VAMC đặt kế hoạch xử lý 34.504 tỷ đồng dư nợ gốc
Ảnh minh họa |
Theo đó trong năm 2017, VAMC đã thực hiện mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt đối với 565 khoản nợ từ 414 khách hàng thuộc 14 tổ chức tín dụng với tổng dư nợ gốc đạt 32.377 tỷ đồng, giá mua đạt 31.831 tỷ đồng.
Lũy kế từ tháng 10/2013 đến 31/12/2017, VAMC đã mua 26.221 khoản nợ với tổng dư nợ gốc nội bảng là 307.932 tỷ đồng, giá mua nợ là 277.755 tỷ đồng.
Đối với nợ xấu mua theo giá trị thị trường, VAMC đã ký kết hợp đồng với 5 tổ chức tín dụng để mua khoản nợ của 6 khách hàng với tổng giá trị mua nợ 3.141,07 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch mua nợ thị trường được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt đầu năm và phê duyệt điều chỉnh.
Sau khi tiến hành đánh giá, phân loại sơ bộ các khoản nợ từ đầu năm 2017, VAMC cùng các tổ chức tín dụng triển khai các biện pháp xử lý và thu hồi được 30.641 tỷ đồng nợ; lũy kế từ năm 2013 đến 31/12/2017 thu hồi được 81.656 tỷ đồng nợ. Cũng trong năm 2017, VAMC đã bán 865 khoản nợ của 731 khách hàng với giá bán nợ là 6.472 tỷ đồng; bán tài sản bảo đảm với giá bán 4.865 tỷ đồng.
Cùng với đó, VAMC đã điều chỉnh lãi suất cho 29 khách hàng với dư nợ gốc được điều chỉnh là 249 tỷ đồng; miễn, giảm lãi/phí cho 386 khách hàng với số tiền miễn giảm lãi là 1.294 tỷ đồng; cơ cấu lại thời gian trả nợ cho 4 khách hàng với dư nợ gốc được cơ cấu lại thời gian trả nợ là 231 tỷ đồng.
Năm 2018, VAMC đặt kế hoạch mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt với tổng giá trị trái phiếu phát hành tối đa là 32.000 tỷ đồng. VAMC sẽ mua nợ xấu theo giá trị thị trường là 3.500 tỷ đồng; xử lý 34.504 tỷ đồng dư nợ gốc.
Để đạt được kết quả trên, VAMC đã đưa ra hàng loạt giải pháp thực hiện như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thường xuyên ghi nhận các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động để đó các kiến nghị, giải pháp kịp thời, tích cực tham gia góp ý để hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý…
Đặc biệt, để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, VAMC đề nghị Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về các nội dung:
Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thủ tục chuyển nhượng tài sản bảo đảm của các khoản khoản nợ xấu là dự án bất động sản đang dở dang.
Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc áp dụng các thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án.
Tiếp tục hoàn thiện các quy chế nội bộ của VAMC phù hợp với các quy định mới của Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu.
Tại Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Tiến Đông – Chủ tịch HĐTV VAMC cho biết, để xử lý nợ xấu nhanh, thực chất và hiệu quả cần nguồn lực rất lớn cả về vốn, con người và cơ chế chính sách, trong đó đặc biệt về vốn.
Từ năm 2018, với định hướng tập trung đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ xấu theo giá thị trường, các TCTD đã đăng ký bán nợ thị trường cho VAMC với tổng số nợ dự kiến bán khoảng 20.000 tỷ đồng. Trong khi với vốn điều lệ hiện có của VAMC là 2.000 tỷ đồng thì chưa đáp ứng được một phần nhu cầu bán nợ của các TCTD.
Vì vậy, VAMC đề nghị Chính phủ, NHNN cấp bổ sung đủ vốn điều lệ cho VAMC đạt mức 5.000 tỷ đồng đến hết năm 2018 và mức 10.000 tỷ đồng đến hết năm 2020. Qua đó đẩy nhanh công tác xử lý nợ xấu thực chất và hiệu quả hơn, góp phần thực hiện thành công Đề án Cơ cấu lại các hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1058.