Truyền thông chính sách phải đảm bảo đi vào thực tiễn cuộc sống
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh |
TP. Hồ Chí Minh có một thị trường tài chính sôi động nhất nước. Ông được phân công nhiệm vụ người phát ngôn của NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, “lĩnh ấn” ra mặt trận thông tin - truyền thông, hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc với báo chí, điều gì ấn tượng nhất đối với ông trong quá trình công tác vừa qua?
Có thể nói truyền thông có vai trò quan trọng trong việc triển khai cơ chế, chính sách của Chính phủ, NHNN Việt Nam và Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt là các chính sách về hỗ trợ tín dụng, với hiệu ứng tác động rộng lớn đến người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, nhu cầu nắm bắt thông tin cũng như yêu cầu về tính kịp thời và hiệu quả trong công tác truyền thông là rất cao.
Trong điều kiện đó, ấn tượng đối với tôi đó là báo chí phản ứng rất nhanh chóng, kịp thời với nội dung thông tin và phương thức thực hiện đa dạng, phong phú và đa chiều, từ ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước đến ý kiến của người dân, doanh nghiệp, góp phần trực tiếp và hiệu quả đối với công tác triển khai và thực hiện chính sách tiền tệ, tín dụng và ngân hàng trên địa bàn. Hoạt động ấn tượng này của báo chí cũng đồng thời là áp lực, là yêu cầu đối với công tác truyền thông chính sách, công tác triển khai cơ chế chính sách để đảm bảo chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống có hiệu quả. Áp lực đó cũng là động lực cho mỗi cán bộ được giao nhiệm vụ truyền thông với yêu cầu phải hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Ông có thể nói cụ thể hơn, ví dụ như hoạt động truyền thông chủ trương bán vàng miếng SJC can thiệp thị trường?
Hoạt động truyền thông chính sách đối với chủ trương và giải pháp ổn định thị trường vàng của NHNN Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng. Với 2 ý nghĩa mang lại rất tích cực.
Thứ nhất, thông qua hoạt động truyền thông giúp người dân và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng nắm bắt rõ chủ trương, giải pháp và mục tiêu của Chính phủ, của NHNN Việt Nam, góp phần phát huy hiệu quả của giải pháp. Theo đó với giải pháp này, đến nay sau một thời gian ngắn triển khai thì giá vàng đã giảm mạnh và chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã thu hẹp, giá vàng trong nước tiệm cận dần với giá vàng thế giới, đúng như mục tiêu ban đầu của chính sách đặt ra.
Thứ hai, thông qua hoạt động truyền thông, NHNN Việt Nam nắm bắt kịp thời vấn đề phát sinh trên thực tế để điều chỉnh, bổ sung giải pháp kịp thời đảm bảo đạt được mục tiêu với hiệu quả cao nhất. Đồng thời, truyền thông cũng giúp cho người dân và doanh nghiệp nắm bắt chính sách, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về kinh doanh mua bán vàng, từ đó góp phần bảo đảm kỷ cương, kỷ luật thị trường và tạo điều kiện để thị trường phát triển ổn định, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
Phóng viên tác nghiệp trên đường đưa tin vùng lũ ở Lai Châu |
Thưa ông, tôi được biết ông còn là một cây viết với rất nhiều bài báo được đăng trên các báo. Ông có thể chia sẻ, làm sao cân bằng giữa công việc chuyên môn và việc viết báo để giữ được sự khách quan?
Khách quan và chân thực là yêu cầu phản ánh thực tế của báo chí và là giá trị cốt lõi của báo chí. Nhất là đối với hoạt động truyền thông chính sách, chỉ có phản ánh thực tế mới mang lại hiệu quả của chính sách, kết quả chính sách trên thực tế và đặc biệt tính phản biện chính sách để làm tốt hơn. Nhận thức như vậy, tôi viết các bài viết với yêu cầu vừa là thông tin tuyên truyền chính sách, vừa khách quan để có tính tham mưu cũng như phục vụ tốt cho công tác quản lý và hoạt động triển khai cơ chế chính sách của NHNN Việt Nam trên địa bàn thành phố.
Với ý nghĩa đó, trong vai trò thực hiện công tác quản lý, việc viết báo sẽ mang lại “lợi ích” kép là vừa làm tốt nhiệm vụ truyền thông, vừa bổ trợ và học tập rèn luyện để nâng cao kiến thức phục vụ công tác quản lý. Đây là động lực để tôi viết báo và tranh thủ thời gian viết báo. Tôi cũng rất mong các nhà báo chuyên nghiệp hỗ trợ và phối hợp để tôi làm tốt nhiệm vụ được phân công.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ông Lê Thành Trung - Phó tổng giám đốc HDBank: Báo chí là cầu nối giữa ngành Ngân hàng với công chúng Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên chuyển đổi số, với những đổi thay nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, môi trường thông tin ngày càng mở rộng, đa dạng, sức ảnh hưởng ngày càng sâu sắc và cả sự phức tạp. Môi trường ấy càng đòi hỏi vai trò và sự dẫn dắt của báo chí, nhưng đi cùng là cả những thách thức cần vượt lên. Chúng tôi tin tưởng rằng các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo sẽ tiếp tục vững vàng, tiên phong ở vai trò dẫn dắt đó và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cơ quan báo chí ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục phát triển vững mạnh, chung sức cùng toàn Ngành thực hiện xuất sắc nhiệm vụ mà Chính phủ và NHNN giao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc trên cả nước, phát huy vai trò cầu nối giữa ngành Ngân hàng với công chúng. Thay mặt HDBank, tôi xin chúc mừng các cơ quan báo chí, những người làm báo nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024) thật nhiều niềm vui và hạnh phúc. HDBank chân thành gửi lời cảm ơn tới các anh chị, những người làm báo năng động, nhiệt huyết, trí tuệ đã cùng chúng tôi xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, là bệ đỡ đưa thương hiệu, hình ảnh ngân hàng cũng như các sản phẩm dịch vụ hữu ích đến với người dân khắp mọi miền đất nước, góp phần kiến tạo cuộc sống hạnh phúc. Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank: Thông tin kinh tế, tài chính chính thống - chỗ dựa cho bạn đọc Báo chí chính thống của Đảng, Nhà nước truyền tải những chủ trương, chính sách đến với nhân dân, nhưng ở chiều ngược lại còn là cầu nối phản ánh thông tin của người dân, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tài chính đến cơ quan nhà nước. Từ đó, cơ quan quản lý nhà nước có thể lắng nghe tiếng nói của người dân, kịp thời đưa ra những quyết sách đúng và trúng. Trong dòng chảy đó, thông tin về kinh tế, tài chính, ngân hàng có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích của từng gia đình và mỗi cá nhân. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin, nhất là mạng xã hội thông tin nhanh chóng, đa dạng, hấp dẫn ở nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, nhưng theo đó không ít kẻ xấu lợi dụng lòng tin của người dân để đưa những thông tin sai lệch, lừa đảo về đầu tư, tài chính, tác động tiêu cực đến thị trường, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước. Vì vậy, vai trò của kênh thông tin báo chí chính thống là vô cùng quan trọng, là chỗ dựa của người dân về tính chính xác. Báo chí chính thống nói chung đều trực thuộc sự quản lý của nhà nước nên để đưa được thông tin đến với người đọc thì phải kiểm chứng, xác minh tính đúng đắn, rõ ràng, chuẩn xác. Quy trình này sẽ ảnh hưởng đến thời gian truyền tải đến bạn đọc nên không thể nhanh chóng, tức thời như mạng xã hội. Những người làm báo hiểu rõ hơn ai hết tầm quan trọng của tính nhanh chóng, kịp thời đưa thông tin đến bạn đọc, nhưng cũng luôn cẩn trọng để đảm bảo tính khách quan, trung thực, tin cậy. Trước yêu cầu đó, mỗi cơ quan báo chí phải thay đổi, chuyển mình, nắm bắt thị hiếu người đọc, không ngừng sáng tạo. Sự hỗ trợ của phương tiện kỹ thuật hiện đại, các công nghệ mới… đang tạo nên các kênh truyền thông đa phương tiện để bắt kịp xu hướng thời đại, đáp ứng sự tin tưởng của người đọc. Ông Nguyễn Tấn Đạt - Phó tổng giám đốc Tổ chức tài chính Vi mô CEP: Báo chí giúp quảng bá tốt tín dụng vi mô đến người nghèo Trong hoạt động tiếp cận các khách hàng, CEP luôn chú trọng truyền thông các chính sách cho vay đến người nghèo. Với mỗi sản phẩm, dịch vụ tài chính, chương trình cho vay mới hoặc mở các chi nhánh, phòng giao dịch, bên cạnh việc phối hợp với Liên đoàn Lao động ở các tỉnh, thành phố, hội đoàn, tổ chức chính trị - xã hội để tuyên truyền các sản phẩm tiền gửi tiết kiệm và các gói vay vốn theo quy định, CEP còn đặc biệt chú trọng hợp tác với các cơ quan truyền thông báo chí để quảng bá hoạt động cho vay đến người nghèo. Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với các báo, đài của Trung ương, địa phương và bộ, ngành, trong đó có Thời báo Ngân hàng, để thực hiện nhiều tuyến bài và phóng sự truyền hình nhằm quảng bá mô hình hoạt động của CEP và những ưu đãi, hỗ trợ của đơn vị khi triển khai cho vay các khoản tài chính tiêu dùng nhỏ lẻ. CEP phát triển mạnh địa bàn ra các tỉnh lân cận TP. Hồ Chí Minh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An - các địa phương tập trung rất đông công nhân, người lao động nghèo. Vì vậy, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương và các báo, đài tổ chức nhiều buổi tọa đàm, trao đổi về các chủ đề vay vốn tín dụng tiêu dùng cũng như các biện pháp phòng, chống tín dụng đen hoành hành tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và các địa bàn có đông người lao động nhập cư. Thông qua sự phối hợp của các cơ quan thông tấn, báo chí và sự chia sẻ của công đoàn các doanh nghiệp lớn, hoạt động tuyên truyền chính sách tín dụng tiêu dùng của CEP đã đến được với hàng trăm nghìn người lao động nghèo, giúp họ nâng cao nhận thức về các chính sách cho vay của những tổ chức tín dụng chính thống, giảm tránh tối đa các trường hợp bị dụ dỗ, lôi kéo vào các tổ chức tín dụng đen núp bóng công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô để cho vay nặng lãi và khủng bố đòi nợ. Ông Nguyễn Đình Tùng - Thành viên HĐQT OCB: Báo chí chính thống là nơi chuẩn hóa, nắn dòng thông tin chuẩn mực Báo chí là kênh cung cấp mọi mặt thông tin, đa chiều không chỉ là con số, dữ liệu mà cả góc nhìn, đánh giá khác nhau của các chuyên gia, khách hàng, cơ quan quản lý chuyên ngành. Đối với những người điều hành ngân hàng, thông tin đóng vai trò rất quan trọng. Có thể nói, trong hoạt động của ngành Ngân hàng, cơ quan báo chí nhất là báo chuyên ngành như Thời báo Ngân hàng là nơi có thể nói là cung cấp thông tin đáng tin cậy nhất trong giai đoạn hiện nay. Báo chí cũng là diễn đàn để chính những người làm ngân hàng có thể nói lên tiếng nói đồng thời tương tác với luồng thông tin khác nhau từ xã hội, cộng đồng, khách hàng của mình. Bên cạnh chiều tiếp nhận thông tin, thông qua báo chí, ngân hàng được truyền tải ý kiến, thông điệp của mình một cách chính thức ra bên ngoài. Báo chí có vai trò quan trọng trong quyết định chính sách từ cơ quan quản lý. Nhất là, trong giai đoạn vừa qua, kinh tế biến động phức tạp tác động đời sống kinh tế xã hội, theo đó là hàng loạt chính sách quy định mới được ra đời. Dù được nghiên cứu nhưng khi đưa ra quyết định mới, các cơ quan quản lý chưa thể đánh giá hết tác động của chính sách. Mà phải qua một thời gian chính sách thẩm thấu vào từng ngành, nghề lĩnh vực trong nền kinh tế, những người chịu tác động bởi quyết định trên có bị ảnh hưởng, hay gặp khó khăn mới bộc lộ ra. Báo chí là kênh phản ánh sự tác động đấy để giúp cơ quan ban hành xem xét duy trì hay điều chỉnh chính sách đó cho phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, hiện nay môi trường thông tin rất khác so với trước đây nhất là khi mạng xã hội phát triển với nhiều thông tin xuyên tạc, bóp méo sự thật. Hệ thống báo chí chính thống là nơi chuẩn hoá thông tin đó giúp cho tất cả các bên người quản lý, người làm chính sách, người làm kinh doanh có cách nhìn nhất quán đúng đắn về một vấn đề nào đấy trong xã hội cũng như là vấn đề của nền kinh tế. Thời gian vừa qua, báo chí đã tham gia rất tích cực, nhất là phản ánh kịp thời vấn đề nóng. Ở đây vấn đề nóng không chỉ là vấn đề tiêu cực của xã hội mà là những vấn đề trọng tâm của đất nước cần tập trung để phát triển. Hoạt động kinh tế đang trong quá trình thay đổi liên tục thậm chí thay đổi rất nhanh đòi hỏi các quy định pháp luật có sự thích ứng với đời sống thực tế. Theo đó, báo chí cần tiếp tục phát huy vai trò như tấm gương phản ánh các vấn đề một cách trung thực, chính xác, rõ ràng nhất; tạo ra kênh thông tin mà các cơ quan quản lý chính sách có thể điều chỉnh chính sách cho phù hợp nếu các quy định đi vào cuộc sống có vướng mắc, bất cập. Thêm nữa báo chí cũng nên mở rộng tiếp cận theo nhiều cách khác nhau với doanh nghiệp, ngân hàng. Chẳng hạn, đối với ngành Ngân hàng, Thời báo Ngân hàng nên mở thêm diễn đàn để có thể tương tác thường xuyên hơn với các TCTD để làm sao không còn rào cản giữa doanh nghiệp với báo chí như người bạn đồng hành, cởi mở có thể trao đổi thoải mái chia sẻ thông tin. |