Xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm Fintech trong lĩnh vực ngân hàng
Xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm Fintech |
Theo đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Chính phủ trong quá xây dựng Nghị định, bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản pháp luật có liên quan, trình Chính phủ trong quý IV năm 2021.
NHNN cho biết, dự kiến thời gian thử nghiệm từ 01 - 02 năm. Dự thảo Nghị định tập trung vào Fintech trong lĩnh vực ngân hàng chứ không phải tất cả các công ty Fintech, chủ yếu ở các lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P lending), cấp tín dụng trên nền tảng công nghệ, chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng (API), chấm điểm tín dụng. Đặc biệt, các tổ chức tham gia thử nghiệm phải xây dựng khung quản lý rủi ro đầy đủ, hạn chế việc gây ra tác động xấu tới hệ thống tài chính. Đồng thời có phương án khắc phục rủi ro xây ra trong quá trình thử nghiệm.
Theo NHNN, sự xuất hiện và phát triển với tốc độ nhanh chóng của Fintech đã khiến các cơ quan quản lý của các quốc gia đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong công tác quản lý, giám sát do những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố, rủi ro liên quan tới an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, sử dụng trái phép thông tin cá nhân...
Do đó, nhiệm vụ đặt ra với các cơ quan quản lý là phải đảm bảo đồng thời mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khi vẫn phải duy trì sự ổn định, an toàn của thị trường tài chính và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Thực tế, tại Việt Nam các hoạt động của công ty cung ứng giải pháp Fintech, cho vay ngang hàng (P2P lending), mô hình thanh toán mới, chuyển tiền xuyên biên giới, chia sẻ dữ liệu người dùng qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open APIs),... đều chưa có quy định pháp lý cụ thể để điều chỉnh.
Vì vậy, việc xây dựng hành lang pháp lý cho Fintech theo đó được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực này có cơ sở pháp lý để tập trung làm ăn, phát triển, đồng thời góp phần giảm các hình thức biến tướng lợi dụng mô hình kinh doanh P2P Lending thời gian qua. Tạo điều kiện cho Fintech phát triển cũng sẽ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam thời gian tới.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, việc sớm đưa ra cơ chế thử nghiệm cho Fintech không những nâng cao hiệu quả quản lý, mà còn thúc đẩy phổ cập tài chính, đổi mới sáng tạo, rút ngắn thời gian xây dựng và đưa các dịch vụ tài chính mới, chất lượng ra thị trường. Đồng thời, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Fintech Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh với các đối tác nước ngoài.