Vì sao chưa thể chấm dứt hoàn toàn biện pháp giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng
Cần cơ chế tăng vốn dài hơi cho Big 4 Cần “vốn mồi” rẻ tạo lực bẩy cho vay nhà ở xã hội Quy mô chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội đã tăng lên 145 nghìn tỷ đồng |
Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, việc xây dựng tiêu chí, phương thức xác định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng thời gian qua được NHNN tiến hành công khai, minh bạch, dựa trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng. Các tiêu chí được đưa ra phù hợp với tiêu chuẩn Basel II và các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng.
Trong giai đoạn 2022-2024, room tín dụng đã được thông báo tới từng tổ chức tín dụng và công bố công khai tại Chỉ thị 01 ngay đầu năm. Trong năm 2022, tại Chỉ thị số 01 nêu rõ định hướng điều hành tín dụng năm 2022, chỉ tiêu TTTD định hướng toàn hệ thống khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Căn cứ tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh, trong năm 2022 có thêm 2 đợt điều chỉnh room tín dụng vào tháng 8/2022 và tháng 12/2022. Các TCTD tham gia hỗ trợ xử lý TCTD yếu kém, TCTD giảm mặt bằng lãi suất cho vay theo chủ trương của Chính phủ và NHNN được xem xét ưu tiên.
Tương tự năm 2023, NHNN cũng có thêm 2 đợt điều chỉnh room tín dụng vào tháng 7 và tháng 11. Đặc biệt, năm 2024, NHNN đổi mới công tác điều hành tăng trưởng tín dụng bằng cách giao toàn bộ room tín dụng năm 2024 cho các ngân hàng và thông báo công khai ngay từ cuối năm 2023. Tiếp đó, ngày 28/8/2024, NHNN đã thông báo room tăng thêm cho các tổ chức tín dụng đảm bảo theo nguyên tắc công khai, minh bạch để hỗ trợ TCTD chủ động xây dựng phương án kinh doanh, đồng thời đối với nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài được chủ động kiểm soát TTTD (không hạn chế chỉ tiêu TTTD với nhóm này) để phù hợp với đặc thù, quy mô tín dụng.
Đối với nhiệm vụ nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD, NHNN đánh giá, hiện vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn biện pháp giao chỉ tiêu TTTD. Vì trong bối cảnh gánh nặng cung ứng vốn cho nền kinh tế qua kênh tín dụng ngân hàng vẫn rất lớn nên nếu để TCTD tăng trưởng tín dụng mà không có biện pháp kiểm soát thì hệ lụy như giai đoạn trước năm 2011 có khả năng lặp lại, gây bất ổn vĩ mô, rủi ro lạm phát gia tăng, đồng thời rủi ro nợ xấu tăng cao, đe dọa an toàn hệ thống ngân hàng. Trong khi đó hệ thống TCTD còn đang trong quá trình cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, từng bước nâng cao chuẩn mực quản trị theo thông lệ quốc tế.
“Do vậy, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô. Việc dỡ bỏ biện pháp này cần thận trọng, có lộ trình thích hợp, đảm bảo các điều kiện cần thiết khi có đủ biện pháp kiểm soát, thay thế phù hợp và từng bước thực hiện phù hợp với điều kiện thị trường”, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Việc NHNN muốn giữ cơ chế điều hành room tín dụng là điều dễ hiểu, vì nền kinh tế Việt Nam dựa quá lớn vào tín dụng, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất thế giới. Nếu tín dụng tăng nóng trở lại, nền kinh tế sẽ phải đối mặt với rất nhiều hệ lụy.
Nhiều chuyên gia nhận định, thời điểm chín muồi để NHNN xem xét bỏ room tín dụng là khi kinh tế vĩ mô ổn định, sức khỏe hệ thống ngân hàng được nâng cao, đồng đều và cơ quan điều hành có các công cụ giám sát tốt hơn.
Đối với đề xuất bỏ room tín dụng, giới chuyên môn cho rằng, phải thật sự cân nhắc một cách thận trọng về thời điểm. TS. Châu Đình Linh nhận định, nếu muốn bỏ “room” tín dụng cần phải đáp ứng những điều kiện tiên quyết. Đó là sự ổn định của kinh tế vĩ mô, sức khoẻ của hệ thống ngân hàng đồng đều, đảm bảo thực hiện tốt việc tái cơ cấu các TCTD, đáp ứng các chuẩn mực quản trị rủi ro như Basel II, III; NHNN tăng cường năng lực giám sát và can thiệp kịp thời trong kiểm soát tăng trưởng, chất lượng tín dụng.
Thực tế NHNN đang có sự linh hoạt trong điều hành tín dụng phân bổ khi giao chỉ tiêu room tín dụng cả năm ngay từ đầu năm thay vì nhiều lần như những năm trước; linh hoạt điều chuyển room tín dụng của ngân hàng thừa sang ngân hàng thiếu. Song song với đó, NHNN cũng đang nghiên cứu lộ trình dỡ bỏ dần việc áp dụng biện pháp này theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.
TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia gợi ý, các nước đang sử dụng công cụ hữu hiệu là kiểm soát tín dụng và chính sách tiền tệ bằng các chỉ tiêu an toàn hệ thống như hệ số thanh khoản với tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA), tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE)… và quan trọng nhất là tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu (CAR). Chung quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng, NHNN hoàn toàn có thể kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thông qua CAR. Ngân hàng muốn tăng tín dụng bao nhiêu, thì phải nâng vốn chủ sở hữu tương ứng bấy nhiêu. Điều này sẽ khiến các ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn cao không bị thiệt thòi, không bị bó buộc bởi room tín dụng, mà lại gây sức ép cho các ngân hàng nhỏ, có tỷ lệ an toàn vốn thấp phải nâng cao “đệm” thanh khoản của mình.
Tuy nhiên để giảm bớt rủi ro cho nền kinh tế khi NHNN bỏ room tín dụng, các bộ, ngành cũng phải có giải pháp để phát triển thị trường vốn, không để nền kinh tế dựa quá lớn vào hệ thống ngân hàng.