Nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ tại TCTD
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các TCTD và xử lý nợ xấu CIC cung cấp các nhóm sản phẩm, báo cáo nào cho TCTD? Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các TCTD |
Cùng tham dự có các đồng chí trong Ban lãnh đạo NHNN, lãnh đạo một số vụ, cục đơn vị chức năng của NHNN và gần 350 cán bộ dự tại điểm cầu chính và các điểm cầu trực tuyến.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian vừa qua, toàn hệ thống ngân hàng từ trung ương đến địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, dù có những giai đoạn thăng trầm, nhưng hệ thống ngân hàng đã không ngừng phát triển, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
Với bối cảnh đại dịch Covid-19, xung đột Ukraine - Nga đã gây ra những tác động mạnh mẽ chưa từng có, diễn biến kinh tế thế giới khó lường, các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, trong khi đó, nội tại của nền kinh tế Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn, việc phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng cho đầu tư vẫn lớn…
“Toàn Ngành đang vất vả chèo chống để đảm bảo các mục tiêu góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và giữ ổn định an toàn của hệ thống TCTD, trong bối cảnh các nước như Mỹ có quản trị tốt cũng đã xảy ra đổ vỡ của một số ngân hàng”, Thống đốc chia sẻ.
Toàn cảnh Hội nghị |
Nhấn mạnh hệ thống TCTD đóng vai trò quan trọng, là huyết mạch của nền kinh tế, hoạt động của TCTD là hoạt động có điều kiện, theo Thống đốc, bên cạnh việc tuân thủ các quy định pháp luật chung, TCTD còn phải tuân thủ hoạt động của cơ quan quản lý, tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt, trong vấn đề quản trị điều hành để hoạt động của mỗi TCTD an toàn, lành mạnh.
Do đó, để đảm bảo an toàn trong hoạt động của hệ thống TCTD, dưới góc độ cơ quan quản lý, NHNN đã có nhiều giải pháp. Cụ thể, NHNN đã ban hành một khối lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật, quản lý mọi mặt hoạt động của TCTD như Thông tư 13/2018/TT-NHNN ngày 18/5/2018 về hệ thống kiểm soát nội bộ áp dụng đối với các NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Thông tư 44/2011/TT-NHNN ngày 29/12/2011 về hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ áp dụng đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng hướng dẫn các TCTD triển khai thực hiện, và nhiều văn bản khác liên quan đến vấn đề quản lý ngoại hối, kinh doanh vàng, thanh toán…
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Đồng thời, NHNN cũng ban hành hành lang pháp lý cho công tác thanh tra giám sát, tăng cường bộ máy thanh tra giám sát, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc tăng cường công tác này. Từ thực tế triển khai, có thể thấy việc đảm bảo an toàn của TCTD là một vấn đề toàn diện cần sự tham gia của nhiều bên liên quan.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Quyền Chánh thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN đã trình bày báo cáo tổng quan hoạt động kiểm soát, kiểm toán nội bộ của TCTD. Theo đó, thời gian qua, hoạt động của Ban kiểm soát đã đạt được những kết quả trong thực hiện các chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của TCTD.
Tuy nhiên, cũng còn một số vấn đề cần lưu ý như: Tại một số TCTD hoạt động của Ban kiểm soát còn chưa thực sự chủ động, hiệu quả; chưa đánh giá thường xuyên và nhận diện toàn diện rủi ro hoạt động của TCTD; tần suất kiểm toán nội bộ chưa nhiều…
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị |
Theo ông Tuấn Anh, trong thời gian qua, trên cơ sở kết quả công tác thanh tra, giám sát đối với hoạt động của TCTD, NHNN đã ban hành các công văn chỉ đạo, trong đó yêu cầu TCTD tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ đối với một số hoạt động cụ thể của TCTD; yêu cầu Ban kiểm soát của một số TCTD căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện rà soát, kiểm tra, đánh giá, có ý kiến với Tổng Giám đốc, Hội đồng quản trị đối với một số nội dung hoạt động cần lưu ý của TCTD; rà soát quy định, nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán nội bộ để đưa ra kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của các hệ thống, quy trình, quy định, góp phần bảo đảm TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật.
Tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú đã trao đổi một số vấn đề cần lưu ý trong hoạt động của Ban kiểm soát, công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ của TCTD liên quan đến một số lĩnh vực như tín dụng, kho quỹ. Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, tín dụng là một lĩnh vực cần thiết nhất cần quản lý, phát hiện và ngăn chặn rủi ro theo nguyên tắc “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ cần theo dõi chặt chẽ việc thực hiện các quy định của nhà nước, của cơ quan quản lý trong hoạt động của TCTD.
Ngoài ra, cũng cần kiểm soát việc thực hiện đúng những chính sách, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, nếu phát hiện có vấn đề thì Ban kiểm soát sẽ nghiên cứu, đánh giá tình hình và đề xuất giải pháp.
Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn phát biểu tại Hội nghị |
Để đảm bảo an toàn tài sản, nâng cao chất lượng hoạt động TCTD nói chung và tuyệt đối an toàn kho quỹ nói riêng, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, việc kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ đối với lĩnh vực an toàn kho quỹ trong điều kiện khối lượng tiền giao dịch lớn, phạm vi hệ thống rộng phải được thực hiện kiểm tra, kiểm soát thường xuyên liên tục, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan.
Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn cho rằng, đội ngũ Ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ của TCTD là những người sát sườn nhất với hoạt động của TCTD, vì vậy sẽ phát hiện nhanh nhất những rủi ro trong hoạt động của TCTD. Do đó, phải nhận thức đúng và hiểu rõ vai trò, chức năng nhiệm vụ của Ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ của TCTD, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận này thông qua một số giải pháp như: Không tiếp cận dàn trải mà tập trung vào các hoạt động có khả năng tiềm ẩn rủi ro.
Tại Hội nghị, đại diện Ban kiểm soát của các TCTD cũng đã trao đổi một số vấn đề, giải pháp liên quan đến việc nâng cao hiệu quả của công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ tại TCTD.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà phát biểu tại Hội nghị |
Kết luận Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, có thể thấy, hành lang pháp lý về hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ của TCTD từng bước được hoàn thiện. Các TCTD cũng đã thành lập các bộ máy, thực hiện các quy định, hướng dẫn của NHNN về công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ, đóng góp cho việc quản trị hoạt động của các ngân hàng trong các năm qua và đóng góp vào việc đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng nói chung. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế đang có nhiều thách thức, khó khăn, những rủi ro càng bộc lộ rõ hơn.
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả của công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ, góp phần phát huy tối đa vai trò của Ban kiểm soát trong công tác quản trị rủi ro, Thống đốc đề nghị: Hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, ban điều hành phải quan tâm đặc biệt tới công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ về nguồn lực để đảm bảo hoạt động của bộ phận này có hiệu quả.
Hội đồng quản trị phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin để Ban kiểm soát thực hiện chức trách của mình, đồng thời tạo điều kiện để ban kiểm soát tham gia toàn bộ các cuộc họp liên quan đến điều hành, triển khai hoạt động của ngân hàng để nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động của các TCTD.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng trao đổi tại Hội nghị |
Đối với Ban Kiểm soát của các TCTD, cần triển khai nghiêm túc chức năng nhiệm vụ của mình theo đúng quy định pháp luật, chỉ đạo của NHNN, lựa chọn bố trí nhân sự đầy đủ, đảm bảo có chất lượng để đảm bảo hiệu quả hoạt động của Ban kiểm soát.
Ngoài ra, tăng cường hoạt động tự phát hiện, tự cảnh báo, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm, đề nghị với Ban điều hành các biện pháp khắc phục, tập trung vào các rủi ro như: rủi ro về thanh khoản, rủi ro tín dụng; rủi ro thị trường; rủi ro về tỷ giá; rủi ro về hoạt động thanh toán cả trong nước và quốc tế; những vấn đề liên quan đến phòng chống rửa tiền…
Đối với chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố, Thống đốc đề nghị trong quá trình giám sát thanh tra phải có báo cáo chỉ rõ những rủi ro tiềm ẩn của TCTD, chi nhánh, phòng giao dịch… gửi về Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng để cơ quan này kịp thời có chỉ đạo, hướng dẫn.
Đối với các đơn vị của NHNN, theo chức năng, nhiệm vụ được giao xem xét tiếp thu tối đa những ý kiến, đề xuất hợp lý của TCTD, Ban kiểm soát của TCTD để đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền hướng xử lý phù hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Kiểm soát, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động của TCTD. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động kiểm soát, kiểm toán nội bộ nhằm nâng cao chất lượng trong công tác quản trị rủi ro đối với TCTD.