Vì sự phát triển an toàn, lành mạnh hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân
Xung quanh vấn đề này, Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác.
Ông Đỗ Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác |
Ông có thể chia sẻ đôi nét về việc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN cũng như việc triển khai Đề án tái cơ cấu hệ thống các QTDND tại Ngân hàng Hợp tác trong thời gian qua?
Có thể nói 2019 là một năm mà cả Ngân hàng Hợp tác và hệ thống QTDND cũng đều bộn bề các công việc để củng cố, chấn chỉnh hoạt động của mình theo đường hướng mà Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN đã đặt ra tại Chỉ thị 06/CT-TTg và Chỉ thị 06/CT-NHNN, và Đề án cơ cấu lại hệ thống QTDND.
Với Ngân hàng Hợp tác, để phù hợp với yêu cầu mới cũng như tạo điều kiện hỗ trợ các QTDND thực hiện tốt các chỉ đạo này, một lần nữa sau 6 năm chuyển đổi mô hình (2013) chúng tôi lại tiến hành tái cơ cấu tổ chức bộ máy. Theo đó, lần đầu tiên Ngân hàng Hợp tác xây dựng và thành lập một số ban trực thuộc HĐQT và sắp xếp lại một số phòng, ban trực thuộc Ban điều hành. Việc phân ban này tăng tính chuyên sâu và liên kết trong từng hoạt động hòa thành một giải pháp tổng thể trong việc phát triển Ngân hàng Hợp tác hướng tới hỗ trợ tốt nhất cho hệ thống QTDND.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Hợp tác cũng tự nâng cao năng lực của chính mình thông qua việc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 của NHNN về việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, Ngân hàng Hợp tác đã giao chỉ tiêu kế hoạch thu hồi nợ xấu (theo Nghị quyết 42) cho từng Chi nhánh, bao gồm: nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ, nợ xấu nội bảng, nợ đã xử lý rủi ro, nợ đã bán cho VAMC.
Song song với đó, Ngân hàng Hợp tác cũng đã tích cực thực hiện chức trách nhiệm vụ NHNN giao, giám sát an toàn hoạt động của các QTDND thông qua các báo cáo, xếp hạng tín dụng nội bộ và kiểm tra việc sử dụng vốn vay. Đối với các QTDND chưa chấp hành các chỉ tiêu an toàn, đã được NHNN khuyến cáo bằng văn bản, trường hợp những QTDND thường xuyên không chấp hành, Ngân hàng Hợp tác đã có văn bản báo cáo NHNN chi nhánh tỉnh/thành phố để kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh. Ngân hàng Hợp tác cũng đã tổ chức thanh tra theo yêu cầu chỉ đạo của Cơ quan Thanh tra, giám sát tại 20 đơn vị QTDND theo kế hoạch được giao đầu năm 2019.
Để thực thi ngay Thông tư 21/2019/TT-NHNN, chúng tôi đã xây dựng phương án thực hiện việc phát hành in ấn, quản lý hệ thống sổ tiết kiệm trắng, thẻ thành viên QTDND áp dụng trên toàn quốc đồng thời cũng ra những bộ quy định mẫu để QTDND có thể dựa vào đó, đưa ra các điều lệ, quy tắc sử dụng phù hợp với đặc thù của từng QTDND.
Ngân hàng Hợp tác đã tích cực phối hợp với Chi nhánh NHNN tỉnh/thành phố trong công tác hỗ trợ các QTDND yếu kém trên địa bàn cả nước. Cùng với việc cho vay hỗ trợ thanh khoản để chi trả tiền gửi, miễn giảm lãi suất cho các QTDND gặp khó khăn về tài chính theo chỉ đạo của NHNN, Ngân hàng Hợp tác đã cử 17 cán bộ là các Phó giám đốc, Trưởng phó phòng Chi nhánh Ngân hàng Hợp tác đảm nhiệm các chức vụ Chủ tịch HĐQT, Giám đốc, Kế toán trưởng QTDND yếu kém; cử 20 cán bộ tham gia kiểm soát đặc biệt theo yêu cầu của NHNN tại các QTDND trên địa bàn…
Ngoài công tác giám sát, Ngân hàng Hợp tác đã có những hỗ trợ gì đối với hoạt động hệ thống QTDND, thưa ông?
Có thể khẳng định vai trò Ngân hàng của hệ thống QTDND được thể hiện rõ nhất thông qua công tác điều hòa vốn, cho vay hỗ trợ thành viên mà Ngân hàng Hợp tác đã triển khai trong suốt nhiều năm qua để hỗ trợ hệ thống QTDND phát triển hoạt động an toàn, hiệu quả.
Mặc dù hiện xu hướng tự chủ về vốn của các QTDND ngày một nâng lên, tuy nhiên, Ngân hàng Hợp tác vẫn phát huy được vai trò của mình trong việc hỗ trợ cho các QTDND bằng việc triển khai các sản phẩm cho vay hợp vốn và cho vay liên kết để QTDND có thể cho vay thành viên khi bị giới hạn hạn mức cho vay. Còn đối với các QTDND mới mở hoặc ở những địa bàn khó khăn, vốn điều hòa của Ngân hàng Hợp tác đối với những QTDND này vẫn là một trong những nguồn lực quan trọng để QTDND mở rộng hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu vốn phát triển kinh tế cho các thành viên.
Đặc biệt đối với các QTDND gặp khó khăn trong hoạt động, một mặt Ngân hàng Hợp tác cho vay hỗ trợ khả năng chi trả kịp thời, mặt khác tham mưu, phối hợp với Chi nhánh NHNN tỉnh/thành phố và chính quyền địa phương có những biện pháp giúp đỡ để QTDND vượt qua khó khăn. Nhờ có sự hỗ trợ, đáp ứng khẩn trương và kịp thời về vốn của Ngân hàng Hợp tác mà các QTDND nói trên sớm ổn định tình hình hoạt động, góp phần thúc đẩy hệ thống QTDND phát triển ổn định, an toàn.
Không chỉ vậy, vai trò Ngân hàng của các QTDND còn được thể hiện thông qua việc phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Đơn cử như sản phẩm dịch vụ thanh toán điện tử của Ngân hàng Hợp tác. Tính đến cuối năm 2019, mạng lưới thanh toán của Ngân hàng Hợp tác đã được mở rộng tới 610 điểm kết nối, bao gồm: 32 Chi nhánh, 63 Phòng giao dịch và 515 QTDND. Số lượng giao dịch và giá trị chuyển tiền tăng tương ứng 15% và 17% so với cùng kỳ năm 2018. Ngân hàng Hợp tác cũng đã đào tạo nghiệp vụ ngân hàng điện tử cho 1.800 cán bộ của 702 QTDND trong cả nước.
Hay sản phẩm thẻ cũng đã có những chuyển biến đáng ghi nhận, số khách hàng của QTDND sử dụng sản phẩm thẻ của Ngân hàng Hợp tác cũng đã tăng cao. Tính đến cuối năm 2019, dư nợ hạn mức thấu chi trên thẻ ghi nợ của Ngân hàng Hợp tác cũng đã tăng 44,7% so với cùng kỳ năm trước. Việc triển khai lắp đặt POS và sản phẩm cho vay theo hạn mức thấu chi trên thẻ ghi nợ của Ngân hàng Hợp tác khiến giá trị và số lượng giao dịch qua POS tại QTDND đều tăng mạnh. Cụ thể, số lượng giao dịch thực hiện tại QTDND là 8.771 giao dịch, với số tiền giao dịch là 193 tỷ đồng, cả 2 chỉ tiêu này đều tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, việc triển khai dự án STEP phối hợp với tổ chức DID - Canada đã bước đầu mang lại hiệu quả với việc phát triển sản phẩm mới, xây dựng cơ chế kiểm soát rủi ro, kiểm soát nội bộ và phát triển hệ thống CNTT của Ngân hàng Hợp tác và các QTDND, nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý và phục vụ khách hàng tốt hơn. Dự án đang được triển khai tích cực tới Trụ sở chính, 12 Chi nhánh và 75 QTDND.
Ngân hàng Hợp tác sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường hỗ trợ các QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả |
Là năm cuối triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống QTDND cũng như tạo bước đệm cho giai đoạn tiếp theo, ông có thể cho biết, trong năm 2020, Ngân hàng Hợp tác sẽ đặt trọng tâm vào những nhiệm vụ gì để thực hiện tốt hơn vai trò của mình?
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà chúng tôi đặt ra trong năm 2019 là hoàn thiện nhiệm vụ cơ cấu lại của chính mình để từ đó có điều kiện và tiền đề thực hiện tốt hơn vai trò Ngân hàng của các QTDND. Trong đó tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ; tập trung triển khai chương trình kiểm tra, rà soát chất lượng tín dụng tại các chi nhánh trực thuộc, khống chế tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 2,0%/tổng dư nợ.
Đặc biệt trong bối cảnh tiếp tục triển khai các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN, Đề án cơ cấu lại hệ thống QTDND, đặc biệt là Thông tư 21/2019/TT-NHNN vừa ban hành, Ngân hàng Hợp tác sẽ tập trung triển khai tốt việc in ấn quản lý Sổ tiết kiệm trắng. Đồng thời xây dựng chiến lược và kế hoạch để hoàn thiện cơ chế điều hòa vốn Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND theo hướng linh hoạt, an toàn đúng chỉ đạo của NHNN. Ngân hàng Hợp tác sẽ dành nguồn lực thỏa đáng, tập trung xây dựng kế hoạch hành động, chính sách của Ngân hàng Hợp tác liên quan tới hoạt động của QTDND thành viên và Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND cho giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tập trung vào việc duy trì và phát triển các mối liên kết thông qua việc phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ QTDND, phát huy hơn nữa vai trò hỗ trợ các dịch vụ ngân hàng đối với người dân; sơ kết hiệu quả dự án STEP và nhân rộng mô hình ra toàn quốc.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt thông qua hệ thống thanh toán Ngân hàng điện tử CF-eBank; tiếp tục mở lớp đào tạo và kết nạp các QTDND thành viên đủ điều kiện tham gia thanh toán chuyển tiền. Tiếp tục triển khai sản phẩm thẻ thanh toán tới đối tượng khách hàng là cán bộ nhân viên và thành viên của QTDND.
Ngân hàng Hợp tác cũng sẽ tiếp tục tham gia hỗ trợ QTDND yếu kém theo chỉ đạo của NHNN và phối hợp tham gia, hỗ trợ kiểm tra, giám sát đối với QTDND khi NHNN yêu cầu. Đồng thời tiếp tục triển khai có hiệu quả các Dự án quốc tế ADB, WB, AFD, DID…; đẩy mạnh xúc tiến tìm kiếm cơ hội hợp tác với các tổ chức quốc tế để thu hút nguồn vốn, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn, nâng cao năng lực thể chế, phát triển sản phẩm dịch vụ cho Ngân hàng Hợp tác nói riêng và hệ thống QTDND nói chung.
Xin trân trọng cảm ơn ông!