Văn học thiếu nhi: Khoảng trống đang được lấp dần
Văn học thiếu nhi: Lúng túng đầu ra |
Sở dĩ có sự lạc quan này bởi chỉ vài năm trước thôi, những ý kiến bày tỏ sự bi quan về mảng sách thiếu nhi cho bạn đọc đang “tuổi ăn tuổi lớn” ở Việt Nam bị bỏ trống. Số tác phẩm văn học hàng năm được xuất bản nhiều, nhưng tác phẩm viết cho thiếu nhi rất ít. Lực lượng tác giả viết cho thiếu nhi không nhiều. Ngay cả nhà văn, nhà thơ có tác phẩm viết cho thiếu nhi cũng ít. Đếm kỹ, số người chuyên viết cho thiếu nhi đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, dân số Việt Nam đã ở mức hơn 100 triệu người và số thiếu niên, nhi đồng ngày một tăng, nhu cầu đọc ngày một nhiều. Quan sát thị trường sách cho thiếu nhi chỉ thấy các xuất bản phẩm nước ngoài được dịch và xuất bản “áp đảo” sách do các tác giả trong nước viết ra. Trước thực trạng này, nhiều ý kiến đã bày tỏ sự quan ngại, cho rằng, khoảng trống trên nếu không có sự chung tay góp sức của nhiều ban, ngành sẽ ngày một rộng ra và có nguy cơ tác động xấu tới tâm hồn trẻ thơ.
Một số tác phẩm đoạt giải thưởng Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi (đợt 1) |
Rất may, những hồi chuông cảnh báo trên báo chí, truyền thông cũng đã tác động tới những cơ quan quản lý văn hóa cũng như các hội nghề nghiệp. Người ta thấy nhiều cuộc thi tìm kiếm tác phẩm văn học cho thiếu nhi được tổ chức; nhiều giải thưởng thiếu nhi cũng được mở ra để tìm kiếm, tôn vinh những tác giả - tác phẩm viết cho thiếu nhi…
Nhà văn Thái Chí Thanh - Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi (Hội Nhà văn Việt Nam) thừa nhận, văn học thiếu nhi đã có một thời kỳ rực rỡ, nhiều “thế hệ vàng”, sáng tác những tác phẩm tuyệt vời cho xã hội, bao thế hệ trẻ em đã được “tắm” trên nền văn chương đó, làm nên nhiều kỳ tích. Tuy nhiên, mấy chục năm qua, văn học thiếu nhi không được quan tâm, vắng bóng dần và trong một thời kỳ khá dài, văn học thiếu nhi bị "khô hạn". Chính vì vậy, ước mơ của các nhà văn viết cho thiếu nhi là muốn đưa văn học thiếu nhi trở lại thời hoàng kim.
Chính bởi vậy, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã củng cố lại văn học thiếu nhi. Từ Ban Văn học thiếu nhi nâng lên trở thành Hội đồng Văn học thiếu nhi để văn học thiếu nhi có tầm hoạt động tốt, có tiếng nói như các hội đồng thơ văn khác.
Nhà văn Thái Chí Thanh chia sẻ, sau khi thành lập Hội đồng, văn học thiếu nhi đã có những bước chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, để văn học thiếu nhi từng bước khởi sắc, Hội đồng Văn học thiếu nhi đã tổ chức một số cuộc hội thảo, tọa đàm về văn học thiếu nhi, đưa ra các tiêu chí viết về đề tài thiếu nhi. Đặc biệt Cuộc vận động sáng tác đề tài văn học thiếu nhi được phát động đã tạo bầu không khí mới, sôi động cho sáng tác về văn học thiếu nhi.
Mới đây, Hội Nhà văn Việt Nam đã sơ kết đợt 1 Cuộc vận động sáng tác đề tài văn học thiếu nhi. Theo thống kê, từ khi phát động vào cuối năm 2021 cho đến ngày 15/6/2023 (hạn cuối của đợt 1), ban tổ chức đã nhận được 246 tác phẩm tham dự, trong đó có 102 tác phẩm thơ, 144 tác phẩm văn xuôi. Ban tổ chức đã chấm chọn và trao giải thưởng cho 16 tác phẩm xuất sắc, gồm 1 giải A, 2 giải B, 5 giải C và 7 giải khuyến khích. Theo đó, Giải Nhất thuộc về tác phẩm “Mèo sinh ra đâu phải chỉ bắt chụp” của tác giả Dương Thị Thảo Nguyên (Văn xuôi - bản thảo); Giải Nhì thuộc về tác phẩm “Hạt dẻ ơi, về nhà thôi” của tác giả Nguyễn Thị Cẩm Hà (Hà Mi) (Văn xuôi - bản thảo) và “Dắt mẹ đi chơi” (Đố mẹ, Dế mèn học chữ) của tác giả Mai Quyên (Thơ - sách); Giải Ba gồm 5 tác phẩm: “Những đôi mắt khoảng trời” của tác giả Đào Quốc Vịnh (Văn xuôi - tập sách), “Con cáo lửa” của tác giả Phạm Thanh Thúy (Văn xuôi - bản thảo), “Đi bắt nỗi buồn” của tác giả Nguyễn Thị Như Hiền (Văn xuôi - bản thảo), “Sông vừa đi vừa lớn” của tác giả Nguyễn Minh Khiêm (Thơ - bản thảo), “Cái bếp kể chuyện” của tác giả Đinh Công Thủy (Thơ - bản thảo)…
Từ kết quả này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam lạc quan đánh giá, có thể thấy lượng người viết cho thiếu nhi ngày càng tăng, độ tuổi tham dự cũng trẻ hóa. Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhìn nhận, về nội dung cũng như hình thức thể hiện, có thể thấy sự phong phú mà văn học viết cho thiếu nhi có thể chạm tới. Đó là cách viết hết sức đa dạng, sinh động, giàu mỹ cảm với sự pha trộn của nhiều hình thức thể loại, thoát khỏi sự câu nệ vào các quy chuẩn, khuôn sáo, để tiến đến sự diễn đạt, truyền đạt tốt nhất, chính xác nhất. Đáng mừng là trong đó có sự khởi sắc của những thể loại vốn chưa được lưu tâm phát triển trước đây như giả tưởng và khoa học viễn tưởng. Tín hiệu ấy cho thấy các tác giả đã chú trọng cân bằng cả nội dung lẫn hình thức để gia tăng độ gần gũi, tính thuyết phục, cuốn hút với bạn đọc thiếu nhi. “Đa số các tác phẩm không chỉ giúp trẻ em cảm nhận được tình yêu cuộc sống, con người mà còn giúp các em hiểu biết và yêu thương thế giới xung quanh, biết tránh xa những thói hư tật xấu, đồng thời cũng thúc đẩy khả năng hòa đồng, khám phá thế giới, tạo tiền đề cho khơi mở tư duy sáng tạo...”, nhà văn Nguyễn Bình Phương bày tỏ.
Chăm lo “thực đơn tâm hồn” cho trẻ thơ là điều hết sức cần thiết để các em tránh xa những “hạt mầm” độc hại đến từ môi trường mạng, môi trường sống. Và những tác phẩm văn học viết về thiếu thi, dành cho thiếu nhi hay, hấp dẫn, mới lạ sẽ góp phần bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn các em. Nói như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, chúng ta muốn trẻ em Việt Nam lớn lên, trở thành người tử tế và mang tên Việt Nam, thì sự tử tế đó phải chứa đựng vẻ đẹp văn hóa, phong tục, lịch sử Việt… “Để làm được điều đó, cần có thật nhiều những tác phẩm văn học thiếu nhi mang đậm văn hóa Việt đến với các em”, ông Thiều nhấn mạnh.