Vì sự an toàn, lành mạnh của TCTD
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các TCTD Nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ tại TCTD |
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Ngoài các quy định pháp luật chung, TCTD còn phải tuân thủ hoạt động của cơ quan quản lý, tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt, trong vấn đề quản trị điều hành để hoạt động của mỗi TCTD an toàn, lành mạnh.
Để đảm bảo an toàn trong hoạt động của hệ thống TCTD, dưới góc độ cơ quan quản lý, NHNN đã ban hành một khối lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật, quản lý mọi mặt hoạt động của TCTD, như Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Thông tư 44/2011/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và nhiều văn bản khác liên quan đến vấn đề quản lý ngoại hối, kinh doanh vàng, thanh toán… Đồng thời, NHNN cũng xây dựng hành lang pháp lý cho công tác thanh tra giám sát, tăng cường bộ máy thanh tra giám sát, phối hợp với các cơ quan liên quan.
Báo cáo tổng quan hoạt động kiểm soát, kiểm toán nội bộ của TCTD, ông Nguyễn Tuấn Anh - Quyền Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN cho biết, với vai trò là trung gian tài chính có chức năng cơ bản là huy động vốn để cho vay, hoạt động ngân hàng luôn chứa đựng và tiềm ẩn rủi ro. Để đảm bảo sự an toàn, lành mạnh ngân hàng, hoạt động quản trị rủi ro phải được đặt lên hàng đầu, duy trì liên tục và thường xuyên cải tiến, đặc biệt là trong giai đoạn thị trường tài chính có nhiều biến động khó lường như hiện nay. Thời gian qua, hoạt động của Ban kiểm soát đã đạt được những kết quả trong thực hiện các chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của TCTD. Tuy nhiên, cũng còn một số vấn đề cần lưu ý như, tại một số TCTD hoạt động của Ban kiểm soát còn chưa thực sự chủ động, hiệu quả; chưa đánh giá thường xuyên và nhận diện toàn diện rủi ro hoạt động của TCTD…
Trên cơ sở kết quả công tác thanh tra, giám sát đối với hoạt động của TCTD, NHNN đã yêu cầu TCTD tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ đối với một số hoạt động cụ thể của TCTD; yêu cầu Ban kiểm soát của một số TCTD căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện rà soát, kiểm tra, đánh giá, có ý kiến với Tổng Giám đốc, HĐQT đối với một số nội dung hoạt động cần lưu ý của TCTD; rà soát quy định, nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán nội bộ.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đã chỉ ra một số vấn đề cần lưu ý trong hoạt động của Ban kiểm soát, công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ của TCTD liên quan đến một số lĩnh vực như tín dụng, kho quỹ tiền mặt… Theo Phó Thống đốc, tín dụng là một lĩnh vực cần thiết nhất cần quản lý, phát hiện và ngăn chặn rủi ro sớm theo nguyên tắc “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Chính vì vậy, trước tiên, Ban kiểm soát phải giám sát và kiểm soát chặt trong việc ban hành văn bản; theo dõi và kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy định của Nhà nước, của cơ quan quản lý trong hoạt động của TCTD, coi đây là việc làm thường xuyên, hàng ngày. Ngoài ra, cũng cần kiểm soát việc thực hiện đúng những chính sách, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN... Đặc biệt, Ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ phải nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc phát hiện rủi ro ở các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Song song với đó chủ động đề xuất giải pháp với HĐQT, Ban điều hành nếu phát hiện có vấn đề…
Theo Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn, đội ngũ Ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ của TCTD là những người sát sườn nhất với hoạt động của TCTD, vì vậy sẽ phát hiện nhanh nhất những rủi ro trong hoạt động của TCTD. Do đó, các TCTD phải nhận thức đúng và hiểu rõ vai trò, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ, đồng thời phải chú trọng và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận này.
Nâng cao công tác quản trị rủi ro của TCTD
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả, phát huy tối đa vai trò của Ban kiểm soát trong công tác quản trị rủi ro, Thống đốc đề nghị, HĐQT, Hội đồng thành viên, Ban điều hành của các TCTD phải quan tâm đặc biệt tới công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ trong việc bố trí về nguồn lực để đảm bảo hoạt động của bộ phận này có hiệu quả. HĐQT phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu để Ban kiểm soát thực hiện chức trách của mình, đồng thời tạo điều kiện để Ban kiểm soát tham gia toàn bộ các cuộc họp liên quan đến điều hành, triển khai hoạt động của ngân hàng nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động của các TCTD.
Đối với Ban Kiểm soát của các TCTD, cần triển khai đầy đủ, nghiêm túc chức năng, nhiệm vụ của mình theo đúng quy định pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, của NHNN; lựa chọn, bố trí nhân sự đầy đủ, đảm bảo có chất lượng để triển khai hiệu quả hoạt động của Ban kiểm soát. Ngoài ra, tăng cường hoạt động của Ban kiểm soát, nhất là hoạt động tự phát hiện, tự cảnh báo, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm, hoạt động rủi ro tiềm ẩn của các TCTD, đề xuất với HĐQT, Ban điều hành các biện pháp khắc phục, tập trung vào những rủi ro như: rủi ro về thanh khoản, rủi ro tín dụng; rủi ro thị trường; rủi ro về tỷ giá; rủi ro về hoạt động thanh toán cả trong nước và quốc tế; những vấn đề liên quan đến phòng chống rửa tiền…
Đối với Chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố, Thống đốc yêu cầu, trong quá trình giám sát thanh tra phải có các báo cáo chỉ rõ những rủi ro tiềm ẩn của TCTD, chi nhánh, phòng giao dịch… gửi về Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng để cơ quan này kịp thời có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể.
Đối với các đơn vị thuộc NHNN, Thống đốc đề nghị, theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật đối với hoạt động kiểm soát, kiểm toán nội bộ, trong quá trình theo dõi để phát hiện những bất cập, sơ hở, tham mưu đề xuất chỉnh sửa nếu cần thiết. Đồng thời, kịp thời xử lý các kiến nghị của TCTD, Ban kiểm soát của TCTD để đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền hướng xử lý phù hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Chủ động, tổng hợp các số liệu, phân tích các số liệu, gửi về Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng nắm được, để kịp thời đưa ra các cảnh báo.
Bên cạnh đó, Thống đốc cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho một số đơn vị thuộc NHNN như Cơ quan Thanh tra, giám sát, Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác quốc tế… nâng cao chất lượng trong công tác quản trị rủi ro đối với TCTD.