Việt Nam - đối tác kinh doanh tin cậy
APEC 2017: Định hình tương lai kinh tế châu Á - Thái Bình Dương | |
Diễn đàn Tiếng nói tương lai APEC 2017 | |
Động lực từ APEC 2017 |
“Việt Nam - đối tác kinh doanh tin cậy”, là chủ đề Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức nhân Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đang diễn ra tại TP. Đà Nẵng. Tham dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đại diện các bộ, ngành, lãnh đạo địa phương, học giả, đông đảo DN trong và ngoài khu vực châu Á - Thái Bình Dương... Sự kiện được kỳ vọng là dịp để các nhà đầu tư tìm hiểu tiềm năng hợp tác, phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời, cũng là cơ hội cho DN trong nước kết nối với các đối tác trên thế giới...
Điểm đến đầu tư hấp dẫn
Ngay tại phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam lần đầu tổ chức đã có rất nhiều “gương mặt thân quen”, luôn ủng hộ, gắn bó với Việt Nam. Trong đó, có thể kể đến TS. Philipp Rosler, Giám đốc Điều hành, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) khu vực Đông Á và Thái Bình Dương…
Sự có mặt của các lãnh đạo, chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới tại hội nghị đã góp phần xây dựng niềm tin về sự kết nối giữa các nhà đầu tư trong khu vực APEC cũng như trên thế giới đối với Việt Nam.
Toàn cảnh Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam |
Phát biểu đề dẫn khai mạc hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam khẳng định, với vị trí địa, kinh tế thuận lợi, nơi giao thoa của các nền kinh tế trong khu vực, cùng với nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, một nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ cao và một chính phủ kiến tạo, quyết tâm đổi mới và thúc đẩy hội nhập… Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Ngay tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc nhắc lại lời phát biểu hết sức lay động của cố Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Ngài Lê Mai: Việt Nam giờ đây đã không còn là đất nước của chiến tranh mà là một Việt Nam đang đổi mới, đầy sinh lực. Chúng tôi cũng có thể nói với thế giới rằng, Việt Nam không chỉ là một đất nước đang phát triển mạnh mẽ, mà còn là một đối tác kinh doanh tin cậy.
Trên thực tế, những năm gần đây Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến thân thiện, hấp dẫn các nhà đầu tư. Đặc biệt, vị thế, vai trò của các DN, nhà đầu tư đang được đánh giá cao hơn bao giờ hết. Chính phủ và người dân Việt Nam luôn đồng hành, sát cánh với DN cũng như nhà đầu tư.
Đánh giá về tiềm năng môi trường kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam, TS. Philipp Rosler - người mang trong mình dòng máu Việt cho rằng: Việt Nam đang thể hiện năng lực cạnh tranh với môi trường đầu tư hấp dẫn, hứa hẹn một tương lai tươi sáng. Gần đây, Việt Nam liên tục tăng điểm trong danh sách năng lực cạnh tranh toàn cầu của WEF.
Cụ thể, theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 WEF vừa công bố, Việt Nam xếp hạng 55, tăng 5 bậc so với năm 2016 và 20 bậc so với cách đây 5 năm. Tuy nhiên, cũng theo Giám đốc điều hành WEF, lợi thế hiện nay của Việt Nam không phải dầu khí, công nghệ, hay cơ sở hạ tầng mà chính là nguồn nhân lực trẻ, năng động.
Thúc đẩy vai trò kinh tế tư nhân
Với nhiều nỗ lực, những năm gần đây kinh tế Việt Nam có những bước chuyển vững chắc. Theo báo cáo của WB, quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa to lớn. Việc thực hiện các cải tổ kinh tế sâu rộng đã được chuyển hóa thành tốc độ tăng GDP cao, đạt bình quân gần 7%/năm, thu nhập của người dân được nâng cao. Năm 2017, dự kiến GDP tăng 6,7%, phấn đấu giai đoạn 2016-2020 tăng 6,5-7%...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện, tiếp tục là “đối tác kinh doanh tin cậy”, đầy triển vọng trong cộng đồng DN quốc tế và của các quốc gia. Theo “Báo cáo 2035” (2016) của WB, hiện có khoảng 10% dân số Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu, dự kiến đến 2035 sẽ có 50% dân số gia nhập tầng lớp trung lưu. Điều này, sẽ làm gia tăng nhu cầu của nền kinh tế, nhiều việc làm tốt hơn được tạo ra không chỉ đối với trong nước mà Việt Nam còn từng bước tham gia vào các chuỗi cung ứng, các mạng sản xuất trong khu vực APEC và thế giới. Bên cạnh, tiêu dùng trong nước đã trở thành một động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Thu nhập tăng nhanh khiến ngày càng có nhiều người Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu. Từ đó, làm thay đổi cấu trúc tiêu dùng của nền kinh tế, mở ra các cơ hội cho nhà đầu tư biết nắm lấy cơ hội, đón đầu xu thế thay đổi đó… …Những kết quả mà Việt Nam đã đạt được cho đến nay chính là nguồn động lực quan trọng để Việt Nam tự tin, vững bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Chúng tôi quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, DN; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; Tiếp tục thực hiện mục tiêu duy trì ổn định vĩ mô vững chắc, cải cách thể chế, chính sách pháp luật, phát triển bền vững, chú trọng tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân. |
Trước những thay đổi của môi trường kinh doanh, ngành NH Việt Nam cũng đã trải qua giai đoạn tái cơ cấu quyết liệt. Hoạt động của hệ thống TCTD ngày càng minh bạch, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế. Với cấu trúc mở của nền kinh tế, mức độ trưởng thành của các TCTD, khả năng đáp ứng các thành viên tham gia thị trường tài chính ngày càng đa dạng, dần thu hẹp khoảng cách với thị trường tài chính toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), cùng với tốc độ tăng trưởng GDP, hệ thống NH phát triển tốt đã góp phần tạo cơ sở để nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững...
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, Việt Nam còn nhiều hạn chế: là một nền kinh tế đi sau, tiềm năng tài chính, công nghệ còn thấp; các DN Việt Nam nhìn chung mới được hình thành, phát triển trong những năm gần đây, kiến thức lẫn kinh nghiệm chưa nhiều, mô hình kinh doanh, trình độ quản trị, đặc biệt trong khu vực DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa còn hạn chế.
Bên cạnh, dân số đang già hóa nhanh chóng, ảnh hưởng đến lực lượng lao động… Bởi vậy, ngay tại VBS, ông Vũ Tiến Lộc đã đề nghị các đại biểu nhiệt tình chia sẻ những giải pháp, khuyến nghị cho môi trường thể chế cũng như mô hình kinh doanh tại Việt Nam ngày càng tốt hơn.
Mặc dù, Việt Nam đã thu hút được những “người khổng lồ”, nhiều dự án lớn. Song, thực tế môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn tiếp tục cần cải thiện. Bà Victoria Kwakwa cho rằng, Việt Nam cần phải có cơ chế thị trường mạnh mẽ hơn, đầu tư hơn vào nhân lực. Kỹ năng người lao động, công nghệ, tư duy của lực lượng lao động Việt Nam cần thay đổi theo xu hướng thị trường.
Muốn vậy, Việt Nam cần phải có những thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục. Về lĩnh vực tài chính, bà Victoria Kwakwa cho rằng, Việt Nam phải có sự tham gia mạnh mẽ hơn của kinh tế tư nhân và tiếp tục đẩy mạnh hơn việc cải cách cơ chế chính sách hỗ trợ cho kinh tế tư nhân phát triển.
Cũng đánh giá cao vai trò của kinh tế tư nhân, TS. Philipp Rosler cho rằng, nâng cao trình độ năng lực cho giới trẻ, là biện pháp tốt nhất nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, đây là trách nhiệm của cả khu vực công lẫn tư nhân.
Đồng thời, để đảm bảo có đủ pháp quyền để chống tham nhũng, khung pháp lý để đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện cho DN làm ăn chân chính, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh… Chính phủ cần phải tạo ra khung pháp lý hợp lý, phù hợp. Bên cạnh, cũng cần tiếp tục thúc đẩy, tạo điều kiện để hợp tác công-tư (PPP) phát triển hơn.
Tin tưởng vào những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian tới, bà Victoria Kwakwa chia sẻ, Việt Nam đã thể hiện rõ những quyết tâm của mình trong quá khứ. Tương lai, sẽ mang cho Việt Nam những thách thức lẫn cơ hội. Biết nắm lấy cơ hội, vượt qua thách thức Việt Nam sẽ trở thành nước có thu nhập cao trong tương lai không xa.