Văn Chấn phát huy nội lực
Trung tâm huyện đặt tại xã Sơn Thịnh, cách thành phố Yên Bái 72 km, cách Thủ đô Hà Nội hơn 200 km. Quốc lộ 32 kết nối Văn Chấn với các huyện: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Trấn Yên và các tỉnh: Sơn La, Phú Thọ, Lai Châu.
Do điều kiện tự nhiên nên Văn Chấn chia thành 3 vùng kinh tế: Vùng trong gồm 11 xã, thị trấn trải dài từ xã Sơn Lương đến xã Đồng Khê, diện tích tự nhiên trên 16.000 ha, chiếm 13,62% diện tích toàn huyện. Đất đai vùng này tương đối bằng phẳng, có cánh đồng Mường Lò rộng trên 2.400 ha đứng thứ hai của Tây Bắc. Vùng ngoài gồm 08 xã và 01 thị trấn, diện tích tự nhiên trên 53.000 ha, chiếm 44,25% diện tích toàn huyện, có lợi thế về phát triển vườn đồi, vườn rừng và trồng lúa nước.
Ông Trần Văn Mộc (giữa), Bí thư Huyện uỷ Văn Chấn kiểm tra cánh đồng SX lúa đặc sản |
Vùng cao nằm và phía Tây của huyện, gồm 10 xã có diện tích tự nhiên gần 51.000 ha, chiếm 42,13% tổng diện tích tự nhiên của huyện. Độ cao trung bình 600 m trở lên, có tiềm năng về phát triển cây công nghiệp: Cao su, quế và các loại cây lâm nghiệp, có nhiều đồng cỏ để chăn nuôi đại gia súc. Các loại khoáng sản tập trung ở vùng này như: Sắt, chì, kẽm, đồng, vàng, đá vôi, cát, sỏi, than đá, than antraxit và bán antraxit, than bùn... là những nguyên liệu cho phát triển ngành công nghiệp nặng.
Ngoài ra, Văn Chấn có nguồn nước khoáng tương đối dồi dào, chiếm tới 61,5% tổng số nguồn, trong đó có đến 50% số nguồn có thành phần đặc hiệu brôm - iốt, tập trung chủ yếu tại các xã Sơn Thịnh, Sơn A, Sơn Lương, Đồng Khê, Phù Nham, Gia Hội và Tú Lệ là điều kiện cho phát triển du lịch tắm suối nước khoáng.
Văn Chấn có trên 4.000 ha lúa nước 2 vụ, từ lâu cánh đồng Mường Lò nổi tiếng là “vùng gạo trắng nước trong”, với những loại gạo ngon nổi tiếng như: Séng Cù, Chiêm hương, Japonica... Đặc biệt, nếp thơm Tú Lệ với diện tích hơn 80 ha hàng năm cung cấp hàng trăm tấn gạo cho các siêu thị. Tổng diện tích chè của Văn Chấn 4.500 ha, chiếm 1/3 diện tích chè của tỉnh Yên Bái. Sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 45.000 tấn.
Ngoài ra, Văn Chấn có có vùng chè cổ thụ Suối Giàng trên 300 ha. Cây chè cổ thụ Suối Giàng được coi thuỷ tổ của cây chè thế giới. Thương hiệu chè Suối Giàng là thương hiệu chè nổi tiếng của Việt Nam Hơn chục năm trở lại đây, Văn Chấn chú trọng phát triển vùng cây ăn quả, hiện đã có 2.000 ha cây ăn quả với sản lượng hàng năm đạt trên 12.000 tấn. Đã hình thành vùng cây ăn quả có múi với trên 1.000 ha tại các xã: Minh An, Nghĩa Tâm, Thượng Bằng La, Cát Thịnh và thị trấn Trần Phú.
Văn Chấn có 62.647 ha đất rừng, trong đó diện tích rừng trồng trên 16.000 ha, nguồn nguyên liệu quan trọng phục vụ công nghiệp chế biến gỗ. Đại sứ Tây Ban Nha ngài Fernando Curcio (thứ ba từ trái sang) nghe giới thiệu về cây chè Suối Giàng Từ nhiều năm nay Văn Chấn tập trung phát triển công nghiệp, hiện đã xây dựng một cụm công nghiệp đa ngành nghề và trên 80 cơ sở chế biến: Chè, gỗ rừng trồng, khai thác, chế biến vật liệu xây dựng và 5 nhà máy thủy điện đang hoạt động với tổng công suất thiết kế đạt trên 60 MW.
Cánh đồng Mường Lò được coi là cái nôi của văn hoá vùng Tây Bắc, nhiều cảnh đẹp như hang Thẳm Han, Thẳm Thoóng, Thẳm Lé; suối nước nóng Bản Bon, Bản Hốc; khu du lịch sinh thái Suối Giàng với văn hoá truyền thống của người Mông vẫn giữ nguyên nét đẹp thuần khiết của văn hoá bản địa. Đèo Lũng Lô một địa danh nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp, có di tích “Thành Viềng Công” huyền thoại, thác “Nặm tốc tát” gắn với đời sống tâm linh của người Thái đen...
Cánh đồng Mường Mường Lò vựa thóc của vùng Tây Bắc Với lợi thế của một huyện nằm ở trung tâm vùng Tây Bắc giàu tài nguyên thiên nhiên và lịch sử văn hoá lâu đời, các dân tộc huyện Văn Chấn cần cù và dũng cảm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Văn Chấn đã và đang phát huy các sức mạnh nội lực của chính mình, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để xây dựng Văn Chấn ngày càng giàu mạnh, trở thành viên ngọc lấp lánh của miền Tây Bắc.