Vướng mắc về hóa đơn vẫn nóng trong đối thoại ngành thuế
Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vừa có văn bản tổng hợp các câu hỏi của doanh nghiệp và nội dung trả lời của ngành Thuế các địa phương ghi nhận trong các Hội nghị đối thoại với người nộp thuế tại 5 tỉnh thành phía Nam năm 2024.
Theo đó, phân chia theo các nhóm vấn đề doanh nghiệp còn vướng mắc, đến thời điểm cuối tháng 9/2024, các vướng mắc về hóa đơn vẫn chiếm số lượng và tỷ lệ cao nhất.
Cụ thể, có 31 vướng mắc về hóa đơn, liên quan đến các vấn đề cụ thể như: áp dụng quản lý rủi ro với hóa đơn điện tử; xử lý hóa đơn chiết khấu; xử lý hóa đơn ủy thác xuất khẩu; lập hóa đơn đối với dịch vụ vận tải hành khách công cộng; lập hóa đơn cho nhiều người mua hàng không lấy hóa đơn; xử lý hóa đơn với tiền lãi tiết kiệm; xử lý hóa đơn đối với hoạt động chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi; xử lý hóa đơn trường hợp trả lại hàng hóa…
Đông đảo doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh tham gia đối thoại và nêu các vướng mắc về lĩnh vực thuế trên địa bàn tuần vừa qua. Ảnh: Quang Huy |
Theo ghi nhận của Thời báo Ngân hàng, các vướng mắc liên quan đến hóa đơn điện tử hiện nay khá phổ biến và được cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị giải đáp, hướng dẫn triển khai nhiều nhất trong các đối thoại giữa ngành Thuế với doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, do các quy định pháp lý còn chồng chéo, quy trình, trình tự xử lý còn phức tạp và kéo dài nên thời gian qua, ngành Thuế các địa phương chưa xử lý triệt để và giải đáp cụ thể, thỏa đáng được cho các doanh nghiệp.
Quan sát trên diễn đàn về kế toán và thuế của các doanh nghiệp cho thấy, vướng mắc nhiều nhất là tình trạng doanh nghiệp bị liệt vào danh sách gửi mail cảnh báo rủi ro hóa đơn (do phần mềm ứng dụng tự động của ngành Thuế chưa cập nhật các ngành nghề đặc thù không có hoặc có rất ít hàng tồn kho).
Hệ quả là nhiều doanh nghiệp bị cảnh báo rủi ro hóa đơn và thông tin này được gửi cho các đối tác kinh doanh gây hoang mang, lo ngại, chậm thanh toán hợp đồng.
Ngoài vướng mắc về cảnh báo rủi ro, các vướng mắc thường xuyên được doanh nghiệp phản ánh là thiếu sót về dữ liệu thông tin trên các mẫu hóa đơn điện tử; xử lý các hóa đơn sai sót và các hóa đơn trong trường hợp người mua trả lại hàng hóa.
Liên quan đến các vướng mắc này, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định số 123/2020/NĐ-CP bảo đảm áp dụng hóa đơn điện tử đối với các giao dịch thương mại điện tử và các hoạt động livestream, dịch vụ ăn uống.
Các tháng vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã khá tích cực và cầu thị trong việc lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, do tính chất đa dạng và phức tạp của các đối tượng được điều chỉnh bởi nghị định này, đến nay văn bản pháp lý mới vẫn chưa được hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành. Vì thế, các vướng mắc của doanh nghiệp vẫn kéo dài và phổ biến ở hầu hết các địa phương.
Bên cạnh vấn đề hóa đơn, nhóm vướng mắc liên quan đến thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, trong các quý đầu năm cũng được các doanh nghiệp yêu cầu giải đáp nhiều nhất.
Ở nhóm các vấn đề thuế thu nhập doanh nghiệp, theo ghi nhận có khoảng 21 vướng mắc liên quan đến chi phí khấu trừ, chi phí tài trợ, ưu đãi thuế và cách tính giá chuyển nhượng. Trong khi đó, đối với thuế giá trị gia tăng, hầu hết các vướng mắc của doanh nghiệp nằm trong nhóm xử lý hoàn thuế chưa kịp thời và có sai sót trong quá trình xác định thu nhập chịu thuế.
Riêng đối với các vướng mắc liên quan đến lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, theo tổng hợp của Tổng cục Thuế, trong các quý đầu năm vừa qua, một số doanh nghiệp phát sinh các vấn đề khó khăn về: phân loại giao dịch liên kết (liên quan đến trần chi phí lãi vay); xử lý hóa đơn đối với các doanh nghiệp có mua chứng chỉ tiền gửi thông qua ngân hàng; xử lý trường hợp không tra cứu được các hóa đơn thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động thư tín dụng (L/C) trước 2011… Tuy nhiên, các vướng mắc này đều đã được ngành Thuế giải đáp thỏa đáng, phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan.