây là một nhiệm vụ quan trọng cho một trung tâm tài chính quốc tế thế hệ mới: xanh hoá và số hoá.
Xây dựng Đề án phát triển thành Trung tâm tài chính quốc tế, TP. Hồ Chí Minh đã xác định 4 nhóm chính sách; xác định lộ trình thực hiện trong các năm 2021 – 2025 là củng cố vị thế TP. Hồ Chí Minh là Trung tâm tài chính quốc gia; giai đoạn 2026 - 2030: Phát triển thành phố thành trung tâm tài chính khu vực; giai đoạn từ năm 2031 trở đi: phát triển thành Trung tâm tài chính toàn cầu. Đề án trung tâm tài chính quốc tế tại TP.Hồ Chí Minh dựa trên 3 trụ cột chính: thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng; thị trường vốn và thị trường hàng hóa phái sinh. Đề án hướng đến việc tạo ra thị trường vốn linh hoạt, uyển chuyển để thu hút các định chế tài chính, nhà đầu tư lớn trên thế giới tham gia.
Tại Diễn đàn Kinh tế TP.Hồ Chí Minh năm 2023 với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0”, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng, với mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế, TP.Hồ Chí Minh đang có điều kiện rất thuận lợi để trở thành “cực thu hút” các nguồn tài chính xanh đang có xu hướng gia tăng hiện nay. Theo đó, Trung tâm tài chính của thành phố phải thuộc thế hệ mới, với tài chính khí hậu, tài chính xanh, tài chính công nghệ đóng vai trò trung tâm. “Cần đầu tư nguồn lực để xây dựng và quảng bá thương hiệu TP.Hồ Chí Minh ở tầm quốc tế, là một siêu đô thị xanh, thông minh, bền vững; điểm đến đầu tư lý tưởng của các tập đoàn, quỹ đầu tư lớn”, ông Vũ đề xuất.