Tỷ giá sáng 19/2: Tỷ giá trung tâm tăng phiên đầu tuần
Điều hành CSTT hiệu quả, góp phần quan trọng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô Nhật Bản đánh mất vị trí nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới |
Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.979 đồng, tăng 8 đồng so với phiên trước.
Hiện Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước chưa niêm yết tỷ giá mới, giá bán USD ở mức 25.119 VND/USD và giá mua ở mức 23.400 VND/USD.
Trong khi đó, giá mua - bán đồng bạc xanh tại tất cả các ngân hàng được điều chỉnh tăng với biên độ phổ biến từ 60-90 đồng so với phiên trước.
Cụ thể, tính đến 9h sáng nay, giá mua USD thấp nhất đang ở mức 24.285 VND/USD (cao hơn 95 đồng), giá mua cao nhất đang ở mức 24.360 VND/USD (cao hơn 60 đồng). Ở chiều bán ra, giá bán thấp nhất đang ở mức 24.660 VND/USD (cao hơn 60 đồng), giá bán cao nhất đang ở mức 24.780 VND/USD (cao hơn 70 đồng).
Chỉ số đô la Mỹ (DXY), đo lường biến động của bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), hiện ở mức 104,226 điểm, giảm nhẹ 0,054 điểm so với thời điểm mở cửa.
Đồng USD duy trì ổn định khi dữ liệu cho thấy cả giá sản xuất và giá tiêu dùng của Mỹ đều tăng hơn dự kiến trong tháng 1. Việc lạm phát của Mỹ vẫn duy trì ở mức cao khiến các nhà đầu tư nghi ngờ về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu chu kỳ nới lỏng.
Công cụ FedWatch của CME cho thấy, thị trường hiện đang đặt cược rằng Fed có thể bắt đầu nới lỏng lãi suất vào tháng 6, muộn hơn so với thời điểm tháng 3 được đưa ra vào đầu năm.
Bên cạnh đó, thị trường cũng kỳ vọng Fed nới lỏng lãi suất ít hơn 100 điểm cơ bản, mức thấp hơn so với kỳ vọng cắt giảm 150 điểm cơ bản dự kiến vào đầu năm.
Các chiến lược gia của Citi cho biết, dữ liệu kinh tế tuần trước đã xác nhận rằng kinh tế Mỹ vẫn chưa thể hạ cánh mềm. Doanh số bán lẻ giảm và số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tiếp tục gia tăng đều cho thấy nền kinh tế Mỹ đang suy yếu.
“Lạm phát cao hơn khiến Fed càng khó phản ứng hơn bằng cách hạ lãi suất, làm tăng thêm khả năng xảy ra suy thoái”, các chiến lược gia của Citi nhận định.
Trọng tâm của nhà đầu tư trong tuần này sẽ tập trung vào biên bản cuộc họp của Fed từ tháng trước, dự kiến phát hành vào thứ Tư. Một số quan chức Fed bao gồm Thống đốc Fed Christopher Waller và Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic cũng sẽ phát biểu trong tuần này.
Christopher Wong, chiến lược gia tiền tệ tại OCBC cho biết, phần lớn sự điều chỉnh trên thị trường có thể đã diễn ra và kỳ vọng đồng đô la sẽ củng cố trong trường hợp không có chất xúc tác mới.
Ở châu Á, đồng yên tăng 0,17% lên mức 149,95 yên đổi một USD, nhưng vẫn giảm 6% trong năm. Trong khi so với đồng euro, đồng yên dao động quanh mức thấp nhất trong 3 tháng là 161,925 yên đổi một euro.
Đồng yên bám sát mức tâm lý quan trọng 150 yên đổi một USD trong vài ngày qua, khiến giới chức Nhật Bản phải đưa ra bình luận về biến động tiền tệ, khiến thị trường cảnh giác trước sự can thiệp có thể diễn ra của giới chức Nhật Bản.
Marc Chandler, chiến lược gia trưởng thị trường tại Bannockburn Global Forex cho biết, các quan chức của Bộ Tài chính Nhật Bản đã thực hiện bước đầu tiên trên thang leo thang can thiệp bằng cách cảnh báo những động thái nhanh chóng có thể diễn ra trong bất kỳ thời điểm nào.
Chandler nhận định nhiều khả năng đồng yên sẽ tiếp tục suy giảm và có thể kiểm tra mức thấp nhất của năm trước là 152 yên đổi một USD.
Ở những nơi khác, đồng euro tăng 0,04% lên mức 1,0781 USD.
Bảng Anh giao dịch ở mức 1,2615 USD, tăng 0,1%.
Được biết, đồng bảng Anh đã tăng vào thứ Sáu tuần trước sau khi dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ của Anh tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 3 năm vào tháng 1, mặc dù điều đó không làm thay đổi kỳ vọng xung quanh triển vọng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE).
Các thị trường vẫn dự đoán BoE sẽ cắt giảm lãi suất 64 điểm cơ bản trong năm nay.
Đô la Australia tăng 0,15% lên mức 0,6541 USD.
Đô la New Zealand giao dịch ở mức 0,6135 USD, tăng 0,2%.