TP. Hồ Chí Minh tạo sự khác biệt trong du lịch đường thủy
Ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh: Hướng đến phát triển bền vững |
TP. Hồ Chí Minh có gần 1.000km đường sông và đây chính là lợi thế rất lớn để khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch sông nước, thu hút du khách. Hiện tại, thành phố đang có các sản phẩm du lịch nội đô như tour tham quan Cần Giờ - lá phổi xanh của thành phố, với các chương trình khám phá bằng đường bộ cũng như đường sông do Lữ hành Saigontourist, Vietravel, Saco, TSTtourist, Chim Cánh Cụt… tổ chức. Ngoài ra, thành phố cũng thường xuyên đón các đoàn khách tàu biển từ Đức, Anh, Mỹ, Australia… đến tham quan, vui chơi.
Thành phố sẽ đẩy mạnh khai thác các giá trị kinh tế du lịch từ hệ thống tài nguyên sông, biển |
Ông Ngô Đặng Quá Hải, Phó phòng Quản lý đường thủy, Sở Giao thông-Vận tải TP.Hồ Chí Minh cho biết, thành phố có mạng lưới giao thông thủy có khả năng khai thác gồm 101 tuyến, với tổng chiều dài là 913km. Đặc biệt là có 4 tuyến đường sông chính tạo thành mạng lưới đường thủy liên kết với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh ĐBSCL.
Đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã khai thác tuyến buýt đường sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông); tuyến du lịch từ Bạch Đằng - bến Đình (huyện Củ Chi) - tỉnh Bình Dương, gồm 2 bến phà, 25 bến khách ngang sông... Các tàu khách quốc tế có thể vào ngay trung tâm thành phố tại khu vực cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, bến Bạch Đằng mà không phải trung chuyển, tạo thuận tiện cho giao thông đường thủy.
Góp ý cho du lịch đường thuỷ ở góc độ doanh nghiệp, ông Phan Xuân Anh, Tổng giám đốc Công ty Du ngoạn Việt, nhận định, hiếm địa phương nào có bến sông nằm ngay vị trí trung tâm thành phố như khu vực Bến Bạch Đằng hay dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có thể trở thành trung tâm trung chuyển khách quốc tế đi tiếp về các tỉnh ĐBSCL, rồi tới Campuchia, Thái Lan... Tuy nhiên, du lịch đường sông của thành phố hiện đang thiếu quy hoạch bài bản và đồng bộ nên chưa thật sự được khai thác hết tiềm năng.
Lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh cũng đặt nhiệm vụ trọng tâm phát triển du lịch đường thủy trong giai đoạn 2023-2024 là cải thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm hiện có. Cụ thể, đó là các nhóm sản phẩm du lịch tầm ngắn (tour trên sông, tuyến du lịch đường thủy nội đô có bán kính dưới 10km); nhóm sản phẩm du lịch tầm trung (tour trên sông có bán kính từ 10km đến dưới 60km) gồm tuyến du lịch Củ Chi (bến Bạch Đằng - sông Sài Gòn - kênh Thanh Đa - sông Sài Gòn - bến Đình, bến Dược thuộc Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi); tuyến du lịch Cần Giờ (bến Bạch Đằng - sông Sài Gòn - sông Nhà Bè - sông Lòng Tàu - sông Dinh Bà - sông Lò Rèn - sông Vàm Sát - sông Soài Rạp).
Tiếp đến, giai đoạn 2024-2025, thành phố đầu tư xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy mới, đồng thời tiếp tục phát huy sức hút của khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ đối với khách du lịch quốc tế, phát triển các tour về nguồn, văn hóa lịch sử kết hợp thưởng ngoạn sông Sài Gòn, tham quan làng nghề, nhà vườn, khu sinh thái...; tăng cường các dịch vụ du lịch ven sông; đa dạng hóa dịch vụ giải trí trên phương tiện thủy; phát triển khách du lịch đường biển (Cruise)…
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết, dự thảo chiến lược phát triển du lịch thành phố đến năm 2030 xác định sản phẩm du lịch đường thủy là đặc thù. Du khách sẽ được trải nghiệm đầy đủ về cảnh quan, kiến trúc, văn hóa, lịch sử và các hệ sinh thái điển hình lưu vực một số con sông lớn là sông Đồng Nai, sông Tiền, sông Hậu và các đảo ven bờ lớn nhất Việt Nam.
Từ những tiềm năng sẵn có và nhu cầu cấp thiết trong việc phát triển ngành du lịch đường thuỷ của thành phố, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khẳng định, lịch sử hình thành và phát triển trong hơn 300 năm qua của thành phố có dấu ấn quan trọng của các dòng sông. Dọc theo các con sông và kênh rạch, các cảng - bến, phố chợ, làng nghề, dịch vụ trên bến dưới thuyền được hình thành và phát triển nhộn nhịp, làm nên đặc trưng riêng có của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định – TP.Hồ Chí Minh. “Thành phố sẽ đẩy mạnh khai thác các giá trị kinh tế du lịch từ hệ thống tài nguyên sông, biển trên địa bàn, hướng đến định vị thương hiệu của một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa… Du lịch TP.Hồ Chí Minh sẽ tập trung tiếp tục khai thác hiệu quả những sản phẩm, dịch vụ này”, ông Mãi khẳng định.