Truy xuất nguồn gốc hàng nông sản: Lợi cả đôi đường
Doanh nghiệp được hỗ trợ truy xuất nguồn gốc | |
Truy xuất nguồn gốc hàng hóa: Tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp | |
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm: Khuyến khích áp dụng QR code |
Hơn 2 năm qua trên cả nước, các hệ thống siêu thị lớn đã đồng loạt triển khai việc truy xuất nguồn gốc hàng nông sản. Chính điều này không những đảm bảo cho DN thực hiện đúng những hàng hóa chất lượng mà đã tạo ra niềm tin lớn của người tiêu dùng vào sản phẩm, qua đó nâng cao sản lượng tiêu thụ. Hà Nội cũng đã cấp hàng nghìn mã QR code cho các DN, cơ sở sản xuất để tiêu thụ trên thị trường. Đây cũng là con đường nhanh nhất để DN sản xuất hàng nông sản đến với người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.
Ngành Nông nghiệp tiếp tục mở rộng tổ chức sản xuất tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao |
Tại siêu thị Big C Thăng Long, chị Nguyễn Mỹ Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, gia đình chị thường xuyên mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm tại siêu thị bởi tiêu chí an toàn. Bởi tất cả các sản phẩm ở siêu thị đều được kiểm tra chất lượng và nhất là có tem truy xuất nguồn gốc mà khách hàng chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR code là có thể tra cứu được toàn bộ thông tin của sản phẩm từ cơ sở sản xuất, ngày gieo hạt, ngày trồng, quy trình chăm sóc, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã được dùng, thời gian cách ly, ngày thu hoạch… Theo đại diện siêu thị Big C Thăng Long, nông sản sạch, đảm bảo chất lượng luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng và cũng chính là tiêu chí của siêu thị trong việc cung cấp các sản phẩm an toàn đến tay khách hàng. Tất cả các sản phẩm của các DN, đơn vị liên kết tiêu thụ tại siêu thị đều phải đảm bảo các tiêu chí từ khâu kiểm nghiệm chất lượng đến nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt, tuân thủ các quy trình về an toàn thực phẩm của Bộ NN&PTNT cũng như các cơ quan quản lý chuyên ngành.
Có thể khẳng định, việc đảm bảo hàng hóa có chất lượng tốt là điều rất quan trọng cho khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay. Do vậy, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang dần trở thành xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc. Theo các chuyên gia, với giải pháp này, doanh nghiệp sản xuất đưa thông tin lên hệ thống từ những khâu đầu của chuỗi sản xuất cho đến khâu đóng gói sản phẩm. Việc áp dụng các biện pháp truy xuất nguồn gốc nông sản còn được xem là giải pháp ưu việt để các đơn vị sản xuất cũng như người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi của mình. Đồng thời việc thực hiện phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thời gian qua đã giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng ngăn chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán trên thị trường…
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện tại cả nước có 1.630 chuỗi nông sản an toàn, 2.991 điểm bán hàng, trong đó, riêng Hà Nội là 141 chuỗi (chiếm 8,8%) với 70 điểm bán sản phẩm chuỗi (chiếm 4%). Đến nay, Sở NN&PTNT đẩy mạnh phát triển mạnh các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, bảo đảm an toàn thực phẩm với các mô hình nuôi trồng theo hướng VietGAP, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, nhằm kiểm soát nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản. Đến nay Hà Nội đã cấp hơn 7.000 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản đủ tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống. Hà Nội cũng sẽ phấn đấu 100% chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố ứng dụng phần mềm sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin đến người tiêu dùng. Đồng thời, tăng tỷ lệ truy xuất nguồn gốc ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ, chợ bán lẻ đạt từ 30 - 50%.
Hiện nhu cầu về chất lượng các sản phẩm nông sản trên cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng là rất lớn. Các HTX, DN kinh doanh các mặt hàng nông sản cũng đã hướng đến sản xuất thực phẩm đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, HACCP… Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần có sự minh bạch hơn về quy trình, nguồn gốc sản phẩm, tức họ cần có thông tin truy xuất nguồn gốc tại tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ DNNVV, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia liên kết, hợp tác trong sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản ứng dụng mã QR code trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Trong giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, ngành Nông nghiệp tiếp tục mở rộng tổ chức sản xuất tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; tăng cường đầu tư cải thiện điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong giết mổ, sơ chế, bảo quản, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm của Hà Nội trên địa bàn và tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thông qua các biện pháp gắn tem truy xuất nguồn gốc khi sản phẩm lưu thông trên thị trường, ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.