Vốn ngoại sẽ quay trở lại trong 12 tháng tới
Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 199 tỷ đồng trên sàn UPCoM trong tháng 7
|
Theo các chuyên gia, dòng vốn FII sẽ quay lại vào thời điểm 12 - 18 tháng tới |
Theo nhận định của ông Cao Minh Hoàng - CTCP Chứng khoán DNSE, trong 10 năm trở lại đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam rất mạnh. Trong đó, Samsung vào Việt Nam từ năm 2007, đổ vốn mạnh thêm vào năm 2013. Theo dữ liệu quá khứ, FDI tăng mạnh thì sau đó 2 năm dòng tiền đầu tư gián tiếp (FII) sẽ vào theo. Vì vậy, diễn biến này có tính chu kỳ.
Hiện nay, FDI vẫn tăng đều nhưng có tính chu kỳ. Xu hướng tăng FDI dài hạn vẫn rất mạnh. “Đà bán ròng của FII trên sàn giao dịch thứ cấp mang tính chất thời điểm”, ông Hoàng đánh giá.
Nhìn lại, năm 2017 - 2019, khối ngoại mua ròng mua tới 70 ngàn tỷ đồng sau đó họ cũng có nhịp bán khi COVID diễn ra, Index đã tăng mạnh từ 600 - 1.500 điểm. Pha bán ròng của khối ngoại gần đây cũng không có gì mới.
Ông Hoàng đánh giá, nội lực thị trường vẫn đang rất tốt. Nền kinh tế vẫn rất tốt, tăng trưởng tốt, các chỉ số về GDP, lạm phát vẫn tốt. Niềm tin vào sự điều hành Chính phủ tiếp tục cao, tăng trưởng tín dụng khởi sắc. Cùng với đó, nền thanh khoản của thị trường chứng khoán đại diện là VN-Index đã cao hơn nhiều so với cách đây khoảng 2 - 3 năm.
Bên cạnh đó, nhiều công ty nghiên cứu thuật toán tham gia của các nhà đầu tư đánh giá rằng, những năm gần đây các nhà đầu tư nội đang thể hiện độ dày kiến thức, kỷ luật và trưởng thành hơn. Theo đó, việc khối ngoại bán ròng không ảnh hưởng quá lớn, bởi các nhà đầu tư nội mới là động lực chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Về thời điểm trở lại mua ròng của khối ngoại, ông Cao Minh Hoàng cho rằng, với FDI vẫn tăng trưởng, dòng vốn FII sẽ quay lại vào thời điểm 12 - 18 tháng tới. Yếu tố dẫn đến nhận định này từ việc mặt bằng lãi suất của FED có thể giảm 0,5 điểm cơ bản trong tháng 9, trên cơ sở đó, FII sẽ tìm đến các thị trường tiềm năng như Việt Nam.
Còn theo ông Trần Ngọc Báu - Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành WiGroup cho rằng, thời gian qua dòng vốn đã có sự dịch chuyển về các quốc gia phát triển, điển hình là Mỹ. Điều này đến từ yếu tố tỷ giá, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không nắm giữ nhiều tài sản theo VND nếu VND sẽ giảm giá đáng kể 5 - 7% so với USD, do đó việc bán tháo là bình thường. Đây cũng là diễn biến chung tại các thị trường khác như Nhật Bản hay các nền kinh tế tương tự như Việt Nam.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được định giá rẻ, ảnh hưởng từ việc nhóm ngân hàng chỉ có P/E khoảng 7 - 8 lần, trong khi đây là nhóm vốn hóa lớn. Nếu không tính đến nhóm ngân hàng, P/E của thị trường có thể cao hơn.
“Đối với nhóm doanh nghiệp phi ngân hàng thuộc rổ VN30, tiềm năng tăng trưởng 2 - 5 năm tới vẫn chưa rõ ràng. Như vậy, khối ngoại có thể theo đó nhìn vào động lực tăng trưởng lợi nhuận của thị trường trong tương lai để đánh giá”, ông Báu nhận định.
Theo ông Hoàng, với mức định giá hiện tại, nhà đầu tư có thể giải ngân nhưng chọn doanh nghiệp có tăng trưởng ít nhất 20%/năm. Hoặc có thể đợi định giá xuống thấp hơn để mua nhưng có thể sẽ phải chờ đợi lâu. Do đó, nhà đầu tư có thể chia thành một phần mua ngay với doanh nghiệp tốt và một phần đợi đến khi định giá xuống thấp để giải ngân. Nếu đợi, nhà đầu tư có thể phải đợi 2 - 4 năm.
Ở thời điểm hiện tại, có thể mua các nhóm như ngân hàng với kỳ vọng tăng trưởng tốt.
Thứ hai, có thể quan tới nhóm cảng biển, vận tải biển. Khi tương quan giữa các nền kinh tế lớn tương đương nhau sẽ có một số diễn biến địa chính trị dẫn tới đứt gãy nguồn cùng làm giá cước vận tải lên cao.
Thứ ba là nhóm đầu tư công. Ngoài ra là nhóm dầu khí với khối lượng công việc lớn trong 3 - 4 năm tới. Nhưng khi mua nhóm này thì phải xác định đây là thời điểm khó và kết quả sẽ xuất hiện trong 1 - 3 năm.
Bên cạnh đó, nhóm bất động sản khu công nghiệp hưởng lợi nhờ dòng vốn FDI vẫn chảy vào Việt Nam. Nhóm bảo hiểm đang có định giá rẻ, nhiều công ty có PB quanh mức 1 đồng thời lãi suất huy động có khả năng tăng trong 6 tháng cuối năm sẽ hỗ trợ nhóm này.