"Xanh hóa" năng lượng trong sản xuất
Toàn cảnh hội nghị Xanh hóa năng lượng sản xuất với giải pháp điện mặt trời |
Ông Nguyễn Đức Bình, đại diện VCCI chia sẻ, biến đối khí hậu đang tác động đến mọi mặt tại các quốc gia và trên toàn cầu. Việt Nam là một trong 10 quốc gia chịu tác động tiêu cực nhất từ các hiện tượng này. Những hình thái thời tiết khắc nghiệt đang diễn ra thường xuyên hơn, kéo dài bất thường hơn và liên tục lập những kỷ lục mới dựa trên các kết quả đo lường về khí hậu thủy văn.
Biến đổi khí hậu có tác động tiêu cực mang tính đa diện đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, gây ra tình trạng gián đoạn sản xuất, kinh doanh, giảm năng suất lao động, giảm doanh thu, gián đoạn kênh vận chuyển, tăng chi phí sản xuất, đình trệ mạng lưới phân phối, giảm chất lượng sản phẩm, thiệt hại cơ sở vật chất, thiếu hụt nhân lực và gây thiếu nguồn cung nguyên vật liệu.
Những thiệt hại kể trên càng nhấn mạnh tầm quan trọng và tính cấp bách của những hành động bảo vệ môi trường và ngăn chặn những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu đang trở thành nhiệm vụ cấp bách hàng đầu đối với nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Ông Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa - VCCI phát biểu tại sự kiện |
Trong khi đó, cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam tuân thủ nghiêm túc Công ước khung của Liên Hợp Quốc, Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam tích cực hoàn thiện hệ thống luật pháp trong nước về bảo vệ môi trường và ưu tiên nguồn lực cho việc triển khai các chương trình liên quan đến ứng phó tác động rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu.
Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn (GHG) và sau đó là Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, nhằm đạt được mục tiêu giảm mức phát thải ròng bằng không (Net-Zero) tại Việt Nam vào năm 2050.
Các chính sách này được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải và hấp thụ khí nhà kính; tham gia phát triển thị trường các-bon trong nước; sản xuất, nhập khấu, xuất khẩu, tiêu thụ và xử lý các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone.
Từ Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu Toàn cầu lần thứ 26 (COP26) cho đến COP27 và COP28, Việt Nam tiếp tục có những cam kết mạnh mẽ trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc ứng phó với biến đổi khí hậu ở cấp địa phương vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức như: một số cơ sở vật chất, hạ tầng cần thiết cho hoạt động giảm phát thải khí nhà kính như hệ thống kiểm kê khí nhà kính hay hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính vẫn chưa được phố cập rộng rãi.
Vì vậy, đại diện VCCI cho rằng, mục tiêu này chỉ có thể thực hiện được thông qua sự phối hợp đồng bộ từ Chính phủ, đến doanh nghiệp và người dân trong việc xây dựng chính sách, lập kế hoạch, triển khai các hành động và thực tiễn tốt... Đặc biệt, thông qua các chương trình "xanh hóa" và "chuyển đồi năng lượng" nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và quy tắc ứng xử có trách nhiệm với môi trường, xã hội và quản trị, hướng tới tương lai phát triển bền vững của Việt Nam.