Xâm phạm đất lâm nghiệp có xu hướng tăng
Hàng chục ngàn hecta đất lâm nghiệp bị xâm chiếm
Những năm qua, do nhu cầu đất sản xuất nông nghiệp của người dân ngày càng cao, cùng với sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng, dẫn đến đất lâm nghiệp bị xâm chiếm rất nghiêm trọng tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Khi cơ quan chức năng phát hiện, thực hiện các biện pháp thu hồi đất thì dẫn đến tranh chấp khá phức tạp giữa các chủ thể, gây mất an ninh trật tự. Đây là vấn đề rất nan giải đối với chính quyền các địa phương.
Đơn cử, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đăk Nông, huyện Đăk Glong có 99.836ha đất được quy hoạch phát triển lâm nghiệp. Theo thống kê, đến nay người dân đã lấn chiếm 31.685ha để sản xuất nông nghiệp. Hầu hết diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trước đây là do các công ty lâm nghiệp, các lâm trường, UBND các xã quản lý, bảo vệ.
Người nông dân sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp sẽ không được tiếp cận sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng về khoa học công nghệ |
Nguyên nhân lớn nhất diễn ra tình trạng này được nhận định là do số lượng dân di cư tự do đến địa phương sinh sống nhiều, tạo áp lực lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tình trạng đất lâm nghiệp bị lấn chiếm ngày một gia tăng, khiến cho địa phương và các đơn vị chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý đất đai, bảo vệ rừng.
Các diện tích đất lấn chiếm chủ yếu do cá nhân, hộ gia đình chiếm dụng để trồng các loại cây trồng cà phê, hồ tiêu, bơ, mít, sầu riêng, khoai lang, sắn, ngô, đậu… Phần lớn các hộ gia đình sau khi chiếm đất lâm nghiệp đều làm nhà tạm, lán trại tại khu vực sản xuất để cất giữ nông sản và nông cụ.
Một điều dễ nhận thấy trong thời gian qua là sự buông lỏng trong công tác quản lý đất lâm nghiệp. Cùng với đó, công tác tuyên truyền về pháp luật quản lý, bảo vệ phát triển rừng; phát triển rừng trên đất lâm nghiệp chưa sâu sát đến từng hộ dân.
Phải tìm được giải pháp xử lý triệt để
Cùng với đó, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều lúc chưa chặt chẽ. Đồng thời, chính sách bảo vệ và phát triển rừng chưa kịp thời sửa đổi cho phù hợp với thực tế từng địa phương; Mức hỗ trợ cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn thấp.
Theo đánh giá của UBND huyện Đăk Glong, chính quyền địa phương đã và đang chịu nhiều áp lực về đầu tư hạ tầng kỹ thuật khi có sự thay đổi về quy hoạch lâm nghiệp. Cùng với đó, việc tăng diện tích trồng cây nông nghiệp tự phát đã tạo ra hiệu ứng dư thừa nguồn cung, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của địa phương.
UBND huyện Đăk Glong nhận định, phần lớn diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm là do dân di cư tự do từ phía Bắc vào. Có những hộ dân đã vào và sinh sống 20 năm. Việc sinh sống lâu năm và sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp tạo ra những khó khăn, hệ lụy nối tiếp nhau. Các mặt đời sống kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của huyện đều chịu tác động.
Đây là một trong những khó khăn mà nhiều năm nay chưa tìm được giải pháp để giải quyết triệt để. Vậy nên, chính quyền huyện Đăk Glong đã có đề xuất, kiến nghị tỉnh Đăk Nông và các bộ, ngành Trung ương có những cơ chế, hướng tháo gỡ.
Cùng với đó, các chuyên gia cho rằng, việc sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp còn gây những tác động tiêu cực về xã hội như phá vỡ quy hoạch kinh tế, xã hội. Đồng thời, gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ đất lâm nghiệp của các địa phương.
Đặc biệt, hoạt động sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp tác động không nhỏ đến môi trường sồng; làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc khôi phục và phát triển rừng bền vững trên những diện tích đã bị lấn chiếm, quá trình cải tạo đất lâm nghiệp để sản xuất nông nghiệp còn làm suy thoái diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp, giảm độ che phủ của rừng, ảnh hưởng đến phòng hộ đầu nguồn, điều hòa dòng chảy vào mùa mưa, nguồn nước ngầm xuống thấp. Tình trạng xói mòn và rửa trôi đất cũng tăng lên, dẫn đến lũ lụt trên hệ thống sông trong khu vực ngày càng nghiêm trọng.
Khi nói về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, thực trạng sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp hiện nay đặt ra nhiều vấn đề cần xử lý. Trước hết phải thẳng thắn đánh giá việc sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp là sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch. Và cũng vì thế, người dân khi sản xuất trên đất lâm nghiệp sẽ không được tiếp cận các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước để nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống.
Hiện nay, tỉnh Đăk Nông đang tiến hành rà soát quy hoạch, tổ chức lại khu dân cư, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp sao cho bảo đảm cơ sở pháp lý cho người dân. Việc quy hoạch lại đất nông nghiệp phải bảo đảm không phá vỡ quy hoạch phát triển lâm nghiệp của địa phương, cũng như ổn định được đời sống xã hội và an ninh chính trị trên địa bàn.