Tự tin, bản lĩnh, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành
Không chủ quan lơ là
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định tiếp tục nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lên 3-3,25%, mức cao nhất kể từ đầu năm 2008; Đây là lần thứ 3 liên tiếp Fed tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, hai lần trước đó diễn ra vào các cuộc họp tháng 6 và tháng 7 năm nay. Cùng với quyết định tăng lãi suất, Fed cũng phát tín hiệu kỳ vọng lãi suất sẽ đạt 4,4% vào cuối năm và chạm mức 4,6% trong năm 2023. Điều đó có nghĩa là cơ quan này sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới.
Mặc dù, quyết định nâng lãi suất lần này của Fed đã được dự báo từ khá sớm nên không gây bất ngờ, song nó cũng sẽ có những tác động nhất định đến Việt Nam. Bởi vậy, đây cũng là một trong những nội dung quan trọng được đề cập đến tại phiên họp Chính phủ sáng ngày 22/9 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.
Chính phủ ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng |
Theo đánh giá của Thủ tướng Phạm Minh Chính, phản ứng chính sách của các nước đã tác động tới tỷ giá, lãi suất, tín dụng, giá trị đồng tiền của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh: dứt khoát không hoang mang, dao động nhưng cũng không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Thay vào đó, cần chủ động nắm bắt tình hình, tự tin, bản lĩnh, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành. Mục tiêu là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, đây là ưu tiên xuyên suốt, vừa trước mắt, vừa lâu dài. Về định hướng chính sách, Thủ tướng nêu rõ, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Theo đó, NHNN điều hành chủ động, linh hoạt bằng các công cụ tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng... Đồng thời, tích cực đẩy mạnh hỗ trợ lãi suất 2%; đẩy mạnh công tác truyền thông, tránh tâm lý kỳ vọng, tiêu cực. NHNN nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
Kiên định nhưng phải linh hoạt
Về động thái Fed tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, TS. Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế nhận định, sẽ gây áp lực khá lớn lên chính sách tiền tệ của Việt Nam. Hiện tại, chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng đang đối mặt với “tam giác bất khả thi” - mối quan hệ giữa chính sách lãi suất - chính sách tỷ giá hối đoái - dòng vốn nước ngoài. “Đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chủ trương giữ ổn định cả lãi suất lẫn tỷ giá hối đoái. Thế nên áp lực đó buộc Việt Nam bước vào một giai đoạn khó khăn, là lựa chọn giữ ổn định lãi suất hay giữ ổn định tỷ giá hối đoái”, TS. Vũ Đình Ánh nhìn nhận.
Liên quan đến vấn đề tỷ giá, lãi suất, TS.Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Việt Nam đánh giá, thời gian vừa qua, NHNN đã làm tốt việc giữ tỷ giá trung tâm khoảng 0,6% và cho thị trường dao động trong biên độ cộng trừ 3%. Nhờ đó, sự lan truyền của lạm phát cao đến Việt Nam đã bị ngưng lại bởi “phòng tuyến tỷ giá”. Chính vì vậy, Việt Nam phải giữ cho bằng được ổn định tỷ giá. “Đây là “phòng tuyến sông Cầu”, nếu vỡ phòng tuyến này thì lạm phát sẽ tràn vào”, vị chuyên gia này khuyến cáo. Đối với hướng điều hành lãi suất, TS. Phước cho rằng, tăng lãi suất là công cụ để chống lạm phát. Thường khi lãi suất tăng lên, thì cầu giảm, đó là điều mong muốn để hạ bớt cầu về tín dụng ở các quốc gia đang có lạm phát cao. Bên cạnh đó, sẽ làm dịu bớt thị trường lao động nóng. Ngoài ra, suy cho cùng động thái này là làm cho đồng nội tệ tăng lên, vì hễ lãi suất tăng thì tỷ giá sẽ giảm xuống. Việt Nam cũng như vậy, muốn cho VND tăng giá, NHNN chỉ cần tăng lãi suất lên thì VND sẽ tăng giá, USD sẽ giảm giá.
Cũng theo vị chuyên gia này, khi Fed tiếp tục tăng lãi suất và đạt mức 4 - 4,25% cuối năm nay, mà chúng ta vẫn giữ trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức 4%/năm là chưa phù hợp. “NHNN nên tăng trần lãi suất huy động để tạo nên một điểm hoán đổi tiền tệ giữa đồng USD và VND”, ông Phước khuyến nghị.
Trước thay đổi trên, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, cần theo dõi sát sao, đánh giá tác động cùng với giải pháp cụ thể theo kịch bản… “Khả năng điều hành nghệ thuật, khôn khéo, kịp thời, linh hoạt, phù hợp và đồng bộ của các nhà hoạch định chính sách hiện nay là rất quan trọng. Tôi tin là Việt Nam chúng ta đang đi theo hướng này”, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ quan điểm.
Giới chuyên gia nhận định, mặc dù thời gian sắp tới điều hành chính sách tiền tệ gặp khó khăn, nhưng với kinh nghiệm, sự linh hoạt khéo léo trong điều hành, NHNN tiếp tục kiên kịnh thực hiện các chính sách như thời gian vừa qua, đồng thời phối hợp tốt với các chính sách khác, nhất là tài khóa sẽ đảm bảo vừa kiểm soát tốt tỷ giá, lãi suất vừa góp phần kiềm chế lạm phát. “Điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian qua rất chắc tay. Nếu tiếp tục duy trì như thế chúng ta sẽ đưa lạm phát về mức thấp. Như vậy, chúng ta phải kiên định giữ được tỷ giá, nhưng kiên định không có nghĩa là cứng nhắc mà phải linh hoạt để nó phù hợp với thị trường”, ông Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhìn nhận.
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ ngày 22/9, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong bối cảnh đồng tiền nhiều nước mất giá rất mạnh so với đồng USD, thì đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới. Thống đốc cho rằng, thách thức lớn nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô vẫn là kiểm soát lạm phát, dù các tổ chức quốc tế đều đánh giá năm 2022, Việt Nam có thể kiểm soát lạm phát dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra. “Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, NHNN sẽ kiên trì các giải pháp theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng “ổn định không có nghĩa là cố định” mà theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp tình hình”, Thống đốc khẳng định.
NHNN điều chỉnh tăng lãi suất điều hành Ngày 22/9/2022, Thống đốc NHNN Việt Nam đã ký ban hành Quyết định số 1607/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng bằng đồng Việt Nam là 0,5%/năm; Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,0%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm. Quyết định số 1607/QĐ-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/9/2022 và thay thế Quyết định số 1729/QĐ-NHNN ngày 30/9/2020 của Thống đốc NHNN. Cùng ngày, Thống đốc NHNN cũng ký ban hành Quyết định số 1606/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo Quyết định số 1606/QĐ-NHNN quy định, lãi suất tái cấp vốn: 5,0%/năm; Lãi suất tái chiết khấu: 3,5%/năm; Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 6,0%/năm. Quyết định số 1606/QĐ-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/9/2022 và thay thế Quyết định số 1728/QĐ-NHNN ngày 30/9/2020 của Thống đốc NHNN. |