Xã hội hóa đầu tư hạ tầng dự trữ xăng dầu: Cần Nhà nước định hướng
Thảo luận tại Tọa đàm, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, xác định tầm quan trọng của mặt hàng xăng dầu, trong thời gian qua, NHNN đã điều hành tăng trưởng tín dụng linh hoạt, hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên..., trong đó hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng dầu là đối tượng được quan tâm và ưu tiên cấp tín dụng.
Ngành Ngân hàng đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp
Về các chính sách của ngân hàng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu, góp phần đảm bảo nguồn cung, bà Hoàng Thị Thu Hà, Phó trưởng phòng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết theo dự thảo quy hoạch, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống xăng dầu, dự trữ cung ứng khí đốt quốc gia đến năm 2030 lên tới khoảng 270.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này được huy động từ nhiều nguồn như: vốn doanh nghiệp, ngân sách, tín dụng và các nguồn vốn khác liên quan đến nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Theo bà Hà, NHNN đã ban hành đầy đủ hành lang pháp lý để các TCTD xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở đánh giá tính khả thi của dự án.
“Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, ngân hàng nhận tiền gửi của dân thì phải có trách nhiệm sử dụng tiền hiệu quả, đúng mục đích và có khả năng thu hồi để đảm bảo khả năng chi trả cho người dân”, bà Hà cho biết.
Trong năm 2023, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí, tạo điều kiện giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng, thuận lợi hơn trong quá trình tiếp cận vốn.
“Trước biến động phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới và diễn biến cung - cầu xăng dầu trong nước, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động có nhiều văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động cân đối nguồn vốn, xem xét, tạo điều kiện tăng thêm hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu được Bộ Công Thương giao, góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Cùng với đó, tổ chức làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đang có quan hệ tín dụng để nắm bắt cụ thể những khó khăn, vướng mắc, đồng thời chủ động có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ vốn vay ngoại tệ trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc quy định về cấp tín dụng, bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng cho doanh nghiệp xăng dầu nhằm phục vụ nhu cầu xăng dầu nhập khẩu trong nước và nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức được giao. Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, hiện các ngân hàng đều đang cung cấp đủ hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu, doanh nghiệp xăng dầu cũng như là cung cấp đủ nguồn ngoại tệ cho doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu”, bà Hà thông tin thêm.
Về phía doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Dầu khí Sơn Hải cho biết, thực tế các ngân hàng vẫn rất tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vay vốn để kinh doanh nhưng với tình hình khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp càng làm càng lỗ dù vẫn đang cố gắng duy trì bởi nếu đóng cửa một cửa hàng nào ảnh hưởng đến đời sống người dân khu vực đó.
“Tôi đề nghị Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ đầu tư dự trữ xăng dầu. Cụ thể, có chính sách tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện các doanh nghiệp tiếp cận đất đai làm kho...”, ông Hạnh đề xuất.
Xã hội hóa nhưng nhà nước là chủ đạo
Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân, ông Lê Thanh Kim cho biết, xăng dầu có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, là mặt hàng tham gia vào hầu hết các lĩnh vực, từ hoạt động sản xuất đến giao thông vận tải; từ hoạt động dịch vụ - thương mại đến đời sống dân sinh… Chính vì vậy, xăng dầu là mặt hàng vật tư chiến lược vô cùng quan trọng, có tác động ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới tới CPI của nền kinh tế. Theo đó, vấn đề cốt lõi hiện nay là phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu, tránh để thiếu hàng, làm ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu dùng và đời sống xã hội.
Thời gian qua đã xảy ra hiện tượng “đứt gãy” nguồn cung này mặc dù chỉ là cục bộ, diễn ra không dài… nhưng phản ánh nhiều vấn đề liên quan, trong đó có yếu tố hạ tầng dự trữ xăng dầu yếu kém. Tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, diễn ra ngày 30/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, hệ thống kho dự trữ xăng dầu được phân bố trên phạm vi cả nước, nhưng tổng mức dự trữ xăng dầu mới ở mức khiêm tốn, khoảng 6,5 ngày. Một số cơ sở vật chất được thiết kế theo các tiêu chuẩn cũ đã không đáp ứng được các tiêu chuẩn hiện tại…
Khi so sánh với các nước, ông Nguyễn Đức Hạnh cho biết, tại Nhật Bản, dự trữ xăng dầu quốc gia là 126 ngày tại kho nhà nước và kho thuê của tư nhân. Doanh nghiệp dự trữ 78 ngày tại các kho, bể chứa lọc dầu và tại các kho xăng dầu thuộc doanh nghiệp. Dự trữ hợp tác với các quốc gia khác sản xuất mỏ là 4 ngày. Dự trữ này, doanh nghiệp 50% đối với dầu mỏ và dầu thô. Đối với quốc gia là 90% dầu thô, 10% đối với các loại hình dự trữ khác. Việc dự trữ 90% dầu thô là để tiết kiệm chi phí, hiệu quả kinh tế vì đỡ hao hụt, bay hơi.
Ông Hạnh cho rằng, Nhà nước nên sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, có thể ban hành Luật Dự trữ nguyên liệu xăng dầu như Nhật Bản ban hành 2 luật dự trữ và luật giám sát chất lượng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì cho biết, kinh nghiệm các nước cho thấy, họ quan tâm đến dự trữ dầu thô nhiều hơn. Ví dụ như Mỹ đang có kho dự trữ là khoảng 720 triệu thùng, tiêu dùng của người Mỹ khoảng 20 triệu thùng/một ngày, nghĩa là sẽ duy trì được khoảng 36 ngày dự trữ. Hay như Trung Quốc, dự trữ dầu thô của họ là khoảng 300 triệu thùng và khối lượng này có thể sử dụng từ 50-60 ngày.
Có thể nói, dự trữ xăng dầu hết sức quan trọng, nên ở các nước này, chính phủ đã trực tiếp đứng ra điều hành phương tiện dự trữ. Ví dụ như Mỹ, quyền điều chỉnh lượng dự trữ xăng dầu trong kho dự trữ quốc gia do Tổng thống quyết định. Ở Trung Quốc thì do cục dự trữ quốc gia và chính phủ điều hành. Vì vậy, để các doanh nghiệp độc lập và chủ động trong việc dự trữ sẽ gặp khó khăn, cần phải có vai trò của Nhà nước định hướng.
Hiện nay, dự trữ xăng dầu chúng ta chỉ bảo đảm trong vòng một tuần. Mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu nâng lên khoảng 15 ngày, năm 2030 khoảng 30 ngày, như vậy dự kiến mỗi năm chúng ta phải chi ra khoảng hơn 4.000 tỷ đồng để chuẩn bị cho hệ thống dự trữ.
Ngoài ra, qua cuộc họp của Hội đồng Quốc gia vừa qua dự tính, để có hệ thống dự trữ xăng dầu, khí đốt hoàn chỉnh thì cần tới 270.000 tỷ đồng, đây là con số rất lớn. Nếu để Nhà nước đứng ra lo toàn bộ khoản này sẽ rất khó khăn, chưa tính đến các cái chi phí khác liên quan. Vì vậy, cần tập trung vào xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu, trong đó phải có cả vai trò của Nhà nước và vai trò của các doanh nghiệp, các tổ chức ngoài nhà nước.