Vì sao 11/5 được chọn là Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng?
Ngành Ngân hàng tạo động lực chuyển đổi số cả nền kinh tế | |
Chuyển đổi số: “Mệnh lệnh” chiến lược | |
Ngân hàng số: Hạt nhân của kinh tế số |
Chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, nằm trong ưu tiên phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, chuyển đổi số được đề cập như là một trong những trụ cột chính trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 của Đại hội XIII.
Chiến lược chuyển đổi số quốc gia định hướng đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, đạt được sự đổi mới căn bản, toàn diện cả ở hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức sống, làm việc của người dân.
Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và Chiến lược chuyển đổi số quốc gia xác định Ngân hàng là một trong số các ngành, lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao, có ảnh hưởng hàng ngày tới người dân, cần ưu tiên chuyển đổi số trước.
Việc lựa chọn ngày 11/5 là “Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng” sẽ giúp hoạt động ứng dụng công nghệ trong các tác vụ của ngân hàng tạo được hiệu ứng lan tỏa |
Thể hiện sự tin tưởng và cũng là trọng trách lớn lao mà Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chọn ngày 11/5 là “Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng” vì đây là ngày Thống đốc NHNN, Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ngành Ngân hàng ký ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (tại Quyết định 810/QĐ-NHNN).
Việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng có thể xem là cột mốc đánh dấu rõ ràng nhất về kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, có ý nghĩa quan trọng giúp xác định rõ định hướng, kế hoạch triển khai của ngành Ngân hàng trong xu thế chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, tháng 5 cũng là tháng có nhiều sự kiện lớn như Ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam (6/5) và Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5), do đó, việc lựa chọn ngày 11/5 là “Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng” sẽ giúp cho việc tổ chức các hoạt động được thuận lợi và tạo hiệu ứng lan tỏa.
Từ thời điểm NHNN ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 810) đến nay, NHNN đã luôn chủ động nỗ lực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra để góp phần hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025 có 50% các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; 50% khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng khách hàng cá nhân được số hóa, tự động...
Để đạt được mục tiêu trên, thời gian qua các TCTD đã và đang tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào hoạt động ngân hàng, đặc biệt là các công nghệ phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo/học máy... trong quy trình chấm điểm, đánh giá, kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng. Thực tế, trong khoảng 1 năm gần đây cho thấy, nhiều ngân hàng đã và đang thử nghiệm, triển khai sản phẩm dịch vụ đăng ký khoản vay trực tuyến cho khách hàng cá nhân và đã nhận được ủng hộ vì sự tiện lợi, nhanh chóng trong tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ.
Cùng với đó, NHNN đã và đang quan tâm rà soát, sửa đổi bổ sung khuôn khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi cho việc triển khai cho vay bằng phương thức điện tử. Dự kiến trong tháng 5/2023 sẽ ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN, trong đó có nội dung quy định, hướng dẫn về cho vay bằng phương thức điện tử. Đồng thời, NHNN cũng đang rà soát, nghiên cứu xây dựng Luật Các TCTD (sửa đổi), trong đó cũng sẽ dự kiến sửa đổi, bổ sung các quy định về cho vay để đáp ứng nhu cầu cho vay giá trị nhỏ bằng phương tiện điện tử.
NHNN và Bộ Công an đã ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06) bao gồm 11 nhóm nhiệm vụ lớn, 35 nhiệm vụ cụ thể; trong đó có nhiệm vụ của Bộ Công an (C06) về xây dựng, hoàn thiện giải pháp chấm điểm tín dụng và công bố thông tin điểm này tới các TCTD để nghiên cứu, xem xét triển khai theo nhu cầu. Đây sẽ là một trong các nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng để TCTD xác minh khách hàng và phục vụ đánh giá, ra quyết định giải ngân cho vay bằng phương thức điện tử.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN, sự quyết tâm cao của toàn Ngành quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng sẽ ngày càng hoàn thiện, đóng góp tích cực và ý nghĩa hơn nữa vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, đem lại tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.