Vì sao Đà Nẵng liên tiếp được vinh danh thành phố thông minh?
Liên tiếp được vinh danh
Mới đây, hội đồng bình chọn giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2023 đã công bố kết quả bình chọn Đà Nẵng đoạt Giải thưởng Thành phố thông minh 2023. Đây là lần thứ 4 liên tiếp Đà Nẵng vinh dự được trao giải thưởng này.
Thành phố thông minh Việt Nam (Smart City Award Vietnam) là giải thưởng thường niên được Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức từ năm 2020 nhằm ghi nhận, tôn vinh các đô thị, tổ chức, doanh nghiệp có những đóng góp giúp các thành phố trở nên thông minh hơn, đáng sống hơn, có thương hiệu, có sức cạnh tranh và phát triển bền vững.
Giải thưởng cũng khuyến khích doanh nghiệp sáng tạo sản phẩm, giải pháp công nghệ tiên tiến; là kênh kết nối cung cầu, hợp tác xây dựng những mô hình kiểu mẫu phù hợp để đẩy nhanh phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam. Như vậy, kể từ khi giải thưởng được VINASA tổ chức lần đầu tiên đến nay, Đà Nẵng đều được vinh danh là thành phố thông minh (4 năm liên tiếp từ 2020-2023).
Năm nay, trên cơ sở báo cáo kết quả đánh giá vòng thuyết trình, hội đồng bình chọn đã tiến hành bình chọn công minh, theo các tiêu chí, quy chế của giải thưởng và đã chọn được 35 đề cử từ tổng số 80 đề cử tham gia để trao Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2023.
Theo các tiêu chí bình chọn, Đà Nẵng vinh dự được lựa chọn trao Giải thưởng Thành phố thông minh 2023 trên các các lĩnh vực: Thành phố điều hành, quản lý, hạ tầng, dịch vụ công thông minh; thành phố quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch; thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Lần thứ 4 liên tiếp Đà Nẵng vinh dự được trao Giải thưởng Thành phố thông minh. |
Đây là giải thưởng danh giá nhất và duy nhất dành cho nhóm các thành phố/đô thị của giải thưởng năm nay. Lễ công bố và trao Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2023 dự kiến diễn ra vào ngày 30/11/2023, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.
Trước đó, tại diễn đàn thành phố thông minh tại Seoul (Hàn Quốc), TP. Đà Nẵng cũng dự được trao giải thưởng Thành phố thông minh Seoul (Seoul Smart City Prize). Giải thưởng này được Tổ chức các thành phố thông minh bền vững thế giới (WeGO) và chính quyền TP. Seoul tổ chức xét chọn, trao giải.
Đến nay, Đà Nẵng cũng đã hoàn thành 11/11 nhiệm vụ, mục tiêu đến năm 2025 giao cho các tỉnh, thành phố theo Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.
Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm
Từ năm 2000, Đà Nẵng đã bắt đầu triển khai chính quyền điện tử. Năm 2010, thành phố đã ban hành Kiến trúc tổng thể Chính quyền điện tử và năm 2014 đưa vào sử dụng chính thức hệ thống thông tin Chính quyền điện tử thành phố. Đến năm 2018, thành phố ban hành Kiến trúc tổng thể thành phố thông minh và ban hành, chính thức triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030.
Đặc biệt, để xây dựng được thương hiệu thành phố thông minh, Đà Nẵng sớm hình thành hạ tầng, nền tảng và cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung cho các ứng dụng thành phố thông minh. Hiện, ngoài hạ tầng mạng đô thị (mạng MAN) với tổng chiều dài 450km cho 191 cơ quan sử dụng, thành phố đang triển khai dự án mở rộng Trung tâm dữ liệu với kinh phí 68 tỷ đồng.
Trung tâm IOC là một hợp phần quan trọng của đề án xây dựng đô thị thông minh tại Đà Nẵng. |
Trong đó, bổ sung 13 máy chủ với khoảng 130TB lưu trữ, sau khi hoàn thành, năng lực Trung tâm dữ liệu tăng lên 200 máy chủ, khả năng lưu trữ lên gần 300TB. Song song đó, thành phố đang triển khai dự án đầu tư mở rộng hệ thống truyền hình trực tuyến với kinh phí khoảng 20 tỷ đồng, đầu tư thiết bị đầu cuối đến tất cả 56 phường, xã, các cơ quan khối Đảng, tổ chức đoàn thể.
Năm 2023, thành phố triển khai, cập nhật thêm nhiều tính năng nền tảng dùng chung như quan trắc, giám sát đỗ xe, giám sát tàu thuyền, trên nền tảng cổng dữ liệu mở, ứng dụng di động đa dịch vụ Danang Smart City, nền tảng Danang Chain… Hiện Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) có 15 nhóm dịch vụ thông minh phục vụ công tác chỉ đạo của lãnh đạo thành phố.
Bên cạnh đó, các cơ sở dữ liệu nền gồm cả công dân lẫn doanh nghiệp… đều được chuẩn hóa, hoàn thiện. Đà Nẵng hoàn thành kết nối hệ thống thông tin giải quyết Trung tâm Hành chính thành phố với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với khoảng 150.000 giao dịch; Cổng dữ liệu mở có gần 1.000 bộ dữ liệu (tăng 400 bộ so với năm 2021)…
Đặc biệt, mới đây thành phố tổ chức khai trương Trung tâm giám sát, điều hành thông minh Đà Nẵng (Trung tâm IOC). IOC Đà Nẵng có vai trò là đầu mối thu thập thông tin, dữ liệu từ các OC quận, huyện; OC chuyên ngành và các ứng dụng, hệ thống của các cơ quan, đơn vị, cộng đồng… nhằm phân tích, đưa ra số liệu tổng hợp về tình hình hoạt động của thành phố để lãnh đạo có thông tin chỉ đạo, điều hành; chia sẻ thông tin cho các cơ quan liên quan phục vụ quản lý nhà nước; công khai, minh bạch cho người dân, doanh nghiệp, phục vụ triển khai chính quyền đô thị. Đồng thời, phát hiện, cảnh báo sớm các vấn đề, sự kiện bất thường liên quan đến hoạt động của đô thị, hỗ trợ làm Trung tâm chỉ huy tập trung của thành phố trong xử lý các tình huống khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh…
Ứng dụng di động đa dịch vụ tiện ích Danang Smart City. |
Chia sẻ những bài học kinh nghiệm của địa phương trong việc triển khai chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, giúp Đà Nẵng liên tiếp đạt được những danh hiệu mà hiếm địa phương nào có được, ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, cho rằng đó là quyết tâm chính trị, cam kết của lãnh đạo thành phố thông qua các chủ trương nghị quyết, chính sách vĩ mô; các kế hoạch cụ thể của từng cơ quan, địa phương.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng xác định mục tiêu hướng đến một hệ thống thông minh toàn diện với một chiến lược tổng thể về công nghệ bền vững mà mỗi một trụ cột phát triển sẽ hỗ trợ, thúc đẩy, tạo ra các sáng kiến và động lực phát triển mới cho nhau một cách tuần hoàn: Quản trị - kinh tế - giao thông - môi trường - đời sống - công dân.
Thêm một nguyên nhân khiến Đà Nẵng thành công, đó là địa phương đã sớm ban hành kiến trúc kỹ thuật thành phố thông minh và triển khai đảm bảo tuân thủ theo kiến trúc đó. Để có một lộ trình đồng bộ, kế thừa, tương thích và hiệu quả; đồng thời, lựa chọn thí điểm trong phạm vi hẹp, đánh giá kết quả, làm cơ sở triển khai nhân rộng, không dàn trải, quy mô lớn.
Đặc biệt, một dự án thành phố thông minh cần tính đến khía cạnh nhân văn, xã hội và môi trường; cần phải kết hợp đầy đủ các khía cạnh liên quan đến quản trị, cơ sở hạ tầng, con người và xã hội... Bởi vậy, ông Lê Quang Nam khẳng định để trở thành đô thị lớn, thông minh, sáng tạo, kết nối đồng bộ với khu vực và thế giới, Đà Nẵng đã và đang quyết tâm, nỗ lực, chủ động triển khai, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm hướng đến xây dựng thành phố thông minh một cách bền vững.