VNBA thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi hội viên
Toàn cảnh kỳ họp |
Phát biểu khai mạc cuộc họp, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank kiêm Chủ tịch Hội đồng VNBA cho biết, từ đầu năm đến nay, VNBA đã làm được rất nhiều việc từ tham vấn chính sách, tham gia ý kiến chỉnh sửa các quy định có liên quan đến hoạt động của các tổ chức hội viên…; thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi của các tổ chức hội viên (TCHV).
Cũng theo ông Phạm Đức Ấn, trong năm 2021, Hiệp hội sẽ tham gia tham vấn và phản biện chính sách một cách mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Để làm được điều này, vai trò của Ủy ban Chính sách rất quan trọng. Các thành viên của Ủy ban Chính sách sẽ đóng vai trò là hạt nhân để kích hoạt hoạt động chung của các ngân hàng. Do vậy, mỗi ngân hàng đều phải cử thành viên tham gia, khi đó mới kích hoạt và kết nối được hoạt động chung của hiệp hội.
Tại cuộc họp, đại diện Ủy ban Chính sách đã báo cáo Kế hoạch hoạt động năm 2021 đồng thời nêu lên hàng loạt vướng mắc, kiến nghị tham mưu cho Hội đồng VNBA kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền như: Đề nghị tiếp tục có sự chung tay của Chính phủ để ngành Ngân hàng hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau một giai đoạn dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đề nghị xử lý dứt điểm các vướng mắc trong việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN; kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉnh sửa Thông tư số 02/2013/TT-NHNN; đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính hướng dẫn và báo cáo Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; đề nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14… Cùng với đó, Ủy ban Chính sách cũng đề xuất xây dựng các hội thảo/tọa đàm chuyên đề về cơ chế chính sách lớn liên quan đến hoạt động ngân hàng cần được nghiên cứu tổ chức trong năm 2021.
Ông Trần Phương - Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách cho biết, dự kiến sẽ có 4-5 nội dung chính sẽ triển khai trong năm 2021, với hình thức thể hiện thông qua các hội thảo gồm: sửa đổi quy định pháp luật liên quan đến Thông tư số 02/2013/TT-NHNN; hoàn thiện chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 trong mối quan hệ luật hóa với Luật Giao dịch bảo đảm; hoạt động chuyển đổi số; tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến Nghị định 67/2014/NĐ-CP; đề xuất định hướng chính sách liên quan đến cơ cấu lại hệ thống các TCTD.
Để đảm bảo quyền lợi và tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của các TCHV, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết, thời gian qua, hiệp hội đã có nhiều văn bản góp ý liên quan đến sửa đổi các chính sách pháp luật, có thể kể đến như: Góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01; đề nghị cho các ngân hàng được khoanh nợ các khoản vay theo Thông tư 01…
Hiệp hội cũng đã tổ chức hội thảo/tọa đàm nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các vấn đề như: Thuế giá trị giá tăng (GTGT) đối với hoạt động thư tín dụng (L/C); giải pháp và các vấn đề pháp lý cần lưu ý liên quan đến hợp đồng tín dụng, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm tại tòa án và thi hành án…
Các hội thảo/tọa đàm này đã đạt được hiệu ứng rất tích cực. Trên cơ sở đó, Hiệp hội Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai xây dựng các hội thảo/tọa đàm… từ đó, tìm ra các giải pháp tốt nhất giải quyết những vướng mắc đang tồn tại, cản trợ sự phát triển ổn định và lành mạnh của các TCHV.
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Hiệp hội Ngân hàng và Ủy ban Chính sách, ông Phạm Đức Ấn đề nghị các TCHV cử người có chuyên môn tham gia vào hoạt động chung của Ủy ban. Đồng thời ông cho biết, tới đây, Ban lãnh đạo hiệp hội sẽ có các buổi làm việc với chủ tịch của các NHTM để tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của hiệp hội nói chung, Ủy ban Chính sách nói riêng.