Chú trọng bảo tồn, phát huy di sản tiền Việt Nam
Hội thảo khoa học Dự án trọng điểm cấp Ngành “Lịch sử đồng tiền Việt Nam - Quá trình hình thành và phát triển” | |
Chuyện những người vẽ tiền |
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội thảo |
Ý nghĩa lý luận và thực tiễn lớn
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú - Chủ nhiệm dự án cho biết, tiền Việt Nam đã có lịch sử gần một nghìn năm với bao thăng trầm và thay đổi. Trải qua chiến tranh và thời gian, các tài liệu, thư tịch liên quan, hoặc ghi chép về tiền Việt Nam đến nay còn khiêm tốn. Ý thức sưu tầm và nghiên cứu về tiền Việt Nam chỉ mới được quan tâm khi đất nước giành được Chính quyền Cách mạng (năm 1945) với Sắc lệnh Bảo tồn cổ tích trên toàn cõi Đông Dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 23/11/1945.
Những năm sau đó, những đồng tiền Việt Nam mới được các cơ quan chức năng chú ý sưu tầm, gìn giữ; khoảng cuối thế kỷ XX, xuất hiện những người có lòng đam mê bước vào công việc sưu tầm tiền. Hiện nay, trên cả nước đã có nhiều nhà sưu tầm tiền tư nhân với nhiều bộ sưu tập quý hiếm.
Mặc dù cho đến nay, đã có một số công trình nghiên cứu, xuất bản của các nhà khoa học, các nhà sưu tập tiền tư nhân, nhưng đề tài thường chỉ tập trung nghiên cứu chuyên về tiền kim loại hoặc chuyên về tiền giấy của một giai đoạn lịch sử nhất định. Một số chuyên khảo về tiền đã được công bố ở trong và ngoài nước bằng tiếng Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nhật Bản; một số cuốn sách, bài viết nghiên cứu, giới thiệu về các phát hiện tiền được xuất bản như các tập san, thông báo khoa học của Viện Khảo cổ học, Viện Sử học, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia... Tuy nhiên, ở nước ta vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu đầy đủ về lịch sử hình thành và phát triển các đồng tiền Việt Nam khiến cho sự hình dung toàn cảnh bức tranh tiền tệ Việt Nam còn có nhiều khoảng trống.
Những năm qua, NHNN đã có sự quan tâm đáng kể trong việc sưu tầm, phổ biến, bảo tồn và phát huy di sản tiền Việt Nam. Năm 2016, NHNN đã xây dựng Phòng
Trưng bày Tiền Việt Nam phục vụ khách tham quan trong Ngành, các đoàn khách đến làm việc với NHNN. Với chức năng quản lý nhà nước về phát hành tiền, NHNN thực hiện Dự án nghiên cứu “Lịch sử đồng tiền Việt Nam - Quá trình hình thành và phát triển” với mục đích tập hợp, hệ thống hóa tư liệu một cách khoa học, có tính chất duy vật biện chứng và lịch sử về các đồng tiền Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử từ thời Vua Đinh Tiên Hoàng năm 968 đến nay, nhằm làm rõ quá trình hình thành, tồn tại và kết thúc vai trò lịch sử của những đồng tiền Việt Nam trong mỗi giai đoạn đã từng tồn tại trong gần một nghìn năm qua.
Dự án nghiên cứu “Lịch sử đồng tiền Việt Nam - Quá trình hình thành và phát triển” là công trình khoa học trọng điểm cấp Ngành có giá trị khoa học và thực tiễn lớn; không chỉ là công trình lịch sử chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập Ngành, mà còn là nguồn tài liệu quan trọng, được hệ thống hóa có tính giáo khoa, góp phần tuyên truyền, quảng bá các giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế về đồng tiền Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử dân tộc hơn một nghìn năm...
Kế thừa và phát huy
Các thành viên thực hiện dự án gồm một số nhà nghiên cứu thuộc NHNN phối hợp với các nhà sưu tầm tiền với những bộ sưu tập tiền chưa từng được công bố. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh: Quan điểm nghiên cứu, xây dựng dự án là sự tham gia, tổng hợp các kiến thức hàn lâm, kiến thức nghiên cứu khoa học và kiến thức thực tiễn của các nhà nghiên cứu, các nhà sưu tầm cũng như của các nhà quản lý đối với sự độc lập nghiên cứu, đảm bảo không vi phạm về bản quyền và có tính kế thừa, công khai và từ nguồn tư liệu chính thống.
Chia sẻ tại hội thảo,TS. Phạm Quốc Quân - nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia cho rằng, để có thể thực hiện được dự án này thực sự là một công việc khó khăn, nhiều thách thức mà nếu không phải là NHNN và Phó Thống đốc NHNN chủ trì thì rất khó thực hiện được. Cũng theo TS. Quân, còn rất nhiều tài liệu hiện chưa được giải mật nên việc khai thác cũng còn khó khăn, tuy nhiên dự án đã quy tụ được một lượng tư liệu có giá trị về tiền Việt Nam được hệ thống qua các thời kỳ.
Ông cũng đánh giá, so với những bản thảo trước, nhóm các tác giả thực hiện đã có bước tiến khá dài, khi những ý kiến góp ý trước đây đã được bổ sung, dù còn những hạn chế nhất định trong việc cập nhật các tài liệu về mặt lịch sử, kinh tế.
Đồng tình với chia sẻ của TS. Phạm Quốc Quân, Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng góp ý thêm về cách tiếp cận, khai thác nội dung tập trung của dự án. Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến tới từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà sử học... đều đánh giá cao công trình nghiên cứu, đồng thời nhận định đây là một hội thảo được chuẩn bị kỹ lưỡng, có giá trị cao.
Cảm ơn trước những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự cũng như những công sức, nhiệt huyết mà các nhà nghiên cứu, nhà lịch sử… đã hỗ trợ dự án nghiên cứu, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng những điều này sẽ giúp nhóm nghiên cứu thêm quyết tâm cao hơn hoàn thành dự án này. Những ý kiến tham gia góp ý là rất thiết thực trên nhiều khía cạnh, kể cả về nội dung và tính nghệ thuật - đây là cơ sở để nhóm nghiên cứu dự án có thêm căn cứ khoa học tiếp tục bổ sung, hoàn thiện bản thảo trước khi đưa ra nghiệm thu.
Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh, dự án khi hoàn thành sẽ là cơ sở để hình thành bộ Cẩm nang tra cứu về tiền Việt Nam, cũng như góp phần giám định các đồng tiền phát hiện trên đất nước Việt Nam - một sản phẩm để lại cho các thế hệ đi sau, để hiểu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc, trong đó có lịch sử về đồng tiền Việt Nam kể từ khi hình thành một quốc gia độc lập.