Từng bước hiện thực hoá eKYC
Ngân hàng số phải là vấn đề chiến lược | |
Lá chắn thép cho ngân hàng số |
Theo đó, thay vì định danh khách hàng bằng gặp mặt trực tiếp, đối chiếu giấy tờ tuỳ thân, e-KYC sẽ định danh khách hàng từ xa bằng phương thức điện tử dựa trên công nghệ như xác thực sinh trắc học, nhận diện khách hàng qua trí tuệ nhân tạo (AI), đối chiếu thông tin cá nhân được liên thông với cơ sở dữ liệu tập trung định danh khách hàng...
Tại Nghị định số 87/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống rửa tiền có điểm sửa đổi liên quan tới việc triển khai e-KYC khi đã cho phép ngân hàng được quyết định gặp mặt hoặc không gặp mặt khách hàng lần đầu khi thực hiện các giao dịch liên quan đến công nghệ mới. Điều này đã khiến các nhà băng “phấn khởi” hơn trong tiến trình chuyển đổi số ngân hàng.
e-KYC là “vé gửi xe” của ngân hàng trong chuyển đổi số |
Bà Phùng Nguyễn Hải Yến - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho rằng, việc xây dựng khung pháp lý cho e-KYC, xác minh ID tức thời, lưu trữ tài liệu điện tử, song song với đó xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu, dẫn dắt xã hội thanh toán không tiền mặt bằng việc số hoá hệ thống thanh toán liên quan đến Chính phủ (như thuế, dịch vụ công)... là vô cùng quan trọng.
Để có thể thực hiện được e-KYC, một trong những điều kiện thiết yếu là phải có hệ thống dữ liệu quốc gia. Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Dự án Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an tổ chức, Bộ Công an đặt mục tiêu xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bảo đảm tiến độ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, phấn đấu cơ bản hoàn thành xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cho công dân trước ngày 1/12/2020, hoàn thành toàn bộ Dự án trước ngày 30/4/2021. Việc hoàn thành được Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính, là cơ sở để cung cấp, phát triển các cơ sở dữ liệu của các ngành, các cấp; nâng cao chất lượng quản lý nhà nước...
Một chuyên gia tài chính nhận thấy, hoàn thiện được Cơ sở Dữ liệu quốc gia là một công việc khá đồ sộ, nhưng sau đó, thì điều quan trọng nữa là “có chủ trương, chính sách cho phép Cơ sở Dữ liệu quốc gia được chia sẻ, kết nối mở với các ngành dịch vụ trong nước như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm... để thúc đẩy phát triển dịch vụ ngân hàng số, tài chính số, góp phần cho tài chính toàn diện quốc gia”. Thực tế, có quốc gia đã xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về sinh trắc học của phần đông dân số, cung cấp API để các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khai thác thông tin này, nhằm xác thực khách hàng trong các giao dịch.
Theo vị này, nếu có cơ chế trao đổi dữ liệu trực tuyến giữa ngành Ngân hàng và Cơ sở dữ liệu quốc gia để nhận diện, xác thực danh tính sẽ vô cùng thuận lợi để các ngân hàng ứng dụng và thử nghiệm các loại hình công nghệ mới, đánh giá được hiệu quả của công nghệ trước khi cho triển khai nhân rộng. Tất nhiên, yếu tố bảo mật, an toàn thông tin phải được đặt lên hàng đầu.
Trước khi chờ cơ chế để có thể chia sẻ dữ liệu, chuyên gia cho rằng bản thân mỗi ngân hàng cũng nên chủ động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào hoạt động, số hoá quy trình nghiệp vụ và kênh tiếp cận, phân phối sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng, làm sao để ngày càng đơn giản hoá, thuận tiện cho khách hàng, nâng cao hiệu quả vận hành của ngân hàng song vẫn phải đảm bảo yếu tố an toàn.
Đơn cử như TPBank, LiveBank của nhà băng này đã rất thành công nhiều năm qua, và cuối năm 2019 TPBank cho ra mắt ứng dụng thông minh eBank X - phiên bản nâng cấp, đổi mới hoàn toàn so với phiên bản Internet Banking trước đó. Trong rất nhiều ưu điểm vượt trội thì ứng dụng này còn giúp khách hàng có thể chủ động trong việc sử dụng các phương thức xác thực khác nhau, giá trị giao dịch nhỏ có thể xác thực qua các yếu tố sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt) hay với những giao dịch lớn hơn thì sử dụng eTOKEN.
TPBank cũng là ngân hàng tiên phong trong sử dụng giọng nói để xác thực khách hàng trên nhiều nền tảng. Phương thức đăng nhập và xác thực sinh trắc học là công nghệ sử dụng nhận diện vân tay hoặc khuôn mặt để đăng nhập, xác thực các giao dịch trên ứng dụng Mobile Banking giúp khách hàng chỉ mất vài giây để thao tác, bỏ qua công đoạn nhập mật khẩu, không cần phải nhớ mật khẩu. Tính năng này nâng cao an toàn bởi chỉ có vân tay hoặc khuôn mặt của chính người dùng. Công nghệ xác thực bằng sinh trắc học thông qua vân tay hoặc nhận diện khuôn mặt cũng đã được nhiều nhà băng triển khai như BIDV, MSB, VietinBank, Vietcombank...
Hay như tại OCB, đại diện ngân hàng này cũng thông tin, OCB đã sẵn sàng triển khai ngay eKYC khi NHNN chính thức cho phép áp dụng eKYC. Được biết, OCB hiện cũng đang triển khai dự án về xác nhận giấy tờ tuỳ thân bằng công nghệ OCR, công nghệ nhận diện khuôn mặt, xác minh thông tin bằng các hệ thống dữ liệu nội bộ và đối tác thông qua API trong quá trình mở tài khoản để xác minh khách hàng hiệu quả hơn.